Phát triển năng lực lãnh đạo đâu là bí quyết?

Khi được nghe một người nào đó nói, nhiều người khác sẵn sàng từ bỏ công việc tốt với thu nhập hậu hĩnh để về đầu quân cho công ty nho nhỏ mới lập ra thì đó chính là người có cái gọi là “năng lực lãnh đạo”.

Những người có năng lực lãnh đạo bẩm sinh

Nói một cách chung chung, năng lực lãnh đạo là điều mà một vị tướng có thể biểu đạt để quân sĩ xông lên tuyến lửa bất chấp mọi hy sinh gian khổ. Là điều mà một ông chủ có thể biểu đạt để nhân viên phấn chấn và tin tưởng cùng chung tay đưa công ty qua những ngày gian khó. Một trong những điều làm cho một người có năng lực lãnh đạo, xét riêng trong lĩnh vực kinh doanh, là năng lực sử dụng ngôn ngữ cơ thể của họ.

Có thể kể đến những lãnh đạo doanh nghiệp mà năng lực sử dụng ngôn ngữ cơ thể và qua đó là năng lực lãnh đạo, đã giúp họ thành danh trong thời đại hôm nay. Đó là ông chủ Larry Ellison của hãng Oracle, John Chambers của Cisco, Steve Jobs của Apple hay cựu Giám đốc Hewlett-Packard Carly Fiorina. Họ đều có năng lực ấy.

Cụ thể, những người này đều thể hiện được sự tự tin cao độ khi nói chuyện trong bất cứ hoàn cảnh nào. Họ khiến cho cấp dưới cảm thấy tin cậy và luôn tìm tới hỏi xin chỉ thị một khi khó khăn. Trong mắt cấp dưới, họ là cây tùng cây bách đứng vững trước phong ba bão táp. Rất có thể họ cũng bị đánh bật gốc, song ít nhất là khi họ đang làm thủ lĩnh, không ai nghĩ tới khả năng thất bại.

Một ông chủ không thể hiện được sự tự tin qua từng lời nói và cử chỉ hàng ngày sẽ khiến nhân viên dưới quyền nao núng và không tin tưởng vào tương lai của công ty, qua đó dần mất đi thế mạnh của cả tập thể, cũng như vị tướng không có niềm tin chắc thắng sẽ không có được đoàn quân với sức mạnh cộng hưởng mà chỉ có một tập thể ô hợp.

Theo các chuyên gia quản lý kinh tế, có thể tăng sự tự tin qua các lời nói và đặc biệt là cử chỉ, bằng cách tự ghi âm, ghi hình mình để sau đó xem lại và tìm ra chỗ yếu kém trong thể hiện rồi quyết sửa cho bằng được.

Làm gì để phát triển năng lực lãnh đạo?

Có rất nhiều lỗi khiến năng lực lãnh đạo của người này không được cao như người khác, dù xuất phát điểm hay năng lực chung không hề thua kém. Khắc phục được chúng sẽ làm năng lực lãnh đạo tăng lên từng ngày, để nó phục vụ một người dù người đó đang chuẩn bị phỏng vấn xin việc, chuẩn bị thăng tiến, gặp gỡ đàm phán với khách hàng hay đi thuê văn phòng lập doanh nghiệp mới cho riêng mình.


Bồn chồn, thấp thỏm và cố to tiếng.
Đây là những thói quen xấu, nhưng tiếc thay, lại hay xuất hiện nhất ở hầu hết những người khi gặp nhân vật quan trọng hay đứng trước vận hội lớn của cuộc đời. Biểu hiện của nó là gõ ngón tay, là sờ tóc sờ tai, là rung đùi, là xoay tròn bút hay thước kẻ không mục đích…

Giải pháp dễ nhất:
xác định rõ mục đích của từng hành động. Xem lại băng hình để phát hiện ra những cử chỉ không mục đích và kiên quyết vứt bỏ chúng trong những lần nói chuyện tiếp theo.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phải giữ thân thể bất động khi nói chuyện, bởi nó khiến người ta trở nên buồn chán, máy móc và thậm chí khiến người khác nghĩ đối tượng đang cố làm cho xong việc chứ không có chút đam mê nào.

Giải pháp dễ nhất:
di chuyển nhẹ nhàng, đứng dậy bước những bước ngắn trong phòng hay đơn giản chỉ đi lấy ly nước. Ngày nay nhiều diễn giả nổi tiếng đi lại từ góc này sang góc khác của khán phòng để lắng nghe gần hơn, nhìn một cách giàu cảm xúc hơn với từng nhóm đối tượng. Nhiều diễn giả thậm chí tự tay mang micro tới cho một thính giả vừa giơ tay xin phát biểu… Điều đó luôn có thể mang lại thiện cảm mà không hề sợ tác dụng phụ.

Đút tay vào túi.
Không hiểu sao, rất nhiều người nghĩ đây là một cách “tạo dáng” dễ dàng và tuyệt vời nhất. Nhưng tác dụng của nó thật tồi tệ: nó gây cho người nghe cảm giác người nói không thiết gì tới họ, không dám cam kết những điều lớn lao và có cái gì đó không đảm bảo.

Giải pháp dễ nhất:
quá đơn giản, chỉ cần bỏ tay ra khỏi túi, ít nhất là một tay. Cứ xem trên truyền hình, rất ít khi thấy những nhà lãnh đạo, những ông chủ doanh nghiệp lớn xỏ tay vào túi quần túi áo.

Tay bất động.
Những người thành công không xỏ tay vào túi khi nói chuyện, nhưng không có nghĩa là để tay bất động. Thay vào đó, họ tạo ra những cử chỉ nhịp nhàng như một nhạc trưởng đang chỉ huy dàn hợp xướng. Cựu ngoại trưởng Mỹ Colin Powell, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Thủ tướng Anh Tony Blair là những người có đôi tay vào loại “dẻo” nhất.

Giải pháp dễ nhất:
bắt chước những người trên, bởi có rất nhiều cơ hội chứng kiến họ phát biểu trên truyền hình. Tuy nhiên, chớ rập khuôn. Phải tuỳ biến nó theo đặc điểm thân thể của mình cũng như môi trường văn hoá xung quanh nếu không muốn trở thành lố bịch. Và nếu cử chỉ đôi tay không ăn khớp với lời nói và từng điểm nhấn, sẽ giống như xem một bộ phim mà hình và tiếng lồng không ăn nhập vào nhau.

Nếu ai đó đang chuẩn bị phỏng vấn xin việc, chuẩn bị thăng tiến, gặp gỡ đàm phán với khách hàng hay lập doanh nghiệp mới cho riêng mình, nên chuẩn bị trước một sự thể hiện mang phong cách lãnh đạo, có năng lực lãnh đạo.

Còn nếu muốn trở thành một ông chủ lớn cỡ Bill Gates, Larry Ellison, Steve Jobs hay người đẹp Google, lời khuyên của những chuyên gia là cần bỏ thời gian hàng ngày để rèn luyện năng lực ấy. Khi nói chuyện, hãy cho thân thể góp phần một cách khéo léo. Hãy đi, hãy nói, hãy nhịp tay… cho tới khi người người muốn theo con đường mình đã chọn.

Theo Quản trị