Vì sao thị trường Việt Nam hấp dẫn với doanh nghiệp Hàn Quốc như vậy?

Thứ hạng của Việt Nam trong các thống kê về sự đổ bộ của hàng tiêu dùng nhanh Hàn Quốc như bánh Chocopie, mỹ phẩm Innisfree, dầu gội đầu Double Rich… có thể làm nhiều người bất ngờ.

Ảnh minh họa

Theo một báo cáo gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International, Việt Nam là mỏ vàng lớn nhất của các tập đoàn kinh tế xứ sở Kim Chi.

Thị trường Việt Nam hấp dẫn như thế nào?

Theo nghiên cứu của Euromonitor International trên mẫu 400 công ty FMCG hàng đầu Hàn Quốc vào năm 2014, thì có tới 132 công ty đã mở rộng hoạt động kinh doanh tới Việt Nam, chiếm tỷ lệ 33%.

Việt Nam đứng đầu danh sách top 10 quốc gia được các doanh nghiệp Hàn Quốc để mắt tới nhiều nhất. Trong khi đó, thị trường rộng lớn ở Trung Quốc đại lục chỉ thu hút 112 công ty, chiếm tỷ lệ 28%, ít hơn con số tương tự ở Việt Nam.

Theo thống kê, có tới hơn 50 mặt hàng Hàn Quốc, từ kẹo cao su, mì gói, mỹ phẩm, rượu, thực phẩm chức năng…đang xuất hiện ở thị trường Việt Nam. Sự đa dạng hàng hóa này chỉ xếp thứ 2, sau thị trường mang lại tổng doanh thu cao nhất là Trung Quốc.

Về mặt tăng trưởng, Việt Nam cũng thể hiện là thị trường hấp thụ hàng tiêu dùng Hàn Quốc với tốc độ nhanh đáng ngạc nhiên. Trong giai đoạn 2009 – 2014, doanh số bán lẻ của các tập đoàn tại Việt Nam tăng trưởng nhanh ở mức thứ 4 chỉ sau các nước Nga, Iran và Trung Quốc, với con số khoảng 100 triệu USD.

Trong khu vực Đông Nam Á, các tập đoàn Hàn Quốc cũng lựa chọn Việt Nam như một thị trường tiêu dùng được ưu tiên hàng đầu. Từ hình dưới, có thể thấy trong năm 2014, tổng doanh thu bán hàng tiêu dùng nhanh thu được tại Việt Nam cao hơn hẳn các thị trường Singapore, Philippines, Thái Lan…

Với hơn 90 triệu dân, Việt Nam cũng là thị trường thu hút nhiều sự quan tâm nhất của các công ty Hàn Quốc trong khu vực. Tỷ lệ các công ty đổ bộ vào Singapore là 17%, ở Indonesia, Philippines, Thái Lan là 14%, trong khi ở Malaysia chỉ là 12%, chưa bằng một nửa so với con số 33% của Việt Nam.

Các nước trong khu vực Đông Nam Á dù có nền văn hóa và trình độ phát triển tương đồng, nhưng Việt Nam vẫn được người Hàn Quốc hướng đến như một thị trường chính để xuất khẩu mỹ phẩm Hàn, bánh kẹo, nhân sâm, thực phẩm chức năng…, chứ không phải Thái Lan, Indonesia, Philippines hay Malaysia.

Điểm mặt ông lớn Hàn Quốc đang hiện diện ở Việt Nam

Người tiêu dùng Việt Nam từ lâu đã quen với bánh Chocopie, mỹ phẩm Innisfree, sữa rửa mặt Acnes, rượu soju…Đứng đằng sau sự hiện diện của các hàng hóa này chính là các tập đoàn kinh tế hàng đầu Hàn Quốc.

Trong số 132 công ty, tập đoàn đã mở rộng hoạt động hàng tiêu dùng đến Việt Nam nói trên, phải kể đến những ông lớn ở khắp các lĩnh vực kinh doanh như Lotte Group, KT&G Corp, AmorePacific Corp, Korea United Pharmaceutical Inc hay Crown Confectionary.

Lớn nhất phải kể đến Lotte Group, Chaebol lớn thứ 5 và xếp thứ 4 về mảng hàng tiêu dùng nhanh ở Hàn Quốc. Có mặt tại Việt Nam từ năm 2008, Lotte đã đầu tư hơn 3 tỷ USD, trong đó có siêu dự án Eco Smart City đang triển khai trị giá 1,9 tỷ USD, để phủ sóng hình ảnh của mình khắp Việt Nam.

Lotte hiện sở hữu một hệ thống mặt bằng bán lẻ trị giá hàng trăm triệu USD gồm Lotte Center, chuỗi Lotte Mart, hệ thống rạp chiếu phim Lotte Cinema và hệ thống cửa hàng đồ ăn nhanh Lotteria.

Sở hữu một hệ thống các địa điểm thường xuyên được tầng lớp người trẻ lưu tới, Lotte đã tạo điều kiện cho hàng hóa Hàn, không chỉ của chính Lotte mà còn của nhiều nhãn hiệu Hàn Quốc khác, tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam theo cách rất dễ dàng.

Lotte còn nắm giữ hơn 44% bánh kẹo Bibica. Không ngạc nhiên khi giờ đây kẹo cao su Lotte, bánh Lotte Pie, socola Lotte là sản phẩm quen thuộc của người dùng Việt.

Đình đám ở mặt hàng mỹ phẩm là tập đoàn mỹ phẩm nghìn tỷ won AmorePacific, xếp thứ 6 về mảng hàng tiêu dùng nhanh ở Hàn Quốc. Tập đoàn này chính là chủ của những dòng thương hiệu quen tên là Innisfree, Laneige hay Etude House… đã và đang tiếp tục chinh phục người tiêu dùng Việt Nam.

Một cái tên khác là tập đoàn KT&G. Đây là cái tên có lẽ còn chưa nhiều người Việt biến đến nhưng lại chính là đối tác quan trọng của Tổng công ty thuốc là Việt Nam Vinataba. KT&G cũng Corp là tập đoàn Hàn Quốc lớn thứ 5 thế giới về lĩnh vực thuốc lá, với hơn 60% thị phần trong nước. Ở mảng FMCG, công ty này xếp thứ 3 về doanh số toàn cầu.

Ở ngành dược phẩm và thực phẩm chức năng chứng kiến sự có mặt sớm của các công ty Hàn Quốc với sản phẩm đặc trưng là nhân sâm. Trong đó phải kể đến công ty Korean United Pharma (KUP). KUP đã bắt đầu rất sớm ở Việt Nam, ngay từ năm 1995 khi hợp tác với công ty IC Việt Nam để phát triển thuốc bổ từ nhân sâm Homtamin Ginseng.

Theo Trí Thức Trẻ