3 điều cần lưu ý để gọi vốn thành công

Những startup khát vốn ở khu vực Đông Nam Á đang có cơ hội được giải tỏa cơn khát khi ngày càng nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm xâm nhập vào thị trường vốn đang tăng trưởng nhanh về lượng người sử dụng internet này.


Ảnh minh họa

Trong 2 năm qua, quỹ đầu tư mạo hiểm toàn cầu 500 Startups đã đầu tư vào 120 dự án khởi nghiệp tại Đông Nam Á và có kế hoạch đầu tư thêm 200 dự án nữa trong 2 năm tiếp theo, theo đối tác quản lý (Managing Partner) Khailee Ng. Danh mục đầu tư của quỹ này bao gồm hàng trăm công ty trên khắp thế giới hoạt động tại nhiều lĩnh vực như tiêu dùng, công nghệ thực phẩm, phân tích dữ liệu và chăm sóc sức khỏe.

Theo một báo cáo của Hãng Google và quỹ đầu tư Singapore Temasek Holdings, có khoảng 1,1 tỷ USD đã được đầu tư vào Đông Nam Á trong năm 2015. Đây được xem là khu vực có tốc độ tăng trưởng internet nhanh nhất với số lượng người dùng hiện tại là 260 triệu người và dự kiến sẽ tăng lên 480 triệu người vào năm 2020. Thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á cũng được dự báo sẽ đạt giá trị 88 tỷ USD vào năm 2025.

“Chắc chắn hệ sinh thái ở Đông Nam Á còn rất trẻ so với Silicon Valley và Trung Quốc. Điều này có nghĩa là mức độ cạnh tranh vẫn còn khá thấp, cho cả nhà đầu tư và các startup đang tìm kiếm vốn”, Adrian Li – nhà sáng lập, đối tác quản lý của quỹ đầu tư mạo hiểm Convergence Ventures nói.

Vì vậy, để tận dụng được những cơ hội này và gọi vốn thành công, các startup Đông Nam Á cần lưu ý 3 điều sau:

1. Tập trung vào trọng điểm

“Tôi luôn cố gắng nhìn xa hơn vào tiềm năng phát triển của dự án, tiến độ kinh doanh và “chất lượng” của những nhà sáng lập. Do đó, các startup cần phải làm rõ những yếu tố này ngay từ đầu”, Khailee Ng nói.

Đồng quan điểm, Adrian Li cho biết: “Để đầu tư vào giai đoạn đầu của các startup, tiềm năng đột phá lớn và hàm lượng sáng tạo là những yếu tố rất quan trọng. Việc dành cả nửa giờ để giải thích về thị trường không phải là cách sử dụng thời gian hiệu quả cho các startup, vì nhà đầu tư thường đã tìm hiểu về vấn đề này trước đó rồi. Nếu không quan tâm đến thị trường đó, họ đã không cất công gặp gỡ startup”.

2. Nói về hành trình sắp tới như một doanh nhân

Các nhà sáng lập nên dành nhiều thời gian để nói về bản thân mình và đưa ra lý do vì sao họ là lựa chọn tốt nhất để tạo ra giải pháp cho một thị trường cụ thể.

Adrian Li cho rằng, startup phải cho thấy được rằng họ không phải đang theo đuổi dự án chỉ đơn giản vì có thể kiếm được nhiều tiền hoặc do không thể lùi bước được nữa. Phải có một động lực to lớn nào đó định hướng và giúp họ luôn bền chí dù chưa kiếm được tiền hoặc thậm chí khi nhiều cộng sự lần lượt bỏ đi.

“Quỹ Convergence Ventures hỗ trợ các dự án startup ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào, nhưng thường chỉ chấp nhận đầu tư một khi startup đã có sản phẩm và động lực từ thị trường. Động lực này có thể thể hiện ở các phản hồi, dữ liệu thị trường từ người tiêu dùng hoặc các doanh nghiệp về sản phẩm hay về những cải tiến mới trong sản phẩm”, Adrian Li nói.

3. Tự lập càng nhiều càng tốt

Khailee Ng khuyên các startup thử xem sức mình có thể tự đi được bao xa và chỉ tìm kiếm vốn đầu tư khi thật sự cần thiết.

“Vấn đề không phải là ai có thể mang đến nhiều tiền nhất cho dự án, mà là startup có thể tự lực đến đâu và có thể giữ chân khách hàng lâu dài hay không. Khi startup có thể làm những việc đó với số vốn riêng ít ỏi, họ sẽ sử dụng hiệu quả số tiền lớn hơn có thể nhận được từ các nguồn đầu tư bên ngoài”, Khailee Ng cho biết.

Theo Tech in Asia