Tiền bạc xâm lấn Internet đã ảnh hưởng thế nào tới văn hóa sách báo Online?

Một câu chuyện chia sẻ về công việc, tiền bạc và đam mê.


Ảnh minh họa

Cộng đồng đọc mà trang web của tôi từng tham gia được định hướng bởi lòng nhiệt tình chứ không phải số cú kích chuột, bằng thiện ý chứ không phải tiền bạc – và giờ đây văn hóa đó đã ra đi.

Tôi nhớ mạng Internet. Tôi biết rằng, trên danh nghĩa, thì mạng Internet vẫn tồn tại. Đó là Facebook, Youtube, Twitter – tràn ngập hàng loạt thuật toán được thiết kế để đưa những video về mèo, những mẩu suy nghĩ, và quảng cáo ra trước mặt bạn. Nhưng tôi nhớ quãng thời gian trước khi tiền bạc xâm lấn vào Internet – giai đoạn đầu những năm 2000, cụ thể là, khi tôi thiết lập blog văn học và tập san mạng Bookslut.com.

Quay lại thời điểm đó, bạn làm gì chẳng quan trọng. Và điều này giúp bạn được tự do. Lúc đó, văn hóa sách online vận hành chủ yếu bởi những người nghiệp dư có lòng đam mê, những người tạo nên blog hay báo mạng đơn giản chỉ để tận hưởng niềm vui của nó, thay vì để gây dựng một sự nghiệp hay thương hiệu. Tôi biết rằng hoài niệm là một thứ cảm xúc ngu ngốc, nhưng tôi vẫn thấy xót thương cái ngày mà tiền tìm đến với Internet. Một khi những nhà quảng cáo xuất hiện, đề nghị trả tiền cho chúng ta để làm cái việc mà chúng ta chỉ đang làm cho vui, thì thật khó để nói không. Hay thậm chí là để hiểu được chính xác sự được mất ở đây là như thế nào.

Vấn đề khi làm điều mà bạn yêu thích như một công việc kiếm cơm hằng ngày đó là bạn phải thỏa hiệp để kiếm ra tiền. Hãy hỏi tất cả những người trong độ tuổi 20 đang mơ ước theo đuổi một sự nghiệp văn chương rằng làm cách nào mà việc viết những danh sách Buzzfeed hay những tiêu đề giật gân câu click thỏa mãn được khao khát của họ. Cái mà khiến bạn thích viết lách hiếm khi là cái khiến bạn thực sự được trả tiền.

Khi mà bạn chỉ đơn giản là một người nhiệt huyết, bạn có thể viết bất cứ thứ gì bạn muốn. Bạn có thể thực hiện một cuộc phỏng vấn dài với các tác giả mà chỉ có khoảng 20 người từng nghe tên họ, biết rõ rằng có lẽ sẽ chỉ có vài chục người sẽ đọc nó trọn vẹn. Bạn có thể viết những bài review sách rất dài, rất nghiêm túc về những cuốn sách tới từ một nhà xuất bản nhỏ từ một đất nước xa xôi chẳng ai biết. Hạn định duy nhất dành cho bạn là giới hạn của sự tò mò.

Nhưng có lẽ bạn sẽ không dành được nhiều sự chú ý. Và trong thế giới của tin tức online, sự chú ý là tất cả. Nguồn thu của bạn tương quan trực tiếp tới việc có bao nhiêu cú kích chuột và lượng xem mà bạn kiếm được, và một bài phỏng vấn 8000 từ với một tác giả người Nigeria được xuất bản ở Anh lần đầu tiên sẽ chẳng thể nào thu hút được đám đông. Điều này mới là phát hiện đáng thất vọng nhất về thế giới sách: thậm chí cả những người trí thức cũng dễ rơi vào bẫy của việc giật tít. Họ có thể mang theo một tờ New York Review of Books (một tạp chí review sách hàng đầu) để đọc trên tàu điện ngầm, nhưng lại bấm vào một đường link dẫn đến bài báo câu view về 37 hình xăm truyền cảm hứng từ Ernest Hemingway.

Trong vài năm trở lại đây, đã có sự cảnh báo gấp về việc thiếu các cuốn sách của tác giả nữ và tác giả da màu trong các ấn phẩm lớn. Khoảng lớn nhất trong không gian của giới review sách vẫn được trao cho người da trắng để viết về những cuốn sách của những người da trắng khác, và cuối cùng sự phản kháng cũng xuất hiện.

Điều gì mang chúng ta tới sự thật đầy khắc nghiệt này? Để kiếm ra đủ tiền vận hành xuất bản thực sự, bạn phải review về những cuốn sách mà tất cả mọi người đã từng nghe tên. Bạn phải đắm mình vào trong những sự giật gân. Bạn phải giới hạn những gì mình nói vào một thứ mà đã xảy ra ở đâu đó rồi. Điều này sẽ củng cố tiếng nói của một nhóm người lên cao hơn so với những người khác. Không chỉ có những nhà xuất bản thích những tiếng nói này, mà là cả bản thân người đọc nữa. Tôi đã chứng kiến nhiều lần sự thiếu quan tâm tới những tác giả da màu, hay những tác giả nữ. Tôi bỏ cuộc trong việc cố kiếm tiền bằng trang web, và tôi chỉ nhún vai và tiếp tục nói về những gì tôi thích. Tôi may mắn bởi vì tôi có một công việc kinh doanh bên lề, vì thế nên tiền từ quảng cáo là không cần thiết.

 
Jessa Crispin – Người điều hành Bookslut.com
Nhưng đối với những người dựa vào nguồn thu nhập này, họ phải sắp xếp trang tin của mình cho hợp với những gì độc giả muốn, và độc giả, hầu hết là muốn review những cuốn sách họ đã quen thuộc.

Đây không phải là lời than thở cho một thời kì vàng son của văn học. Chưa từng có một lối đi nào đề hòa hợp một cách thỏa đáng giữa thương mại và nghệ thuật, và mẫu hình dựa trên sự chú ý đơn giản là cơ chế hiện tại để thực hiện điều này. Những mẫu hình khác sẽ xuất hiện và chúng sẽ gây ra sự bất mãn theo những phương thức mới. Đây cũng không phải là sự bất mãn với công nghệ. Đây chỉ đơn giản là một sự quan sát, đến từ những trải nghiệm của tôi trong hơn một thập kỉ vận hành 1 trang review sách.

Có một cách để đấu tranh cho sự cân bằng, là nghiến răng, làm những điều giả tạo mà bạn biết sẽ tạo ra doanh thu quảng cáo, và lấy tiền đó để trả cho dự án mà bạn đam mê thực sự. Nếu tôi không ngập trong những sự cứng đầu ngu ngốc và tự cho mình là đúng này, có lẽ những điều này sẽ có ích cho trang Bookslut.com của tôi. Nhưng vào đầu năm nay, tôi đã quyết định đóng cửa trang web, lý do, thật tuyệt vời, là không phải do doanh thu. Chúng tôi chưa từng có doanh thu. Đó chỉ đơn giản bởi vì sự chú ý của tôi đã được đẩy sang một hướng khác.

Những khán giả của Internet ở góc độ nào đó sẽ nhận lấy trách nhiệm cho tình trạng hiện tại của Internet, bao gồm tất cả những gì chúng ta đã than vãn – từ những bình luận lạm dụng tới listicles (một dạng báo trên Internet được trình bày dưới dạng một danh sách được đánh số) tới những tiếng nói nam giới lấn át những người khác. Bạn kích chuột vào nó, bạn đang cổ súy nó. Cho tới lúc đó, những người trong chúng ta bắt đầu công việc với tình yêu sẽ nhận thấy rằng tình yêu cuối cùng sẽ cạn kiệt khi không được chống đỡ bởi tiền và khán giả.

Theo The Guardian/Readstation