Richard Wiseman đã tiến hành những nghiên cứu kỳ lạ về hành vi của con người trong hơn 20 năm và thu hút được hàng nghìn người trên thế giới tham gia. Cuốn Tâm lý học hài hước trình bày chi tiết về những cuộc mạo hiểm và thí nghiệm của ông, từ việc kiểm tra kỹ năng phát hiện nói dối của các quốc gia, xem một đứa bé 4 tuổi đánh bại thị trường chứng khoán, đến việc đề nghị các nghiên cứu sinh mặc đồ đóng giả con gà khổng lồ…
Không có công trình khoa học nào của Richard Wiseman là vô nghĩa, vì chúng được xây dựng dựa trên những nghiên cứu đã được tiến hành bởi những học giả dám khám phá những phần sâu thẳm trong hành vi của con người. Các công trình đó đã góp phần vén màn bí mật tâm lý đóng vai trò nền tảng trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Tác giả hy vọng cuốn sách này sẽ giúp khoa học nghiên cứu về những điều dị thường chuyển từ mảng nghiên cứu không chính thống sang chính thống, và rằng sự nghiên cứu điều dị thường sẽ trở nên bất ngờ và phổ biến. Ông hy vọng các học giả đồng nghiệp của mình sẽ được khuyến khích để thực hiện thêm nhiều công trình vừa thú vị vừa khác thường nữa, như: mối quan hệ giữa tính cách con người và nhạc chuông điện thoại di động họ sử dụng, tại sao một số người lại dễ thương hơn những người khác, tại sao chúng ta lại mơ mộng, lại khóc khi hạnh phúc…
Sau đây là phần tóm tắt nội dung cuốn Tâm lý học hài hước của tác giả Richard Wiseman:
Chương 1: Ngành khoa học mới của Tâm lý học thời gian
Giáo sư Hans Eysenck nổi tiếng nhờ công trình phân tích nhân cách con người. Để tìm hiểu về mối tương quan giữa tính cách con người và cung hoàng đạo, Hans Eysenck đã thực hiện nhiều nghiên cứu trên hàng ngàn người và dẫn đến kết luận: vị trí của các chòm sao ở thời điểm một người sinh ra không có ảnh hưởng thần bí nào lên tính cách của người đó. Thay vào đó, những người biết rõ về những đặc điểm tính cách liên quan đến cung hoàng đạo của họ đã phát triển thành những người có tính cách như những nhà chiêm tinh đã dự đoán. Đây được cho là bằng chứng cho thấy mọi người sẽ trở thành người mà họ “phải trở thành”.
Các công trình nghiên cứu khác cũng cho thấy những lời chiêm tinh thường quá xa rời thực tế. Như vậy, họ để lại một bí ẩn lớn hơn: Tại sao lại có quá nhiều người tin vào chiêm tinh học?
Một thí nghiệm nổi tiếng về kiểm tra tính cách của GS. Bertram Forer cũng cho thấy, chiêm tinh học và thuật xem tướng chữ không thực sự cần phải chính xác để được coi là chính xác. Thay vào đó, tất cả những gì bạn cần làm là nói cho mọi người một câu rất chung chung về tính cách của họ, và bộ não sẽ đánh lừa họ tin rằng lời tiên đoán đó sâu sắc. Đây là “một minh họa cụ thể chứng minh xu hướng bị ấn tượng mạnh bởi những tuyên bố mơ hồ”.
Đa phần mọi người đều rất muốn tin vào bất cứ điều gì khiến họ có suy nghĩ tích cực, vì thế họ dễ chấp nhận những lời tiên đoán rằng họ có khả năng tiềm ẩn rất lớn hoặc là những người có tư duy độc lập. Hiệu ứng này giải thích tại sao một nửa dân số tin vào thuật chiêm tinh.
Công trình nghiên cứu của Forer và những người tiếp bước chứng minh làm cách nào thuật chiêm tinh đã lừa bịp được hàng triệu người trong hàng ngàn năm qua. Các nhà chiêm tinh học có thể tạo ra bất kỳ chuyện cổ vớ vẩn nào, miễn là nó đủ mơ hồ và hão huyền, thì đa phần mọi người sẽ cho rằng nó “rất chính xác”.
Băn khoăn liệu vận may và vận rủi có là ngẫu nhiên, hay liệu tâm lý học có thể giải thích được những cuộc đời hoàn toàn khác biệt này không, tôi thiết kế một loạt nghiên cứu để điều tra. Kết quả tiết lộ, những người tham gia nghiên cứu tạo ra nhiều vận may và vận rủi của họ theo cách họ suy nghĩ và cư xử. Những người may mắn thường lạc quan, mạnh mẽ và đón nhận những cơ hội và trải nghiệm mới. Trái lại, những người kém may mắn lại khép kín, lúng túng, lo lắng về cuộc sống hơn và không sẵn sàng đón nhận cơ hội.
Chương 2: Tâm lý học lừa dối và mánh khóe
Tôi từng tiến hành một cuộc khảo sát trên cả nước về sự lừa dối. Kết quả cho thấy, hầu hết mọi người nói khoảng 2 lời nói dối mỗi ngày, một phần ba số cuộc trò chuyện liên quan đến một số hình thức lừa dối, 4 trong 5 lời nói dối không bị phát hiện, trên 80% số người nói dối để đảm bảo công việc và hơn 60% lừa dối bạn đời ít nhất 1 lần.
Không quan trọng là nam hay nữ, già hay trẻ, rất ít người có khả năng phát hiện sự lừa dối. Hầu hết người có mối quan hệ bền lâu đều sợ phải nói ra khi biết bạn đời đang nói dối. Một số nhà nghiên cứu tin rằng những cặp đôi có mối quan hệ lâu bền vẫn bên nhau vì họ không thể phát hiện người kia nói dối.
Hầu hết mọi người nghĩ rằng những người nói dối có xu hướng nhìn đi chỗ khác, vung tay lo lắng, bồn chồn. Tuy nhiên, những người nói dối cũng có khả năng nhìn vào mắt bạn như những người nói thật, họ không vung tay lo lắng, họ cũng không bồn chồn (nếu có, họ bình tĩnh hơn những người nói thật). Mọi người không phát hiện được lời nói dối vì họ đang dựa vào ý kiến cá nhân về những hành vi không thực sự liên quan đến sự lừa dối.
Vậy những dấu hiệu thựa sự của một người nói dối là gì? Dường như câu trả lời nằm trong ngôn từ chúng ta sử dụng và cách chúng ta nói. Khi nói dối, bạn càng đưa ra nhiều thông tin, thì khả năng những thông tin đó quay lại ám ảnh bạn càng nhiều. Kết quả là những người nói dối có xu hướng nói ít hơn và cung cấp ít chi tiết hơn những người nói thật. Họ thường cố gắng tách tâm lý bản thân khỏi những lời nói dối, và vì thế có xu hướng đưa ra rất ít thông tin tham khảo hơn về bản thân và cảm xúc của họ trong câu chuyện.
Khi nói đến những thông tin không quan trọng, người nói dối dường như phát huy trí nhớ siêu hạng và thường nhớ lại những chi tiết nhỏ nhất. Trái lại, những người nói thật biết rằng họ đã quên những chi tiết nhất định, và sẵn sàng thừa nhận điều đó.
Khả năng phát hiện nói dối của mọi người được tăng lên bằng cách khuyến khích họ lắng nghe nhiều hơn là quan sát. Khi bạn biết những dấu hiệu lộ rõ liên quan đến ngôn ngữ của sự lừa dối, thì việc phát hiện nói dối trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Những dấu hiệu đáng tin cậy nhất của nói dối nằm trong giọng nói của mọt người, và sự lựa chọn ngôn ngữ một cách vô thức của họ: thiếu những chi tiết chính trong mô tả của họ, sự ngắt quãng và ngập ngừng tăng lên, cách người nói dối tách bản thân khỏi sự lừa dối bằng cách tránh liên hệ tới bản thân…
Hãy học cách lắng nghe những dấu hiệu bị che lấp và tấm màn mỏng manh của sự dối trá sẽ được vén lên. Đột nhiên bạn thấy được những gì mọi người thực sự suy nghĩ và cảm nhận, và thế giới trở thành một nơi rất khác.
Tuy nhiên, vẫn có cách phát hiện sự lừa dối thông qua quan sát hơn là lắng nghe. Hãy chú ý đến một trong những kiểu hành vi không lời phổ biến và thường xuyên bị làm giả nhất: nụ cười.
Rất ít người có cái nhìn sâu sắc vào tâm lý phức tạp tiềm ẩn dưới hành vi tưởng chừng như đơn giản này. Bạn cười vì bạn đang vui, hay để người khác biết rằng bạn vui? Giống như tất cả những tín hiệu xã hội khác, mỉm cười tạo cơ hội cho sự giả dối. Mọi người thường mỉm cười để tạo ấn tượng rằng họ đang hạnh phúc khi trong sâu thẳm, họ cảm thấy ít vui vẻ hơn. Nhà khoa học người Pháp Guillaume Duchenne de Boulogne cho rằng “Nụ cười cần đến đôi môi khi tâm hồn chúng ta đang buồn phiền”.
Nhiều nghiên cứu còn cho thấy, những ký ức của chúng ta “dễ uốn nắn” hơn chúng ta nghĩ nhiều. Khi một tài liệu đáng tin cậy cho thấy chúng ta từng trải qua một sự kiện thì hầu hết chúng ta thấy khó thể phủ nhận và bắt đầu lấp đầy những khoảng trống trong trí tưởng tượng. Sau một khoảng thời gian, gần như không thể phân biệt được giữa thực tế và tưởng tượng, chúng ta bắt đầu tin vào lời nói dối. Hiệu ứng này mạnh đến mức đôi khi nó còn không đòi hỏi những phát ngôn có căn cứ để đánh lừa chúng ta nữa. Đôi khi chúng ta hoàn toàn có thể tự đánh lừa bản thân.
Những kỹ thuật “nhầm lẫn” tương tự cũng thường xuyên được những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp sử dụng để thuyết phục mọi người rằng họ đã trải qua những điều không có thật.
Ảo thuật gia là những “tên bịp bợm” trung thực nhất. Họ hoàn toàn không che giấu về thực tế mà họ đang đánh lừa mọi người. Dù vậy, họ vẫn phải thuyết phục khán giả rằng vật thể có thể biến mất vào không khí, những người phụ nữ có thể bị xẻ làm đôi… Ảo thuật không liên quan nhiều đến những chuyển động nhanh. Thay vao đó, các ảo thuật gia sử dụng một loạt vũ khí tâm lý để đánh lừa khán giả. Họ có khả năng kiểm soát nhận thức của mọi người trong màn trình diễn.
Chương 3: Tâm lý học khám phá về “trạng thái lấp lửng”
Tư tưởng mê tín và tin vào điều thần diệu len lỏi trong cuộc sống của chúng ta. Có lẽ không mấy ngạc nhiên khi chủ đề này thu hút nhiều nghiên cứu đặc biệt và kỳ lạ hơn cả. Kết quả của những nghiên cứu này tiết lộ tại sao nhiều người tin vào những điều bất khả thi, tại sao những sự trùng hợp kỳ lạ có khả năng gây ngạc nhiên, và tại sao trải nghiệm về những điều ma quái của mọi người lại xảy ra ở những tòa nhà bị cho là ma ám.
Giáo sư Thomas Scanlon (thuộc ĐH Harvard) và các đồng nghiệp đã xem xét lưu lượng xe tham gia giao thông, trung tâm mua sắm và phòng cấp cứu của bệnh viện vào thứ Sáu ngày 13. Trong hơn 2 năm, họ khám phá ra lưu lượng giao thông ít hơn đáng kể ở những phân đoạn đường nhất định vào thứ Sáu ngày 13 so với thứ Sáu ngày 6, cho thấy những lái xe lo sợ có thể đã ở nhà.
Trong một nghiên cứu quy mô khá lớn đồng thời cũng gây nhiều tranh cãi, nhà nghiên cứu người Phần Lan Simo Nayha đã nghiên cứu những hồ sơ tương tự vào giữa năm 1971 và 1997 trên khắp Phần Lan. Trong thời gian này, có 324 ngày là thứ Sáu ngày 13 và 1.339 ngày thứ Sáu “có kiểm soát”. Kết quả, trong số những ca tử vong ở nam giới, chỉ có 5% được quy cho là do ngày không may mắn, trong khi với phụ nữ là một con số đáng kinh ngạc với 38%.
Cả hai nhóm nghiên cứu đều cho rằng sự gia tăng tỷ lệ tai nạn là do các lái xe cảm thấy quá lo lắng về điều rủi ro nhất của những ngày không may mắn. Thông điệp đã rõ ràng: sự mê tín giết chết con người.
Sự mê tín vô hại còn có thể ảnh hưởng đến giá nhà, số người bị thương và tử vong trong tai nạn giao thông, tỷ lệ nạo phá thai, số liệu thống kê tỷ lệ tử vong hằng hàng, và thậm chí có thể khiến các bệnh viện lãng phí đáng kể kinh phí cho việc chăm sóc bệnh nhân.
Những nghiên cứu từ New Guinea, Đức và Israel đều cho thấy, nhiều người trở nên mê tín để giúp bản thân đối phó với sự bất trắc.
Nhiều kết quả nghiên cứu cung cấp bằng chứng đáng kể cho quan điểm rằng người may mắn đang sống trong một thế giới nhỏ hơn nhiều so với người không may mắn và vì vậy, giúp họ tối đa hóa tiềm năng cho những cuộc gặp gỡ ở thế giới nhỏ bé “may mắn” trong cuộc sống.
Chương 4: Thay đổi quyết định: Khoa học mới về việc ra quyết định
Nhiều nghiên cứu đã xem xét cách mọi người ra các quyết định khác nhau như thế nào, bao gồm người họ sẽ kết hôn, sự nghiệp họ muốn theo đuổi, kiểu nhà họ muốn ở, loại ô tô họ muốn có và liệu họ có nên từ bỏ tất cả và chuyển về đồng quê sinh sống hay không.
Nhiều nghiên cứu cho rằng nhiều khía cạnh trong hành vi hằng ngày bị ảnh hưởng bởi những nhân tố ngoài tầm hiểu biết của chúng ta. Chẳng hạn như cái tên cũng có thể ảnh hưởng đáng kể lên cách chúng ta suy nghĩ và cư xử.
Nhà tâm lý học Richard Zweigenhaft (ĐH Guilford, Bắc Carolina) lập luận rằng có một số lợi ích tiềm năng liên quan đến một cái tên khác thường. Ông lưu ý rằng một trong những lời phàn nàn thường xuyên nhất của những người có cái tên phổ biến là có quá nhiều người trùng tên. Trong khi đó, những cái tên không phổ biến dễ nhớ hơn, và một số vận động viên thể thao được yêu thích có thể một phần là do sự khác lạ từ cái tên của họ.
Nghiên cứu đáng chú ý của Giáo sư Brett Pelham và đồng nghiệp tại ĐH Bang New York, Buffalo cho rằng tên của chúng ta có thể ảnh hưởng đến thị trấn mà chúng ta chọn để sinh sống, con đường sự nghiệp chúng ta theo đuổi, người mà chúng ta kết hôn, và thậm chí cả đảng phái chính trị mà chúng ta ủng hộ.
Nhiều người có tên Helen sống ở St Helen, nhiều người tên Charleses sống ở St Charles, nhiều người tên Thomases sống ở St Thomas… Phân tích sâu hơn cho thấy những ảnh hưởng này không phải do mọi người đặt tên con theo nơi sinh, mà là mọi người có xu thế hướng đến những thành phố và thị trấn có tên của họ.
Giáo sư Pelham và đồng nghiệp xem xét hơn 15.000 hồ sơ hôn nhân trong các năm từ 1823 – 1965 và thấy rằng, những người có tên Smith có xu hướng kết hôn với một người khác có họ Smith hơn là một người có họ Jones hoặc Williams, những người có họ Jones có xu hướng kết hôn với người có họ Jones hơn là Brown hoặc Johnson…
Làm thế nào họ của chúng ta có thể ảnh hưởng đến việc lựa chọn nghề nghiệp? Những hồ sơ trực tuyến của Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (American Dental Association) và Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ (American Bar Association) cho thấy: nhiều nha sĩ có tên bắt đầu với 3 chữ cái “Den” nhiều hơn 3 chữ cái “Law”. Tương tự, những luật sư có tên bắt đầu với 3 chữ cái “Law” nhiều hơn hẳn những người có tên “Den”.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2000, những người có họ bắt đầu với chữ “B” đặc biệt có xu hướng ủng hộ chiến dịch của Bush, trong khi những người có họ bắt đầu với chữ “G” có nhiều khả năng ủng hộ cho chiến dịch của Gore hơn.
Một số nhân tố khác ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của chúng ta một cách tinh tế hơn: một câu nói, một bản nhạc ngắn hoặc tiêu đề một bài báo. Quả thật, không cần phải làm gì nhiều để thay đổi cách nghĩ, cảm nhận và hành vi của một người.
Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy: cách mà chúng ta nghĩ và cảm nhận thường bị ảnh hưởng bởi các nhân tố ngoài tầm hiểu biết của mình. Tên của chúng ta ảnh hưởng đến lòng tự tôn và sự lựa chọn nghề nghiệp. Chỉ đọc một câu cũng có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta cảm thấy già đến mức nào và cách chúng ta nhớ lại những kiến thức chung. Một nụ cười đơn giản hoặc một cái chạm tinh tế có thể ảnh hưởng đến số tiền chúng ta boa ở nhà hàng hoặc quầy bar. Âm nhạc được bật trong những cửa hàng cũng ngầm tác động lên tâm trí vô thức của chúng ta, và ảnh hưởng đến số tiền chúng ta tiêu.
Chương 5: Những khám phá về tâm lý học hài hước
Mọi người cười khi họ cảm thấy tình trạng của họ tốt hơn những người khác. Giả thuyết này đã có vào khoảng năm 400 TCN và được học giả Hy Lạp Plato mô tả trong văn bản nổi tiếng của ông “The Republic”. Thuyết “tốt hơn” này tin rằng nguồn gốc của tiếng cười nằm trong việc “nhe răng” giống như “tiếng gầm rú chiến thắng trong một cuộc đấu ở khu rừng nhiệt đới cổ xưa”. Do những liên tưởng đến thú tính và nguyên thủy này, Plato không phải là người hâm mộ tiếng cười. Ông nghĩ, thật sai trái khi cười vào những nỗi bất hạnh của người khác, và rằng tiếng cười nồng nhiệt kéo theo một sự mất kiểm soát, dẫn đến giảm đi tính người.
Một câu chuyện cười càng làm cho một người có cảm nhận rõ ràng thì họ cười càng nhiều. Hầu hết mọi người không thấy một người tàn tật bị trượt trên một vỏ chuối buồn cười, nhưng thay thế người tàn tật bằng một người điều khiển giao thông và đột nhiên mọi người đều vỗ đùi khoái chí. Ý tưởng đơn giản này giải thích tại sao rất nhiều câu chuyện cười nhằm vào những người cầm quyền, chẳng hạn như các chính trị gia, các thẩm phán và luật sư.
Trong khi đó, những người ở những vị trí quyền lực thường không nhìn thấy khía cạnh hài hước của những câu chuyện đó và đối xử với chúng như một mối đe dọa với quyền lực của họ. Adolf Hitler rất quan tâm đến việc sử dụng tiềm năng của sự hài hước, đến mức thiết lập một “Tòa án xét xử câu chuyện cười của Đế chế thứ Ba”, đặc biệt trừng phạt hành vi hài hước không phù hợp, gồm cả việc đặt tên con chó là Adolf.
Câu chuyện cười tạo ra một hiệu ứng ấn tượng đáng ngạc nhiên về cách mọi người nhìn nhận bản thân. Chúng có sức ảnh hưởng đến sự tự tin và hành vi của con người, và như vậy, thực sự tạo ra một thế giới trong đó những khuôn mẫu được mô tả trong những câu chuyện trở thành hiện thực.
Theo nhà tâm lý học nổi tiếng Sigmund Freud, chúng ta có những suy nghĩ về tình dục và gây hấn, nhưng xã hội không cho phép chúng ta công khai bày tỏ chúng. Kết quả là những ý nghĩ đó bị dồn nén sâu trong tiềm thức và chỉ xuất hiện khi ta lỡ lời, trong giấc mơ và trong một số hình thức phân tâm học.
Theo ông, những câu chuyện cười hoạt động như một loại van giải phóng tâm lý, là một cách đối phó với những điều khiến chúng ta lo lắng. Hành động đơn giản của việc kể một câu chuyện cười hoặc cười trước câu chuyện cười của người khác tiết lộ rất nhiều về sự vô thức. Ông từng nói đùa: “Một điếu xì gà đôi khi chỉ là một điếu xì gà, nhưng một câu chuyện cười thì không bao giờ chỉ là một câu chuyện cười”.
Chúng ta cười trước những điều làm chúng ta ngạc nhiên vì chúng có vẻ không theo trình tự nào cả. Nhiều câu chuyện cười buồn cười bởi chúng trái ngược với kỳ vọng của chúng ta. Trong nhiều câu chuyện cười, có một sự mâu thuẫn giữa phần mở đầu và phần kết (chúng ta giải quyết mâu thuẫn do phần kết câu chuyện đưa ra, và cảm giác bất ngờ khiến chúng ta cười).
Khi mọi người nhìn thấy hoặc nghe thấy tiếng cười, họ có nhiều khả năng “sao chép” hành vi này, bắt đầu cười một mình, và do đó thực sự thấy tình huống buồn cười. Đây là lý do tại sao nhiều chương trình hài kịch có lồng tiếng cười, và là nguyên nhân khiến các nhà sản xuất hài kịch thế kỷ XIX thuê một khán giả “chuyên nghiệp”, gọi là “người cười thuê”.
Nghiên cứu gần đây đã chứng minh mối liên hệ giữa tiếng cười với việc đối phó với sự căng thẳng, sức khỏe tâm lý và thể chất. Theo đó, những người sử dụng sự hài hước để đối phó với căng thẳng sẽ có hệ thống miễn dịch đặc biệt khỏe, giảm nguy cơ bị đau tim và đột quỵ tới 40%, trải qua ít đau đớn hơn trong quá trình phẫu thuật nha khoa và sống lâu hơn khoảng 4 năm rưỡi.
Nếu nghiên cứu của chúng tôi về sự hài hước nói với chúng ta bất kỳ điều gì, thì đó là: mọi người nhìn thấy sự hài hước ở những thứ khác nhau. Phụ nữ cười trước những câu chuyện trong đó người đàn ông trông ngu ngốc. Người già cười trước câu chuyện liên quan đến sự mất trí nhớ và nghễnh ngãng. Những người quyền lực thường ít cười trước những câu chuyện về quyền lực.
Không có câu chuyện cười nào khiến mọi người cùng cười rộ lên. Đơn giản vì não của chúng ta không làm việc giống hệt nhau.
Chương 6: Tâm lý học về sự giúp đỡ và gây trở ngại
Nhà tâm lý học Richard LaPiere bị ấn tượng bởi sự khác biệt giữa cách mọi người nói rằng họ sẽ cư xử và hành động thực sự của họ. Trong nghiên cứu của LaPiere, mọi người nói rằng họ sẽ hành xử theo cách phù hợp với các chuẩn mực trong xã hội, nhưng trên thực tế, họ lại cư xử khác.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy việc hiểu biết bản chất con người rất thú vị nhưng rất đáng thất vọng. Hành vi phi đạo đức vẫn tồn tại. Mặc dù đại đa số mọi người xưng là công dân trung thực nhưng hầu hết chúng ta không trung thực nếu hoàn cảnh đó liên quan đến quyền lợi của mình.
Tuy nhiên, khi nói đến ích kỷ hay vị tha, những thay đổi nhỏ và tinh tế cũng tạo sự khác biệt lớn. Trong một thí nghiệm xem xét mức độ trung thực của mọi người khi nhận được số tiền thừa nhiều hơn thực tế sau khi mua hàng, trong khi tất cả mọi người đều nhận tiền và không nói gì khi mua tại các cửa hàng lớn, một nửa người lập tức trả lại tiền thừa khi mua tại các cửa hàng nhỏ. Họ cho rằng, thật không phải khi lấy tiền từ những người giống như mình. Ý kiến này cung cấp bằng chứng cho một trong những giả định quan trọng có ảnh hưởng khi chúng ta cho và nhận, đó là tâm lý học của sự tương đồng.
Các cuộc nghiên cứu cho thấy, quan niệm này rất đơn giản nhưng có tác động mạnh: chúng ta giúp những người giống chúng ta. Mọi người vị tha nhất khi những người cần giúp đỡ phù hợp với độ tuổi, hoàn cảnh và phong cách thời trang của mình. Tất cả đều có ý nghĩa từ quan điểm tiến hóa.
Những người trông giống và hành xử giống chúng ta có nhiều khả năng có liên quan về mặt di truyền với chúng ta hơn những người khác, hoặc ít nhất là từ cùng cộng đồng, và vì thế được xem là xứng đáng với thiện ý của chúng ta hơn. Hoặc niềm tin đơn giản có cùng ngày sinh nhật là đủ để thuyết phục mọi người dành một phần đáng kể thời gian quý báu cho một người hoàn toàn xa lạ.
Nhiều thí nghiệm còn cho thấy rất nhiều về bản chất con người, bao gồm cả sự khác biệt lớn giữa lời nói và hành động, và làm thế nào cuộc sống ngày một hối hả lại góp phần tạo ra một nền văn hóa vô cảm.
Người dân ở các thành phố đông dân có vẻ phải trải nghiệm quá nhiều “cảm giác quá tải”. Họ liên tục bị “dội bom” thông tin từ những người khác, từ thiết bị di động, phương tiện giao thông và quảng cáo. Kết quả là họ hành động cũng giống như điều mà tất cả các hệ thống máy móc cũ thực hiện khi nhận được quá nhiều thông tin: họ lựa chọn ưu tiên và dành ít thời gian xử lý các nguồn cố gắng thu hút sự chú ý của họ. Điều này khiến mọi người đi qua những người cần sự giúp đỡ và chuyển trách nhiệm giúp đỡ lên những người khác. Điều này tạo ra một nghịch lý: càng nhiều người ở trong một khoảng không gian thì họ lại càng có cảm giác cô đơn.
Đồng thời, các thành phố có nhịp độ cuộc sống chậm hơn mọi người sẽ hay giúp đỡ nhau hơn. Mọi người càng vội vàng, thời gian họ dành cho những nhân tố không quan trọng càng ít.
Theo DNSG