Trả lời câu hỏi phỏng vấn “Bạn muốn được thích hay được sợ” như thế nào?

Vì sao lại gọi là câu hỏi mánh khóe? Đó là vì với những câu hỏi này, chẳng có đáp án nào là đúng cả.


Ảnh minh họa

Chắc hẳn bạn đã từng bị hỏi qua hàng chục câu hỏi phỏng vấn, có câu hỏi rập khuôn mà ai cũng hỏi, có câu khó, có câu lạ, có câu khiến bạn phải dừng lại suy nghĩ mới trả lời được nhưng “nguy hiểm” nhất là những câu hỏi mánh khóe. 

James Reed, CEO của Reed, website việc làm hàng đầu của Anh và Châu Âu và là tác giả của cuốn sách “Why You? : 101 Interview Questions You’ll Never Fear Again”, tạm dịch là “Tại sao phải chọn bạn: 101 câu hỏi phỏng vấn bạn sẽ không còn sợ hãi vì chúng nữa” đưa ra một ví dụ của loại câu hỏi phỏng vấn mánh khóe. Đó là câu hỏi dành cho một ứng viên ứng tuyển vào vị trí quản lý: “Bạn muốn được thích hay được sợ?”. James cho rằng với câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn biết phong cách lãnh đạo của ứng viên và cách họ xoay sở với những câu hỏi hay tình huống oái oăm như thế này.

Và câu trả lời bạn nên có trong tình huống này chính là: “Tôi muốn được tôn trọng”. James giải thích rằng đây là cách giúp bạn thoát khỏi thế bí và bị bắt bẻ từ nhà tuyển dụng, nghĩa là đưa ra một lựa chọn khác của bản thân miễn là câu trả lời vẫn đúng với trọng tâm câu hỏi của họ. 

Và đây là toàn bộ câu trả lời mà Reed gợi ý cho bạn: 

“Thực sự thì tôi không muốn người ta sợ mình. Sợ là một cảm giác cực kỳ tồi tệ, người ta thường sợ hãi khi người ta bị đối xử và trừng phạt vô lý, hoặc người kia quá uy quyền và “lạnh” khiến người khác không biết mình đang muốn gì. Chắc chắn tôi sẽ không cư xử như thế với người khác và càng không muốn ai nghĩ rằng tôi thật đáng sợ.” 

“Mọi người ai cũng muốn được yêu thích, nhưng luôn được yêu thích chưa hẳn đã là tốt. Thỉnh thoảng bạn vẫn phải làm những gì người khác không thích để công việc hoàn thành tốt. Tôi thích được người khác tôn trọng, đó là sự kết hợp giữa việc được thích (được mọi người yêu mến) và được sợ (khả năng khiến người khác phải hoàn thành mọi việc được giao phó và giữ đúng cam kết), và làm cho đồng nghiệp hiểu rằng tôi làm như vậy để mang lại lợi ích tốt nhất cho cả team.” 

Loại câu hỏi mánh khóe này còn giúp nhà tuyển dụng đánh giá được tính cách và tính chính trực của ứng viên, vì thế họ thường hỏi những câu hỏi kiểu này cho những tình huống liên quan tới đạo đức và nghĩa vụ. Reed giải thích: “Cách hay nhất để trả lời những câu hỏi kiểu này là hãy thể hiện rằng bạn biết rõ những gì bạn đang làm và cho ra những quyết định phù hợp với giá trị mà bạn sẽ mang đến cho công việc mới.”

Theo Hrinsider