Các công ty lớn muốn tuyển người thất bại, bằng cấp không còn là yếu tố quan trọng?

Học trường danh tiếng, đạt điểm số cao, gặt hái nhiều thành công trong quá khứ,… liệu có còn là những yếu tố quan trọng nhất trong tuyển dụng hiện nay?


Ảnh minh họa
Khi Jeff Bezos, nhà sáng lập và cũng là CEO của Amazon, thành lập dịch vụ giao hàng AmazonFresh, ông đã chọn một đội ngũ kỳ lạ lãnh đạo nó. Thay vì tuyển vệ những quản lý siêu thị và chuỗi cung ứng thành công, ông lại tìm kiếm những người từng thất bại ở những mảng kinh doanh ông đang muốn đi vào.

Trước đây, Bezos cũng chưa từng nghĩ theo hướng này. Vào những ngày đầu của Amazon, Bezos chỉ muốn thuê những người “từng thành công trong mọi thứ họ làm”.

Thế nhưng trong quá trình điều hành công ty, chiến lược của ông đã thay đổi. Bezos thích chọn những người từng gặp thất bại. Lời giải thích cho điều này có thể không dễ chấp nhận ngay lập tức nhưng chắc chắn sẽ khiến bạn thay đổi cách nghĩ về cách thức tuyển dụng nhân viên của nhiều doanh nghiệp hiện nay.

Không chỉ thất bại mà còn thất bại lớn và đau đớn

Webvan vốn là hãng dịch vụ vận tải nổi tiếng thời bùng kỳ bùng nổ Internet nhưng đã nhanh chóng sụp đổ sau đợt nổ bong bóng dot-comm năm 2001. Họ không chỉ thất bại mà đã thất bại một cách hết sức đau đớn. Chiến lược giao hàng tại từng khu vực của họ đã hoàn toàn sai lầm.

Webvan từng gọi được tới 375 triệu USD vốn mạo hiểm, bành trướng ra 26 thành phố và ký được cả hợp đồng 1 tỷ USD xây dựng kho chứa công nghệ cao – tất cả đều được thực hiện trước khi công ty tìm ra được một mô hình kinh doanh hiệu quả. Ngày nay, những công ty như FreshDirect, Uber và Postmates đều đã gặt hái được ít nhiều thành công với những mô hình hoàn toàn trái ngược (không cung cấp kho bãi hay phương tiện vận chuyển mà chỉ đóng vai trò là nền tảng trung gian kết nối các bên). Họ cũng bành trướng từng thành phố một rồi từ từ nhân rộng dịch vụ của mình.

Tuy nhiên, Jeff Bezos lại quyết định thuê các cựu quản lý của Webvan về điều hành dịch vụ AmazonFresh. Ông không chỉ thuê những người từng thất bại mà còn thuê những người từng thất bại lớn và đau thương. Bởi đã trải qua thất bại lớn nên những người này hiểu rõ cái gì mới là đúng; những cái sai cũng in hằn rất sâu trong tâm trí của họ.

Sau thất bại ở Webvan, những cựu quản lý này từ từ cho ra mắt AmazonFresh tại Seattle trước khi bành trướng rộng khắp. Họ cũng tận dụng những kho chứa hiện có của Amazon chứ không phung phí ngân sách đi xây mới hoàn toàn nữa.

Dịch vụ giao hàng trong ngày AmazonFresh

Trên thực tế, gã khổng lồ e-commerce hiện nay vẫn đang sử dụng công nghệ của Kiva, một startup Amazon thâu tóm năm 2012. Kiva cũng được thành lập bởi một cựu lãnh đạo Webvan.

Sau quá trình gây dựng một công ty khổng lồ như hiện nay, Jeff Bezos nhận ra rằng “thất bại là một phần không thể thiếu trong mỗi phát minh”. Mỗi khi bạn mong muốn tìm kiếm những đột phá sáng tạo, thất bại không phải chỉ là một lựa chọn. Nó đích thực là một phần không thể thiếu trong quy trình.”

Những người thường hay thành công trong những gì họ làm thường muốn làm những gì an toàn chứ không muốn mạo hiểm sáng tạo những thứ mới. Vì vậy mà những người từng thất bại khi làm gì đó liều lĩnh chính là những người có khả năng thành công lớn hơn trong tương lai.

Google cũng sử dụng những chiến lược tuyển dụng tương tự như vậy. Công ty không còn chỉ nhìn vào mức độ danh giá của ngôi trường ứng viên theo học hay những công ty trước đó họ từng làm. Nếu như trước đây, Google từng là nơi những người không tốt nghiệp từ các trường danh tiếng như Stanford hay MIT với điểm số cao khó có thể bước chân vào thì nay, sau khi phân tích rất nhiều dữ liệu về những yếu tố chủ chốt khiến một nhân viên thành công, công ty phát hiện ra rằng những nhân viên thành công nhất trong công việc là những người có sự tự chủ cao cùng đam mê mãnh liệt với những thứ họ theo đuổi. Những thành tích như điểm số cao ở đại học hay các kỳ thi chuẩn hóa không có nhiều mối liên quan ở đây. Chính vì vậy, Google không còn coi chuyện điểm số là yếu tố quan trong trong tuyển dụng nữa.

Nhiều công ty lớn hiện nay cũng không còn nhìn vào danh tiếng trường học hay các giải thưởng của ứng viên mà lại chọn những người từng “ngã ngựa” trong các nỗ lực trong quá khứ. Đây chính là những người luôn chủ động thử sức, thất bại, học hỏi rồi tiếp tục thử sức trong những hoạt động mới cho đến khi họ không còn sai và đạt được những thành tựu ấn tượng.

Theo Trí Thức Trẻ/GenK