Doanh thu trung bình trên mỗi lao động ngành du lịch Việt Nam chỉ đạt 4,5 nghìn USD trong năm 2015, hơn được Campuchia và Myanmar, xếp sau Lào.
Năm 2015, căn cứ trên Kế hoạch chiến lược du lịch ASEAN giai đoạn 2011-2015, ngành du lịch ASEAN tiếp tục xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 2016-2025. Theo đó mục tiêu du lịch trong khu vực trong thập kỷ tới hướng tới tầm nhìn: “Đến năm 2025, ASEAN sẽ là một điểm đến du lịch chất lượng, độc đáo, trải nghiệm đa dạng và sẽ cam kết có trách nhiệm, bền vững, phát triển du lịch cân bằng, đóng góp đáng kể vào sự thịnh vượng kinh tế xã hội của người dân ASEAN”.
Các nước thuộc ASEAN cũng như Việt Nam hiện đang rốt ráo trong cuộc đua phát triển du lịch. Có thể thấy một loạt những động thái của Chính phủ trong những năm gần đây như: Tăng cường quảng bá trên các kênh truyền thông quốc tế, đẩy mạnh marketing tại các thị trường mục tiêu, mở rộng các sản phẩm du lịch, miễn thị thực cho một số thị trường mục tiêu,… Kết quả của những nỗ lực này là việc đóng góp trực tiếp 12,7 tỷ USD vào GDP năm 2015, chỉ sau Thái Lan (36,4 tỷ USD) và Indonesia (28,2 tỷ USD). Xét về số tương đối đạt mức 6,6% GDP.
Tuy nhiên liệu ngành du lịch Việt Nam đã hoạt động hiệu quả so với bạn bè xung quanh? Đáng tiếc là không. Theo số liệu của Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (The World Travel & Tourism Council), cứ 1 lao động ngành du lịch Việt Nam đem về nguồn thu trung bình khoảng 4.564 USD. Con số này chỉ cao hơn 2 nước Campuchia, Myanmar.
Rõ ràng bài toán đặt cho ngành du lịch Việt Nam là làm sao để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, không chỉ tập trung vào cảnh quan thiên nhiên mà còn hướng tới văn hóa, giải trí, từ đó mới có thể tăng nguồn thu hơn nữa.
Theo Trí Thức Trẻ