Một số ngân hàng gần đây đã công bố giảm lãi suất cho vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cuối năm. Đây được xem là động thái phù hợp trong bối cảnh hiện nay, nhất là thời gian qua một số ngân hàng lớn đã giảm mạnh lãi suất huy động và tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm nay còn chậm so với kế hoạch đặt ra.
Sau khi 4 ngân hàng thương mại quốc doanh đồng loạt công bố giảm lãi suất huy động vào ngày 26/9, một số ngân hàng thương mại cổ phần như Bưu điện Liên Việt, DongA Bank, VIB, HDBank, TienPhong Bank cũng giảm theo, và nhiều người đang kỳ vọng vào một đợt giảm lãi suất cho vay tiếp theo. Nhưng một báo cáo khảo sát gần đây của Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC) lại cho thấy, trong khi lãi suất huy động VND giảm 0,06%, còn 6,05% trong tháng 9 thì lãi suất cho vay bình quân tăng nhẹ thêm 0,02%.
Điều này gây ra sự khó hiểu cho thị trường và nhiều ý kiến cho rằng ngân hàng chẳng những không giảm lãi suất cho vay mà còn có xu hướng tăng lên mặc dù chi phí vốn đầu vào đã giảm.
Tuy nhiên, thực tế không phải vậy, do lãi suất huy động của các ngân hàng giảm vào cuối tháng 9 và một số giảm vào đầu tháng 10 nên chưa thể giảm chi phí vốn ngay được, và khảo sát của HSC là thực hiện trong tháng 9, thời điểm các ngân hàng vẫn còn neo lãi suất cho vay ở mức cao và thậm chí có tăng nhẹ khi nhu cầu tín dụng có dấu hiệu tăng lên.
Xu hướng giảm lãi suất cho vay
Bước qua tháng 10, hàng loạt ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay với các gói tín dụng hướng đến những phân khúc khách hàng cụ thể, như Vietcombank giảm lãi suất cho vay ngắn hạn về 6%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và các doanh nghiệp khởi nghiệp từ 15/10. Ngân hàng Bưu điện Liên Việt giảm từ 1 – 1,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn mới dành cho hộ gia đình, hộ kinh doanh tại nông thôn và các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng từ 15/10.
Trước đó, từ 10/10, HDBank đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay tối đa từ 11,5%/ năm xuống 10,5%/năm đối với khách hàng cá nhân vay mới, trong khi khách hàng doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận gói vay ưu đãi với lãi suất ngắn hạn 6,5%/năm và lãi suất cho vay ưu đãi trung dài hạn cố định trong năm đầu tiên chỉ từ 9,69%/năm. Ngoài ra, hàng loạt ngân hàng khác cũng tung ra các gói vay lãi suất ưu đãi để kích thích tăng trưởng tín dụng cho những tháng còn lại của năm nay.
Không phải khách hàng nào cũng có lợi
Việc giảm lãi suất như đã nói chỉ hướng đến những phân khúc khách hàng cụ thể, hoặc chỉ áp dụng cho các khoản vay mới chứ không dành cho tất cả khách hàng. Như vậy, những khách hàng đang vay vốn tại các ngân hàng gần như không được lợi gì khi các ngân hàng giảm lãi suất cho vay.
Nếu như trước đây doanh nghiệp có thể tìm đến những ngân hàng có lãi suất ưu đãi để đề nghị mua nợ tại ngân hàng mình đang vay áp dụng lãi suất cao, thì giờ đây điều này khó có thể thực hiện được do Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng ngừng cho vay mới để trả nợ trước hạn và ngừng cho vay tuần hoàn thông qua Công văn số 6960/NHNN-TTGSNH. Hay nói cách khác, khách hàng sẽ khó có cơ hội tiếp cận những khoản vay ưu đãi lãi suất để trả nợ trước hạn cho những khoản vay đang chịu lãi suất cao.
Ngoài ra, cần lưu ý các gói vay ưu đãi hoặc chương trình giảm lãi suất chỉ được triển khai cho đến hết năm 2016 nhằm kích thích tín dụng cho những tháng cuối năm để giúp các ngân hàng hoàn thành kế hoạch đặt ra, trong khi lãi suất cho vay có thể thực giảm về mức thấp như thế hay không lại là bài toán để ngỏ.
Đó là chưa nói đến một số khoản cho vay áp dụng lãi suất cực thấp trong năm đầu tiên nhằm thu hút khách hàng, nhưng sau đó mức lãi suất cho vay tăng đột biến lên cao khi hết thời gian ưu đãi bằng cách đẩy lãi suất cơ sở lên cao, khiến nhiều khách hàng không lường trước được. Do đó, các khách hàng vay vốn theo các gói lãi suất vay ưu đãi cần làm rõ với ngân hàng về lãi suất cơ sở để áp dụng sau khi hết thời gian ưu đãi.
Cần giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại, ngân hàng thừa vốn, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức cực thấp, chi phí vốn của một số ngân hàng đã giảm xuống sau động thái giảm lãi suất huy động thời gian qua thì thiết nghĩ đã đến lúc các ngân hàng cần giảm lãi suất cho vay thông qua việc ban hành các khung lãi suất cho vay mới áp dụng đến toàn bộ khách hàng đang vay vốn nhằm hỗ trợ khách hàng tiết giảm chi phí tài chính, mạnh dạn mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh và các dự án đầu tư.
Việc ban hành các gói vay ưu đãi hoặc chỉ giảm lãi suất vay áp dụng trong một thời hạn nhất định vào thời điểm cuối năm như đã thực hiện trong nhiều năm qua có thể thu hút khách hàng trong nhất thời, nhưng sau đó lãi suất tăng mạnh khi hết thời gian ưu đãi khiến khách hàng không xoay xở được, dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ.
Điều này về lâu dài sẽ khiến khách hàng đề phòng hoặc e ngại việc vay vốn tại ngân hàng, khi đó có thể ảnh hưởng đến hoạt động tăng trưởng tín dụng của ngân hàng và nguồn vốn bị ứ đọng.
Thực tế thời gian qua cho thấy nhiều doanh nghiệp đã phòng thủ và đưa nguồn vốn đến nơi an toàn là kênh tiền gửi ngân hàng, hạn chế vay vốn khi bài học lãi suất bị đẩy lên cao trong những năm trước đây đã làm các doanh nghiệp lao đao do không tính toán được chi phí tài chính.
Khi hoạt động đầu tư bị thu hẹp thì tăng trưởng nền kinh tế chậm lại là tất yếu, và khi đó cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng đều không được lợi và dòng tiền cứ thế bị mắc kẹt vào những hoạt động vốn sinh lời thấp, hoặc chảy vào những khu vực đầy rủi ro.
Theo DNSG