Từ đệm (Filler words) là gì?
Khi nói tiếng Anh chúng ta thường sử dụng những từ đệm như “um”, “ahh”, “so”, “like” hay “you know”, những từ dùng để lấp khoảng thời gian tạm ngừng trong khi nói hay đang diễn thuyết. Theo thống kê, trong 100 từ người Mỹ sử dụng thì có 2 đến 3 từ đệm.
Trong tiếng Việt cũng vậy, và điều đó hình thành nên thói quen vừa nói vừa ậm ừ ở rất nhiều người, kể cả những người diễn thuyết chuyên nghiệp, hay MC, phát thanh viên, v.v. Việc sử dụng những từ này quá nhiều sẽ làm giảm uy tín của một diễn giả, hoặc đánh mất cơ hội của bạn trong buổi phỏng vấn. Vì thế đã đến lúc cần loại bỏ thói quen này.
Vỗ tay cảnh báo
Trước hết, bạn cần tìm ra tần suất sử dụng các từ đệm bằng phương pháp này.
Hãy yêu cầu một người đứng gần vỗ tay mỗi khi họ nghe thấy bạn dùng một từ đệm. Cách này nghe có vẻ kỳ cục nhưng một khi đã quen, nó sẽ giúp bạn tìm ra mức độ sử dụng các từ đệm của mình trong các cuộc hội thoại hàng ngày.
Tự ghi âm
Nếu thấy ngại khi nhờ một ai đó vỗ tay mỗi khi bạn dùng từ đệm, hãy sử dụng một chiếc camera và ghi lại hình ảnh của chính mình trong khi nói chuyện. Sau đó, xem lại đoạn băng để biết mình nói có mạch lạc hay không.
Cách tránh các từ đệm
Trong nhiều trường hợp, người ta sử dụng các từ đệm để có thêm thời gian suy nghĩ. Với các tình huống đó, thay vì sử dụng các từ đệm, hãy ngừng nói lại một chút.
Theo lời chuyên gia về diễn thuyết Paula Statman: “Điều quan trọng là phải rèn luyện cho chính mình chịu được một khoảng thời gian ngừng nói thật lâu và tự nhủ rằng mình sẽ không để người khác bị xao lãng hoặc tỏ ra thiếu tôn trọng”.
Một điều quan trọng không kém là kiểm soát sự lo lắng khi bắt đầu nói. Nhiều người sử dụng các từ đệm một cách vô thức khi phát biểu giữa đám đông nhằm che đậy sự lo lắng của mình. Khi bạn thuyết trình hoặc diễn thuyết trước nhiều người, hãy cố chuyển sự tập trung của bạn vào những gì mà lời nói của bạn mang lại cho những người xung quanh, chứ không phải những gì mà họ nghĩ về bạn.
Và hãy luôn nhớ điều này: Có công mài sắt, có ngày nên kim.
Bạn càng tự tin với lời nói của mình thì số lượng từ đệm bạn sử dụng sẽ càng ít đi. Vì thế nếu lần sau bạn phải thuyết trình, hãy luyện tập thật nhuần nhuyễn trước khi cất lời nhé.
Theo Trí Thức Trẻ