Công việc đầu tiên là “mối tình đầu” trong sự nghiệp, lỡ sai thì sửa, đừng đánh giá sinh viên chỉ bằng danh tiếng của ngôi trường!

Sinh viên Bách Khoa với ngành phát triển phần mềm thì sẽ được “săn đón” khi hiện tại nhóm ngành IT outsourcing đang được quan tâm. Song, không nên đánh giá sinh viên chỉ bằng danh tiếng của trường hay khối ngành học.


Ảnh minh họa

Đó là quan điểm của Nguyễn Thị Quỳnh Phương – Giám đốc Bộ phận tuyển dụng cấp cao của Talentnet, về câu chuyện sinh viên và việc làm sau khi ra trường.

– Chào chị, theo chị, sinh viên Việt Nam sau khi ra trường có nhiều việc để làm không, đã đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp chưa, có làm đúng ngành không?

Hiện tại, nhu cầu tuyển dụng của thị trường là có, nhưng để trả lời chính xác câu hỏi này thì cần dựa vào chất lượng sinh viên. Những sinh viên các trường top trên thường khi ra trường sẽ có tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn. Do đó, việc có “nhiều việc để làm” hay không chủ yếu nằm ở việc cân bằng giữa nhu cầu doanh nghiệp với chất lượng của sinh viên

Bênh cạnh đó, theo tôi, với một sinh viên mới ra trường, chuyện “có việc” hay không nên thay bằng câu hỏi “việc làm ấy mang lại gì cho mình?”, bắt đầu bằng mức độ tương quan giữa việc làm và ngành học trước đó.

Vì có một thực tế đáng buồn là hiện sinh viên vẫn có xu hướng chọn chuyên ngành ở bậc đại học theo cảm tính và xu hướng chung, hơn là ưu tiên vào sở thích và mục tiêu nghề nghiệp thực sự của bản thân. Điều này dẫn đến không ít bạn cầm tấm bằng đại học chuyên ngành A nhưng lại không “cam tâm” làm đúng ngành học vì mất hứng thú, trong khi đó các nhà tuyển dụng cũng sẽ lại lưỡng lự trong việc tuyển sinh viên trái ngành.

Tuy nhiên, tin vui cho các sinh viên mới ra trường là các doanh nghiệp cấp tiến hiện nay đang hướng tới việc đánh giá tiềm năng phát triển tương lai thay vì dựa trên những hành vi và kinh nghiệm trong quá khứ. Ví dụ: Đánh giá về cách tư duy và khả năng linh hoạt xử lý tình huống của ứng viên thông qua việc chơi các trò chơi, giải đáp câu hỏi mở,…

Có thể thấy, xã hội đang ngày càng đề cao tố chất và tiềm năng của con người hơn là những kiến thức lý thuyết và những kinh nghiệm có thể truyền đạt, rèn luyện theo thời gian.

Lời khuyên cho các bạn sinh viên khi tìm việc đó là trong xu hướng toàn cầu hóa thì vốn ngoại ngữ cần được chú trọng. Ngoài ra, sinh viên cần trang bị và tìm hiểu môi trường công sở và các kỹ năng như làm việc độc lập, làm việc nhóm, sử dụng các phần mềm, thiết bị văn phòng, … để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động.

Có thể nói, việc có “dễ” tìm việc hay không sẽ không nằm ở môi trường bên ngoài mà quy về giá trị thực bên trong câu hỏi: “Bạn là ai?”

– Một sinh viên của ĐH Bách Khoa Hà Nội chưa ra trường đã nhận được lời mời với mức lương 60 triệu/tháng, nhưng là làm việc ở Nhật. Theo chị thì ở Việt Nam mức lương này có khả thi không? Nếu đạt được thì cần có những yếu tố nào?

Rất khó để có thể xác định tính khả thi của mức lương này, và vấn đề cần được đặt ngược lại là “Sinh viên mới ra trường có tự tin đảm nhiệm vị trí với mức lương đó không?” Tất nhiên, cũng có một vài trường hợp hiếm hoi sẽ được đề xuất mức lương đó nhưng sẽ mang tính thời vụ ngắn hạn và thường khó đảm bảo phát triển nghề nghiệp về mặt lâu dài.

Một lưu ý là những trường hợp được nhận mức lương cao ngay từ khi chưa tốt nghiệp thường nhắm vào các đối tượng trong các trường thuộc khối kỹ thuật hoặc công nghệ cao, đòi hỏi yêu cầu cụ thể và tính chất đặc thù của ngành.

– Các ứng viên là sinh viên mới ra trường có đáp ứng được nhiều nhu cầu thực tiễn và doanh nghiệp không? Chị đánh giá cao sinh viên trường nào nhất?

Tùy vào ngành và lĩnh vực cũng như xu hướng thị trường mà sinh viên có thể được đánh giá theo trường (đầu vào) hoặc theo nhu cầu (đầu ra). Ví dụ: Sinh viên Bách Khoa với ngành phát triển phần mềm thì sẽ được “săn đón” khi hiện tại nhóm ngành IT outsourcing đang được quan tâm.

Song, không nên đánh giá sinh viên chỉ bằng danh tiếng của trường hay khối ngành học. Hầu hết sinh viên khi mới ra trường sẽ lại tiếp tục là người học việc, hay nói đúng hơn là học cách làm việc. Trung bình thì sau 2 năm gắn bó với một công việc, người ta mới có thể nghiêm túc nhìn nhận xem mình có phù hợp với yêu cầu công việc và đó có phải là nghề nghiệp mà mình mong muốn và gắn bó lâu dài không.

– Chị có lời khuyên gì đối với các sinh viên mới ra trường?

– Công việc đầu tiên đóng vai trò cột mốc quan trọng, manh tính định hướng, có thể ví như “mối tình đầu” trong sự nghiệp. Do đó, khi tìm việc, không nên đặt nặng vấn đề lương bổng mà cân cân đối tương xứng những yếu tố sau.

Thứ nhất, cần xác định mục tiêu, sở trường và năng lực hiện tại của bản thân để ước lượng công việc mơ ước. Tìm hiểu thị trường và các ngành nghề có liên quan nhằm xác định những yêu cầu về kiến thức và kỹ năng, từ đó có kế hoạch trau dồi bản thân. Tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng từ các công ty trong ngành cũng như các yếu tố khác như: lương thưởng, phúc lợi, cơ hội đào tạo chuyên môn,…

Để ứng tuyển hiệu quả, nên có thời gian chuẩn bị ít nhất là 3 tháng để có thể thu thập đủ thông tin thị trường và có sự chuẩn bị phù hợp về hồ sơ (CV), kỹ năng,…Sinh viên mới tốt nghiệp hoặc người chưa có nhiều kinh nghiệm nên lựa chọn công việc dựa trên năng lực bản thân, thử và trải nghiệm độ phù hợp của công việc cũng như cố gắng học hỏi, trau dồi những kỹ năng cần thiết trước khi thực sự dấn thân vào một ngành nghề hay lĩnh vực, tránh trường hợp đi quá sâu và đầu tư quá nhiều tâm sức thì sẽ rất khó để quay lại nơi bắt đầu.

Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Theo Trí Thức Trẻ