Lao động cổ cồn xanh tại các công ty công nghệ lớn trên thế giới đang bị đối xử như thế nào?

Danh tiếng tuyển dụng của các công ty công nghệ thường đến từ cách họ đãi ngộ các kỹ sư thu nhập cao, nhưng có một mảng ít được chú ý là họ cũng thuê về hàng ngàn lao động cổ cồn xanh.


Ảnh minh họa

“Tôi từng chứng kiến cảnh người ta ngất xỉu, ngã quỵ xuống sàn, đập mặt xuống đất” – một công nhân làm việc tại “nhà máy tương lai” của Tesla tiết lộ với phóng viên tờ The Guardian. Người này cho biết thêm: “Họ vẫn điều chúng tôi đến đứng làm việc xung quanh ngay cả khi anh ta vẫn đang nằm ngất trên sàn.”

Báo cáo lên sóng tuần qua của The Guardian đã hé lộ những ca làm việc căng thẳng kéo dài nhiều giờ đồng hồ mà công nhân Tesla phải trải qua để sớm đạt mục tiêu sản lượng của CEO Elon Musk – ngay cả khi họ phải chịu đựng hoặc phớt lờ thương tích của chính mình. Kể từ năm 2014, hàng trăm xe cứu thương đã được gọi đến nhà máy để điều trị cho các công nhân.

Những hình ảnh này không hề ăn nhập gì với tầm nhìn thay đổi thế giới của Musk, và Tesla cũng không phải công ty công nghệ duy nhất phải đối mặt với sự thực trớ trêu này.

Danh tiếng tuyển dụng của các công ty công nghệ thường đến từ cách họ đãi ngộ các kỹ sư thu nhập cao, nhưng có một mảng ít được chú ý là họ cũng thuê về hàng ngàn lao động cổ cồn xanh. Trong khi kỹ sư tại những công ty này thường nhận mức thu nhập cao, đãi ngộ hào phóng và môi trường khuyến khích sự tiến bộ, các công nhân lao động chân tay cũng thuộc những công ty đó lại phải sống trong môi trường không mấy thân thiện.

Cổ cồn xanh trong lĩnh vực công nghệ

Tại Facebook, đội ngũ kiểm soát, review nội dung vi phạm (đồi trụy, bạo lực,…) có tới 7000 người. Tại Amazon, hơn 90.000 nhân viên full time làm việc tại 70 nhà kho phải làm công việc nhặt và gói hàng chờ chuyển đi (vào mùa cao điểm, con số này có thể gấp đôi với một lượng lớn nhân viên mùa vụ). Tương tự như vậy, hàng nghìn tài xế trên thế giới đang ngày ngày “nhận lệnh” từ các thuật toán của Uber, trong khi Tesla cũng không hề kém cạnh với khoảng 10.000 công nhân làm việc trong nhà máy xe hơi tại Fremont, California.

Nhiều người trong số này được thuê dưới dạng nhân viên tạm thời chứ không phải chính thức. Họ phải làm những công việc buồn tẻ và cực nhọc với mức đãi ngộ vô cùng khiêm tốn. Một báo cáo năm 2016 của BuzzFeed cho tại công ty cung cấp thực phẩm chế biến sẵn Blue Apron – một trong những startup sáng giá nhất tại Mỹ – các công nhân phải làm việc trong môi trường căng thẳng, thậm chí là bạo lực khi công ty ngày càng bành trướng rộng hơn.

Những câu chuyện “kinh dị” vẫn nổi lên tại các kho chứa hàng của Amazon – nơi các công nhân phải đi bộ tới 12 dặm mỗi ca làm và đạt được đúng những yêu cầu tối thiểu về năng suất. Công ty cũng thiết lập một nền tảng có tên Machanical Turk trong đó công nhân phải thực hiện những tác vụ nhỏ và lặp đi lặp lại để kiếm từng cent. Nền tảng này đã làm dấy lên không ít câu hỏi về vấn đề đạo đức trong công việc.

Cùng với đó, nhiều tài xế Uber – vốn chỉ được coi là các “nhà thầu độc lập” chứ không phải nhân viên – cũng từng phản ánh về tình trạng bị công ty “hứa suông” và thu nhập biến động đến mức không dự đoán nổi do việc tăng giảm giá cước liên tục của Uber.

Kiến tạo tương lai nên bắt đầu từ chính công xưởng của mình

Tất nhiên những công việc kể trên không phải những công việc tệ nhất trên đời. Công việc của các công nhân kho bãi tại Amazon thực chất cũng không khác gì công nhân tại kho hàng của chuỗi bán lẻ Walmart. Theo dữ liệu của trang việc làm Indeed.com, công nhân kho bãi của Amazon kiếm được 12 USD/giờ; mức giá này dao động tùy địa điểm kho hàng. Trong khi đó, Walmart mãi đến gần đây cũng đã thông báo tăng lương nhân công part time lên mức 10 USD/giờ, còn full time thì trung bình ở mức 13 USD/giờ.

Ngoài lĩnh vực công nghệ, bạn có thể tìm thấy hàng nghìn trường hợp vi phạm luật lao động tại những nhà máy có điều kiện còn tệ hại hơn Tesla và Blue Apron nhiều lần.

Thế nhưng không giống các công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác, các công ty công nghệ tự định vị mình là những kẻ tiên phong mở đường dẫn lối cho thế giới hiện đại, với những Zuckerberg tuyên bố sẽ giải quyết mọi vấn đề từ an ninh thế giới cho đến dịch bệnh khó chữa, Elon Musk muốn đặt chân lên Sao Hỏa hay Jeff Bezos muốn “đo thành công bằng những thứ có thể làm được chứ không phải những thứ có khả năng xảy ra”, tại sao họ không giải quyết chính vấn đề nội tại của các công nhân làm việc cho mình?

Nhiều công ty đã đi đầu trong việc tạo môi trường tiến bộ cho nhân viên của mình, chẳng hạn như Facebook với các quy định thân thiện nơi công sở hay Google với những nhà ăn miễn phí cho nhân viên. Tất nhiên, những điều này được thiết kế cũng để giữ chân nhân tài trong thời buổi cạnh tranh nhân lực khốc liệt như hiện nay. Tuy vậy, ngay cả với công nhân thông thường thì đãi ngộ tốt vẫn có giá trị của riêng nó. Một nghiên cứu của ĐH Dartmouth và ĐH Wisconsin đã chỉ ra rằng công nhân làm có kinh nghiệm làm việc tại các kho bãi trong hệ thống của Amazon thao tác nhanh hơn rất nhiều so với công nhân không có kinh nghiệm. Đó chính là lý do Amazon phải lập ra các lớp học tại chỗ cho công nhân hay cho phép nghỉ thai sản có lương để giữ chân những công nhân lành nghề.

Cứ nhắc đến những công việc chân tay là giới công nghệ tại Thung lũng Silicon lại phô trương công nghệ tự động hóa của mình. Tesla được coi là “nhà máy của tương lai”, Uber đầu tư cho phương tiện tự lái, Facebook kiến tạo những thuật toán có thể tự động kiểm soát nội dung trên mạng xã hội hay Amazon xây dựng những cỗ máy gói hàng, những drone chuyển phát thay con người.

Công nghệ có thể nâng cao hay làm nhiều công việc hiện tại của con người biến mất. Thế nhưng trong tương lai gần, công nhân cổ cồn xanh vẫn sẽ có vai trò nhất định trong các công ty công nghệ. Nếu như các tập đoàn như GM hay Walmart đã thiết lập điều kiện làm việc tiêu chuẩn cho công nhân của mình trong những lĩnh vực họ hoạt động, các công ty công nghệ hiện nay cũng cần chung tay kiến tạo một môi trường làm việc tốt đẹp hơn cho tương lai.

Theo trí thức trẻ