Hầu hết các nhà lãnh đạo đều biết rằng họ cần phải lắng nghe nhiều hơn. Họ đã đọc những bài báo về vai trò của việc lắng nghe trong quá trình xây dựng đội ngũ nhân viên, quản lý thay đổi, đạt được mục tiêu chiến lược, v.v.
Họ cũng đã xem các nghiên cứu về mối liên hệ giữa lắng nghe hiệu quả và thành công trong kinh doanh. Nhưng làm thế nào để biến lắng nghe từ một điểm yếu trở thành điểm mạnh của bạn? Hãy cùng xem những phân tích sau đây của các nhà khoa học đến từ Đại học Harvard.
Hãy bắt đầu với những đặc điểm không nên gắn liền với quá trình lắng nghe: Lắng nghe không phải là một cuộc trao đổi; lắng nghe không hề thụ động; và lắng nghe không phải là chờ đến lượt bạn nói.
Lắng hiệu quả hơi khác một chút – nó chủ động, tò mò, sáng tạo và mang tính cộng tác. Và quan trọng nhất, nó là sự thể hiện. Và một người biết lắng nghe sẽ thể hiện tốt như một người giỏi ứng biến: Không hề có kịch bản, diễn tập hay kế hoạch gì cả.
Họ lắng nghe để sáng tạo và gây dựng nội dung cuộc hội thoại cùng người khác. Họ cởi mở và sẵn sàng đồng ý với người đối diện, theo họ đi đến bất kỳ đâu và cùng tạo ra mọi thứ. Và những hành động này chính là những lời mời.
Trong mọi cuộc trò chuyện, bạn nhận được rất nhiều lời mời, kể cả trong những trường hợp trái ngược: Đồng nghiệp lờ đi câu hỏi của bạn là một lời mời. Người khác cười khi bạn pha trò là một lời mời. Cấp trên không thèm ngẩng lên khi bạn bước vào phòng của họ là một lời mời. Tất cả, dù tốt hay xấu, đều là những lời mời để bạn bắt đầu, nếu bạn nghe được.
Hầu hết chúng ta đều bỏ qua những lời mời ngay trước mắt vì nhiều lý do. Có thể bạn lo sợ không biết nên nói gì, có thể bạn không đồng tình và dồn hết sức lực để cãi lý, v.v.
Nhưng khi được trang bị khả năng lắng nghe hiệu quả, bạn có thể vượt qua nhiều trở ngại và biến lắng nghe thành một quá trình hợp tác sáng tạo với người khác.
Hãy thử những bài tập sau để khơi dậy khả năng lắng nghe của bạn:
1. Chọn một buổi họp hoặc cuộc hội thoại sắp diễn ra và thử nghiệm bằng cách coi lắng nghe là ưu tiên hàng đầu. Chú ý: Đừng lắng nghe gì cả! Thay vào đó, hãy xem có bao nhiêu lời mời đến với bạn (kể cả không phải những lời mời tích cực). Hãy ngừng lại lâu hơn mọi khi trước lúc lên tiếng, và khi bắt đầu, hãy chọn một lời mời, khẳng định rằng bạn đã nghe thấy lời mời đó, và tạo dựng mọi thứ từ đó.
2. Chú ý đặc biệt đến những lời mời dưới dạng ngôn ngữ cơ thể. Cách người ta ngồi, vẻ mặt của họ, cách họ bước đi, họ đang nhìn gì, v.v. Lắng nghe và đáp lại những lời mời đó.
3. Thể hiện sự tò mò: Bạn không đồng tình với một người bạn hay một đồng nghiệp về điều gì đó? Hãy nói chuyện với họ và đừng cố thuyết phục là họ đã sai, thay vào đó hãy tìm ra mọi điều có thể về cách họ nhìn nhận vấn đề.
4. Hãy bảo một đồng nghiệp hoặc một người bạn kể cho bạn một câu chuyện mà bạn chưa từng nghe về họ. Hãy ngồi thật yên lặng, và lắng nghe.
Theo trí thức trẻ