Bạn là nhân viên và nếu ‘đội mũ’ này, bạn sẽ sớm làm sếp đấy!

Khi học được cách “đội mũ” của người sếp dù bạn đang là nhân viên, bạn sẽ có khả năng tìm được người sếp có tâm, có tầm và có cơ hội làm sếp nhanh hơn.


Ảnh minh họa

Trong chương trình Cafe8, livestream trò chuyện độc quyền cùng người nổi tiếng trên fanpage CafeBiz, chị Thanh Nguyễn, CEO Anphabe đã chia sẻ với chúng tôi về phẩm chất của một người sếp có tâm và có tầm. Và nếu nhân viên hiểu được những “chiếc mũ” mà sếp đội thì sẽ có cơ hội lên sếp nhanh chóng hơn.

Theo chị Thanh Nguyễn, ai cũng có những người sếp tệ trong đời. Mà mình nghĩ tệ thì chưa chắc đã tệ.

“Cá nhân tôi cũng có vài người sếp. Quay lại sếp đầu tiên, có lúc cũng thấy sếp không quan tâm, hỗ trợ mình. Tôi còn nhớ có lần đã viết thư cho sếp với nội dung: Em rất cảm ơn chị vì những điều có thể khiến em mất đến 3 năm mới hiểu được”, chị Thanh chia sẻ.

Theo chị Thanh Nguyễn, ai cũng hướng tới việc một ngày nào đó sẽ trở thành sếp. Đừng nhìn hạn hẹp là “sếp làm gì cho tôi”. Mà nên nhìn là “sếp đã làm gì tổ chức”. Như vậy, bạn sẽ đánh giá được giá trị của quyết định của sếp, có hài hòa cho cả tổ chức không một cách lâu dài và bền vững không.

“Ngày hôm nay, vì bức xúc của bạn, sếp có thể tăng lương cho bạn nhưng một vài đồng nghiệp lại thấy không hài lòng. Như vậy, công việc của bạn và đồng nghiệp về lâu dài có thể bị ảnh hưởng, thời gian tới có thể không có sự hợp tác hiệu quả”, CEO Anphabe nhận định.

Chị Thanh cho hay, người sếp phải đội nhiều mũ khác nhau, vừa đảm bảo quyền lợi của nhân viên, vừa đảm bảo quyền lợi của tổ chức. Với các nhân viên, sếp cũng phải hài hòa lợi ích của nhiều người.

“Khi học được cách đội mũ của người sếp dù bạn đang là nhân viên, bạn sẽ có khả năng tìm được người sếp có tâm, có tầm và có cơ hội làm sếp nhanh hơn”, chị Thanh đưa ra nhận định.

Nếu cứ nhìn sếp bằng con mắt ích kỷ theo kiểu “Điều sếp làm có lợi gì cho tôi” thì bạn sẽ mãi mãi đội chiếc mũ nạn nhân. Việc đó ảnh hưởng đến bạn, hạnh phúc của bạn, bạn có yêu thích đồng nghiệp, có nỗ lực phấn đấu hay không và dẫn đến bạn có cơ hội thăng tiến hay không, lương có cao hay không. Tất cả đều có mối liên quan mật thiết đến nhau.

Điều khó nhất là lãnh đạo bản thân. Nghĩa là phải đặt nhu cầu của bản thân thấp hơn giá trị mình theo đuổi và tạo động lực để bắt mình phải theo mục tiêu, chứ không chỉ bó buộc trong “giường chiếu hẹp”.

Theo trí thức trẻ