Hài hước thay, đây lại là những sai lầm khi phỏng vấn xin việc ngớ ngẩn nhất mà các nhà tuyển dụng khó lòng quên được.
Harris Interactive vừa thực hiện một cuộc khảo sát qua trang web việc làm CareerBuilder.com với hơn 3000 nhà tuyển dụng và chuyên gia về nhân lực và tiết lộ những sai sót gây sốc nhất của người xin việc trong các cuộc phỏng vấn.
Theo đó, áp lực của môi trường tuyển dụng có thể khiến các ứng viên mắc những lỗi lẽ ra phải tránh được, nhưng có những trường hợp lại quá đà đến khó hiểu.
CareerBuilder đã tìm hiểu những lỗi thông thường khiến ứng viên tuột mất cơ hội trước nhà tuyển dụng, 3/4 số này (77%) là do nghe điện thoại hay nhắn tin và làm gián đoạn buổi phỏng vấn.
Một sơ xuất rất phổ biến khác là do ứng viên xuất hiện với bề ngoài không mấy hấp dẫn. Ngoài ra, trang phục không phù hợp, thái độ kiêu ngạo, nói xấu cấp trên hiện tại hay trước đây, nhai kẹo cao su đều là những điều khiến các nhà tuyển dụng phải lắc đầu.
“Một điều mà các quản lý nhân sự đặc biệt không hài lòng với ứng viên là việc nói xấu cấp trên hiện tại hay trước đây”- bà Haefner, phó chủ tịch quản lý nguồn nhân lực của CareerBuilder cho hay. “Đó là sai lầm mà đa số người xin việc không nghĩ đến.
Họ thường thấy thoả mãn khi phê bình hay chán nản với những ông chủ cũ. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng lại đánh giá thấp thái độ này và cho rằng ứng viên không chuyên nghiệp, ít tiềm năng và khó tạo lập mối quan hệ tốt với các đồng nghiệp khác”.
Bà Haefner cũng khuyên rằng nếu bạn từng có trở ngại trong công việc trước, hãy chú ý đến bài học mà bạn rút được ra cho mình thay vì kể lể sau lưng xếp cũ.
Kế tiếp là những tình huống khá hài hước: Trong một cuộc phỏng vấn, một ứng viên không rời cuốn “Làm thế nào khi đi phỏng vấn xin việc”, sau đó ba hoa không ngớt về sự nhanh nhẹn của anh ta sau khi đến muộn tới 10 phút.
Một ứng viên khác lại nói với nhà tuyển dụng rằng cô (anh) ta thấy công việc này lương không biết có bõ tiền xăng xe không.
Để tránh mắc những lỗi trên, Haefner khuyên bạn nên tìm hiểu kỹ và tập luyện cẩn thận trước buổi phỏng vấn. Việc chuẩn bị tốt có thể khiến bạn nổi bật hơn so với người khác và tự tin trả lời câu hỏi một cách thuyết phục trước nhà phỏng vấn mà không lo bị quá đà.
Bà nói thêm: “Điều quan trọng nhất là phải dùng mọi biện pháp để giữ bình tĩnh và tập trung. Ví dụ, bạn nên vận động cơ thể trước buổi phỏng vấn vài tiếng, ăn uống cẩn thận, đến sớm một chút. Và khi đã có mặt tại nơi phỏng vấn, hãy để nhân cách, sự chuyên nghiệp và năng lực của mình thuyết phục nhà tuyển dụng.
Buổi phỏng vấn bao giờ cũng là dịp mà bạn cần tạo ra ấn tượng tốt nhất. Hãy cân nhắc cẩn thận rằng qua buổi gặp, bạn muốn nhà tuyển dụng biết gì về mình.
Hãy tỏ ra mình là ứng viên thích hợp nhất cho công việc. Tiếc rằng trên thực tế, nhiều người lại khiến nhà tuyển dụng phải phỏng vấn qua điện thoại và xin hoãn thời gian gặp mặt trực tiếp.
“Buổi phỏng vấn giống như một cuộc biểu diễn thử. Nhà tuyển dụng không chỉ cần một danh sách kỹ năng hay thành tích. Họ tuyển một con người thực sự với nhân cách, lý lịch, tư duy đánh giá và tính sáng tạo.
Dù tính cạnh tranh của thị trường lao động có lớn đến đâu thì ấn tượng ban đầu của bạn đối với nhà tuyển dụng sẽ luôn là nhân tố quyết định rằng họ có lựa chọn bạn hay không”- bà Heafner đánh giá.
Theo Kiem Viec