Nhân lực CNTT trong cơ quan nhà nước cứ “đủ lông đủ cánh” là… bay đi

Nhân lực là thách thức lớn nhất khi triển khai ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, những cán bộ làm tốt thì chỉ dưới 5 năm khi họ đã vững về chuyên môn, có “đủ lông đủ cánh” là… bay đi tìm bến đỗ tốt hơn.

Phát biểu tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục CNTT và Dữ liệu tài nguyên môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, một trong những hạn chế lớn nhất hiện nay là chất lượng của đội ngũ cán bộ CNTT trong các cơ quan nhà nước. Nhiều nhân lực, cán bộ kỹ thuật chuyên trách về CNTT còn thiếu và yếu về chuyên môn. Nhiều đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa xác định đơn vị chuyên trách, đầu mối về ứng dụng CNTT và giao nhiệm vụ cụ thể.

Ông Hà cũng cho hay, khi tuyển dụng cán bộ CNTT vào để đào tạo, những cán bộ làm tốt thì chỉ dưới 5 năm khi đã vững về chuyên môn, có đủ lông đủ cánh là… bay đi”. Những người có chuyên môn tốt thì chỉ vào cơ quan nhà nước dưới 5 năm cơ bản là chuyển đi. Còn những người ở lại làm việc sau 5 năm thì khá nhiều trong số đó là “lông cánh mọc lâu hoặc không mọc được, hoặc đã rụng lông nên không chịu bay đi”.

Có những viên chức CNTT khi Bộ Tài nguyên và Môi trường xét tuyển dụng công chức, chọn lên chọn xuống để xét tuyển những nhân lực có năng lực vào biên chế, xét tuyển xong rồi khi hỏi ý kiến thì họ lại từ chối không vào công chức. “Nhân lực CNTT là thách thức lớn nhất trong số các vướng mắc tồn tại khi triển khai ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước”, ông Hà nhấn mạnh.

Do đó, ông Lê Phú Hà đưa ra đề xuất, Bộ TT&TT cần xây dựng các cơ chế ưu đãi, tạo điều kiện thu hút, sử dụng nhân lực phát triển, ứng dụng CNTT. Có các hướng dẫn, quy định về ngạch bậc của lĩnh vực CNTT và nâng ngạch theo chuyên môn nhằm khuyến khích, động viên cán bộ CNTT gắn bó với cơ quan nhà nước. Đồng thời, nhà nước cũng tạo điều kiện để cán bộ CNTT được cập nhật, đào tạo về kiến thức chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ được giao, có điều kiện học hỏi, tiếp cận công nghệ ứng dụng, phát triển CNTT của các hãng, các nước tiên tiến.

Bộ Tài nguyên và Môi trường được ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa đánh giá là một trong những bộ, ngành ứng dụng CNTT rất tốt. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước. Tại các đơn vị của Bộ, 100% trao đổi văn bản điện tử qua môi trường mạng, ứng dụng chữ ký số.

Tổng số nhân lực chuyên trách về CNTT của Bộ Tài nguyên và Môi trường khá hùng hậu, với 671 người. Trong đó, riêng số cán bộ tại đơn vị chuyên trách CNTT của Bộ có 220 người. Số đơn vị trực thuộc Bộ và các cơ quan có cán bộ chuyên trách (hoặc phụ trách) về CNTT là 30 người. Số cán bộ có trình độ kỹ năng về CNTT bao gồm: Kỹ năng về cơ sở dữ liệu 229 người, kỹ năng hệ thống mạng 122 người, kỹ năng quản lý hệ thống CNTT 86 người, kỹ năng an toàn thông tin 60 người. Hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nhiều khóa tập huấn cơ bản, chuyên sâu nhằm nâng cao kiến thức về CNTT cho đội ngũ cán bộ, chức chức viên chức trong Bộ.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đánh giá cao việc triển khai ứng dụng CNTT xuyên suốt trong các cơ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường và cho đây là một bước đột phá, đáng để các bộ, ngành khác học tập kinh nghiệm về ứng dụng CNTT. Thứ trưởng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đầu tư nâng cấp để tăng số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4. Cơ sở dữ liệu của ngành Tài Nguyên và Môi trường cần gắn kết chặt chẽ với Cục Tin học hóa của Bộ TT&TT để đảm bảo cơ sở này được kết nối liên thông trên toàn quốc.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng nhấn mạnh, ứng dụng CNTT trong nội bộ phục vụ công tác chỉ đạo điều hành tốt đến đâu đi chăng nữa mà việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp còn hạn chế thì chưa phải là đạt kết quả cao.

Theo IctNews