Năm 2010, có 85.564 LĐ VN đi làm việc tại các nước và vùng lãnh thổ, nhiều nhất là: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia và thị trường mới nổi ở khu vực Trung Đông. Các quốc gia UAE, Ả Rập xê-ut, Qatar, Kuwait, Bahrain tiếp nhận 16.000 LĐ VN, cao nhất là UAE với 10.000 người, Ả Rập xê-ut 5.000 người.
Ngoài Libya, điểm nóng mới Bahrain đang xảy ra bạo loạn, khiến các công ty XKLĐ như Vinaconex, Sona, Airseco… phải tạm ngưng khai thác thị trường Trung Đông, chuyển hướng XKLĐ sang khu vực châu Á.
Ông Nguyễn Văn Chiến (Công ty XKLĐ Việt Nhật) cho biết: “XKLĐ sang Trung Đông khởi động từ năm 2006, với nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước, dành cho đối tượng LĐ nghèo, chi phí thấp, hầu hết NLĐ phải vay vốn ngân hàng để đi XKLĐ.
Với hợp đồng hai – ba năm, NLĐ phải đảm bảo công việc ổn định trên một năm mới có khả năng hoàn vốn. Phí dịch vụ trung bình từ 1.000USD – 1.500USD/người, các doanh nghiệp (DN) tạm ứng chi phí cho LĐ rồi trừ dần vào lương, vì thế, “gánh nặng” tài chính trong việc khai thác thị trường giá rẻ ở Trung Đông có nhiều rủi ro khi công việc không được đảm bảo.
Thêm vào đó, một số DN XKLĐ VN còn bị lừa đảo bởi các nhà môi giới ở thị trường này. Sau đợt sóng LĐ về nước từ Trung Đông e ngại hoặc từ chối xuất ngoại dẫn đến một số hợp đồng phải bồi thường thiệt hại vì không đảm bảo quân số”.
Ước tính có trên 30 DN khai thác khu vực Trung Đông với số LĐ lớn sẽ phải vẽ lại biểu đồ thị trường XKLĐ vì rủi ro cao.
Thị trường Nhật Bản tiếp nhận từ 4.000 – 5.000 LĐVN/năm, với thu nhập trung bình 15 triệu đồng/người/tháng, công việc ổn định nhưng nay hàng loạt nhà máy đã ngừng trệ. Các hãng điện tử, xe hơi nằm trong khu vực bị ảnh hưởng của sóng thần phải vừa sản xuất, vừa có kế hoạch “di tản”. Việc tuyển dụng LĐ mới khó có thể nhiều hơn; việc dự báo về số lượng LĐ, đào tạo nguồn cũng sẽ thay đổi giữa các ngành nghề, khu vực.
Chẳng hạn các ngành thế mạnh của LĐVN là gia công hàng điện tử, chế biến thủy hải sản, cơ khí sẽ giảm, thay vào đó là may mặc và xây dựng với yêu cầu kỹ thuật cao hơn. Tuy nhiên, LĐVN tập trung nhiều trong các DN vừa và nhỏ nên ảnh hưởng không nhiều, các hoạt động tuyển dụng vẫn diễn ra đều đặn với hợp đồng nhỏ lẻ từ 100 – 200 người/DN/năm”.
Ông Lê Anh Tuấn (Giám đốc Trung tâm XKLĐ – Công ty Tracimexco – Bộ GTVT) nhận định: “Tình hình XKLĐ năm 2011 sẽ khó khăn rất nhiều cho cả DN và NLĐ khi nhiều thị trường mới vừa mở đã đóng băng, thị trường truyền thống lớn của VN là Nhật Bản lại gặp khó khăn.
Việc đào tạo, chuẩn bị nguồn và định hướng cho NLĐ phải linh hoạt hơn, phù hợp với điều kiện mới. Tracimexco từ năm 2003 đến nay đã đưa trên 1.000 LĐ làm việc tại Nhật Bản, hiện còn 400 tu nghiệp sinh đang làm việc ổn định tại các nhà máy.
Tuy nhiên, chúng tôi phải sẵn sàng các phương án dự phòng, kết hợp với đối tác Nhật chuẩn bị cả tâm lý và kỹ năng cho NLĐ trong trường hợp phải thay đổi công việc”.
Theo PNO