Không phải lúc nào cũng có thể xác định rõ ràng điểm mạnh và điểm yếu của một công ty. Một số người có thể nói: “Công ty chúng tôi khen thưởng cho thành tích hoạt động tốt”, trong khi những nhân viên khác của công ty đó có thể sẽ nói điều ngược lại.
Để tránh những nhận thức khác nhau này, bạn cần sử dụng một phương pháp liên quan đến nhiều người có hiểu biết và đại diện cho những bộ phận khác nhau trong tổ chức. Nhận xét tổng hợp của họ sẽ chính xác hơn là của một vài cá nhân nhìn nhận vấn đề theo quan điểm riêng của họ.
Như James Surowiecki đã đề cập trong cuốn sách The Wisdom of Crowds: “Nếu bạn tập hợp một nhóm gồm nhiều người với nhiều thành phần đa dạng rồi yêu cầu họ đưa ra các quyết định ảnh hưởng đến quyền lợi chung, chắc chắn những quyết định của nhóm sẽ sáng suốt hơn là quyết định của từng cá nhân đơn lẻ, dù cá nhân đó có thông minh và có kiến thức đến mức nào đi nữa”. Sau đây là phương pháp tổ chức tư duy tập thể với chín bước thiết thực:
Bước 1. Chọn một cá nhân để việc phân tích dễ dàng. Người này nên được mọi người tin tưởng và nể trọng, đồng thời phải được nhìn nhận là người khách quan và không nghiêng về bất kỳ phe phái nào trong công ty.
Bước 2. Xây dựng nhóm SWOT gồm các cá nhân có kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực bộ phận khác nhau trong công ty. Giống như bước 1, các thành viên trong nhóm nên được đồng nghiệp tin tưởng và nể trọng, đồng thời là những người khách quan và trung thực.
Bước 3. Tư duy về các điểm mạnh của công ty hay phòng ban. Hãy thu thập ý kiến của mọi người. Hãy xem xét năng lực cốt lõi, điều kiện tài chính, cách thức quản lý và văn hóa tổ chức đã nêu trên. Ngoài ra, hãy chú ý đến vai trò lãnh đạo và khả năng ra quyết định, sự đổi mới, tốc độ, năng suất, chất lượng, dịch vụ, hiệu suất và các quy trình công nghệ ứng dụng.
Bước 4. Ghi lại tất cả các đề xuất trên một sơ đồ. Tránh ghi chép trùng lắp. Hãy làm rõ rằng một số vấn đề có thể xuất hiện ở nhiều mục. Ví dụ, điểm mạnh của một công ty nằm ở dịch vụ khách hàng, nhưng điểm yếu cũng có thể xuất phát từ dịch vụ này. Mục tiêu của bạn là nắm bắt được càng nhiều ý tưởng trên các sơ đồ càng tốt. Việc đánh giá sẽ diễn ra sau đó.
Bước 5. Hợp nhất các ý tưởng. Đặt tất cả các trang sơ đồ lên bảng. Dù bạn đã nỗ lực để tránh ghi chép trùng lắp, thì sự chồng chéo vẫn có thể xảy ra ở một mức độ nào đó. Hãy hợp nhất các điểm trùng lắp bằng cách hỏi nhóm xem những mục nào có thể kết hợp dưới cùng một tiêu đề. Hãy chống lại sự cám dỗ hợp nhất quá mức bằng cách đưa nhiều ý tưởng vào cùng một chủ đề. Nhưng lưu ý điều này thường dẫn đến sự thiếu tập trung.
Bước 6. Làm rõ các ý tưởng. Hãy rà soát từng mục trên danh sách đã được hợp nhất và làm rõ bất kỳ mục nào mà những người tham gia còn thắc mắc. Lặp lại ý nghĩa của từng mục trước khi thảo luận. Hãy kiên trì xác định các điểm mạnh. Cố gắng kiềm chế không đưa ra bất kỳ giải pháp nào tại thời điểm này.
Bước 7. Xác định ba điểm mạnh quan trọng nhất. Chỉ cần kiểm tra sự nhất trí, bạn có thể dễ dàng nhận diện ba điểm mạnh quan trọng nhất này. Nếu khó xác định điểm quan trọng thì bạn hãy cho những người tham gia vài phút để chọn ra những vấn đề ưu tiên hàng đầu của họ và biểu quyết chúng. Hãy cho phép từng thành viên trong nhóm đưa ra ba đến năm lá phiếu biểu quyết (ba nếu danh sách vấn đề gồm mười mục trở xuống, và năm nếu danh sách dài hơn). Nếu có sự ràng buộc hoặc lần biểu quyết đầu tiên vẫn chưa đi đến kết luận, hãy thảo luận về những mục được nhiều người đánh giá cao từ lần biểu quyết đầu tiên, sau đó hãy biểu quyết lại.
Bước 8. Tóm tắt các điểm mạnh của công ty. Một khi ba điểm mạnh quan trọng nhất đã được xác định và thống nhất, hãy tóm tắt chúng vào một trang sơ đồ riêng biệt.
Bước 9. Lặp lại từ bước 2 đến bước 6 về các điểm yếu. Cũng giống như các điểm mạnh, những lĩnh vực có điểm yếu của công ty hoặc phòng ban liên quan đến năng lực cốt lõi, tài chính, sự quản lý và văn hóa, khả năng lãnh đạo, khả năng ra quyết định, tốc độ, sự đổi mới, năng suất, chất lượng, dịch vụ, hiệu suất và công nghệ.
(Lưu ý: Bạn có thể dùng phương pháp này để lấy ý kiến tập thể về các mối đe dọa và cơ hội như đã được trình bày ở chương trước khi phân tích các yếu tố bên ngoài. Tuy nhiên, có thể bạn cũng cần mở rộng nhóm SWOT để bao gồm cả những người từ bên ngoài công ty, chẳng hạn như nhà cung ứng biết rõ lĩnh vực bạn đang kinh doanh, những người mà bạn thường xuyên làm việc, nhà tư vấn giàu kinh nghiệm trong ngành, v.v.)
Sau khi hoàn tất quy trình chín bước này, nhóm SWOT nên tổng hợp các phát hiện của nhóm thành một báo cáo chính thức để trình cho các cấp lãnh đạo, các nhà hoạch định chiến lược và các bên quan tâm khác. Và nếu bạn cũng đã làm điều tương tự cho việc phân tích các yếu tố bên ngoài, công ty bạn xem như đã sẵn sàng trong việc tạo lập chiến lược.
Tóm tắt
Năng lực cốt lõi là nền tảng cho bất kỳ chiến lược mới hoặc chiến lược được điều chỉnh nào.
Năng lực của một công ty, tổ chức chỉ có ý nghĩa khi được so sánh với năng lực của đối thủ cạnh tranh.
Hãy đánh giá thế mạnh tài chính của tổ chức bạn trước khi nghĩ về chiến lược. Một chiến lược mới có thể tốn kém, đặc biệt là nếu nó liên quan đến việc mua tài sản hay mua lại công ty khác.
Năng lực quản lý và văn hóa tổ chức cần thiết cho việc thay đổi chiến lược thành công.
Hãy xác định xem liệu tổ chức có sẵn sàng thay đổi bằng cách xác định những đặc điểm sau: cấp quản lý được nể trọng và làm việc hiệu quả; nhân viên cảm thấy có động lực cá nhân để thay đổi; tổ chức không khắt khe về cấp bậc; nhân viên quen làm việc với tinh thần hợp tác; có một môi trường văn hóa chịu trách nhiệm về kết quả; và thành quả tốt được khen thưởng xứng đáng.
Đừng phụ thuộc vào một vài cá nhân khi phân tích các yếu tố bên trong. Thay vào đó, hãy tổ chức một nhóm nhỏ bao gồm những người có hiểu biết đại diện cho các bộ phận khác nhau trong tổ chức. Sử dụng quy trình chín bước được trình bày trong chương này để xác định những điểm yếu và điểm mạnh của tổ chức.
Theo Hoidoanhnhan