Marketing Thị trường nước giải khát và sức hút

Thị trường nước giải khát và sức hút

28
Kinh tế 2012 bộc lộ nhiều khó khăn, người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm nhưng các nhà đầu tư trong và ngoài nước cho biết ngành hàng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn rất hấp dẫn, nhất là lĩnh vực sản xuất nước giải khát.
Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ và tốc độ phát triển tốt của thị trường Việt Nam, các nhà sản xuất đang đẩy mạnh đầu tư để giành thị phần. Mới đây, Tập đoàn Coca Cola đã công bố sẽ rót khoản đầu tư mới tại thị trường Việt Nam lên đến 300 triệu USD, bắt đầu từ năm 2013. Khoản đầu tư này sẽ được sử dụng để nâng cao hiệu quả hoạt động của 3 nhà máy tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM.
Hơn nữa, Công ty TNHH Nước giải khát Coca Cola Việt Nam cũng đã đàm phán và ký biên bản thỏa thuận thiết lập quan hệ hợp tác kinh doanh với Saigon Co.op. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2013. Nhìn thấy tiềm năng của thị trường, sau nhiều năm phát triển trong ngành gia vị, Vedan bắt đầu lấn sân sang ngành nước giải khát với nhãn hiệu Thiên Trà.
Để đẩy mạnh hoạt động, PepsiCo đã thiết lập liên doanh với công ty sản xuất nước giải khát Suntory của Nhật Bản tại Việt Nam, trong đó, PepsiCo giữ 49% cổ phần và Suntory nắm 51% cổ phần của dự án. Dự án này sẽ tập trung mở rộng kinh doanh thực phẩm và nước giải khát, hướng PepsiCo tới một vị trí tăng trưởng lâu dài, bền vững tại thị trường Việt Nam.
Từ khi có mặt ở Việt Nam vào năm 1994 đến nay, PepsiCo đã đầu tư khoảng 500 triệu USD, xây dựng 5 nhà máy sản xuất đồ uống. Nhà máy mới nhất được khai trương vào tháng 10-2012 tại Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư 73 triệu USD, được xem là nhà máy nước giải khát và thực phẩm lớn nhất châu Á trong hệ thống PepsiCo toàn cầu.
Theo Hiệp hội Rượu bia và Nước giải khát Việt Nam, thị trường nước giải khát không cồn của Việt Nam đang có sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư. Tốc độ tăng trưởng trong 5 năm qua đạt mức ấn tượng trên 20%, mức cao so với thế giới.
Hiện trung bình mỗi người Việt Nam mới chỉ uống khoảng 3 lít nước giải khát đóng chai không cồn/năm, trong khi mức bình quân của người Philippines là 50 lít/năm nên tiềm năng rất lớn. Trước sự đầu tư “khủng” của các DN nước ngoài trong thời gian qua, các DN trong nước cũng đã mạnh dạn mở rộng hoạt động.
Chẳng hạn Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã xây dựng thêm nhà máy Number One Chu Lai tại miền Trung – Tây nguyên và nhà máy nước giải khát Number One Hà Nam ở miền Bắc, nâng tổng công suất lên 2 tỷ lít/năm để đón đầu thị trường.
Tuy nhiên, hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm thị trường Việt Nam, nên muốn tham gia, các DN có thể liên kết với các quỹ đầu tư ngoại để có được sự hỗ trợ về vốn, khả năng quản lý, công nghệ…

Theo Nhuongquyenvietnam