Thị trường lao động ở Việt Nam mất cân đối nghiêm trọng giữa cung và cầu. Chất lượng lao động và năng suất lao động thấp. 2/3 trong tổng số việc làm không bền vững… Đó là những vấn đề được xới lên tại Hội thảo đề án phát triển thị trường lao động Việt Nam (2011-2020) do Bộ LĐTB-XH và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa tổ chức tại TPHCM.
Việc làm thiếu bền vững
Trong xu thế hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, đòi hỏi thị trường lao động ở Việt Nam phát triển linh hoạt để hỗ trợ tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thế nhưng, do mới hình thành và phát triển chưa đồng bộ, nên thị trường lao động Việt Nam đang bộc lộ nhiều yếu điểm lẫn mâu thuẫn, trong đó nghiêm trọng nhất là mất cân bằng giữa cung và cầu, năng suất lao động thấp. Trong khi chúng ta dư thừa sức lao động ở nông thôn thì ở lĩnh vực phát triển công nghiệp, các ngành dịch vụ trung cao cấp lại thiếu hụt lao động trầm trọng.
Phân tích về thực trạng thừa thiếu việc làm, GS-TS Nguyễn Bá Ngọc (Phó Viện trưởng Viện Khoa học lao động – xã hội) cho rằng, tổng việc làm của nền kinh tế tăng nhưng chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, những năm vừa qua hệ số co giãn việc làm ở nước ta chỉ đạt mức trung bình 0,28% (tức là khi GDP tăng thêm 1% thì việc làm chỉ tăng 0,28%), so với các nước trong khu vực hệ số co giãn việc làm còn thấp. Điều này có nghĩa là tăng trưởng chưa tạo ra nhiều việc làm, đem lại lợi ích cho người lao động.
Hiện cả nước vẫn còn trên 50% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn là một nước kém phát triển và tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn vẫn trầm trọng (chiếm tỷ trọng gần 97% trong tổng số lao động thiếu việc làm chung).
Mặc dù, sự chuyển dịch cơ cấu lao động đã có tín hiệu tích cực nhưng chưa theo kịp tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và việc phân phối, sử dụng lao động trong các khu vực kinh tế mất cân đối. Cụ thể, ở khu vực ngoài nhà nước sử dụng (trên 87%) lao động xã hội, nhưng đại bộ phận làm việc ở hộ cá thể, sản xuất nhỏ phân tán, phi chính thức với trình độ công nghệ, phương thức sản xuất lạc hậu, năng suất lao động thấp.
Kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ việc làm không bền vững chiếm tỷ lệ 2/3 hoặc 3/4. Tình trạng việc làm khu vực phi chính thức (chiếm tỷ lệ 70% trong tổng số việc làm) nhưng không được hưởng chính sách an sinh xã hội, luôn đối mặt với việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, ít được bảo vệ. Đó là cái vòng luẩn quẩn trong bức tranh chung của thị trường lao động Việt Nam: chất lượng lao động thấp dẫn đến lương thấp, năng suất lao động thấp và cuối cùng cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Xóa bỏ rào cản hành chính
Mặc dù cơ chế và chính sách tiền lương đã đổi mới và nhiều lần điều chỉnh theo định hướng thị trường, nhưng mức lương tối thiểu và cơ bản mới chỉ đáp ứng 60%-65% nhu cầu cơ bản của người lao động (thấp hơn mức lương trả trên thị trường, gần với ngưỡng nghèo). Nhìn chung, hệ thống thang bảng lương hiện hành rườm rà, phức tạp và chưa theo kịp sự phát triển của thị trường sức lao động.
Nhiều ý kiến cho rằng muốn phát triển thị trường lao động bền vững trong 10 năm tới thì phải có quan điểm, định hướng đúng và quan tâm giải quyết những tồn tại, bất ổn của nó.
Ông Trần Văn Thiện, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực (ĐH Kinh tế) đặt vấn đề: nếu coi sức lao động là hàng hóa đặc biệt, nhà nước không nên can thiệp sâu, để nó tự vận hành, đáp ứng yêu cầu hội nhập thị trường lao động quốc tế.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng hiện có rất nhiều rào cản về hành chính đang cản trở sự phát triển, lưu thông của thị trường lao động. Vì thế, việc xóa bỏ các rào cản hành chính, phân khúc thị trường lao động cần được xem xét và hướng tới giảm dần sự can thiệp của nhà nước.
Ở vai trò quản lý, điều tiết thị trường lao động, Nhà nước cần đầu tư thích đáng vào phát triển cơ sở hạ tầng của thị trường lao động (cập nhật thông tin, tư vấn giới thiệu việc làm, kết nối cung cầu về lao động…); phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của xã hội thông qua giáo dục, đào tạo nghề nghiệp; hỗ trợ lao động yếu thế tham gia vào thị trường lao động.
Khi đã tạo được sân chơi bình đẳng cho người lao động trong thị trường lao động, chúng ta sẽ giải được bài toán nhân lực: giá nhân công cao, việc làm ổn định, năng suất lao động tăng, kinh tế phát triển bền vững.
Bà Lin Lean Lim, chuyên gia cao cấp của ILO: Việt Nam có tỷ lệ lao động thất nghiệp thấp và đang ở thời kỳ dân số vàng. Đó là lợi thế vì Việt Nam không phải đối mặt với tình trạng dân số già, khan hiếm lao động trẻ. Nhờ vậy, Chính phủ Việt Nam sẽ tiết kiệm được nguồn chi để đầu tư phát triển thị trường lao động. Tuy nhiên, Việt Nam đang đứng trước thách thức phải chuyển đổi cơ cấu lao động-từ thâm dụng (sử dụng nhiều lao động phổ thông, tay nghề thấp) sang lao động tinh có kỹ năng, tay nghề kỹ thuật cao.
Để phát triển thị trường lao động theo hướng năng động, tạo nhiều cơ hội việc làm bền vững, thu nhập ổn định thì Việt Nam phải thay đổi cơ chế quản lý hộ khẩu, hỗ trợ lao động nhập cư hưởng đầy đủ các quyền lợi theo qui định của luật pháp; quan tâm phát triển kinh tế ở các vùng miền nghèo khó, khu vực nông thôn để cân bằng lực lượng lao động, tạo ra sự bình đẳng về việc làm, thu nhập.
Theo Tuyendung