Chuyên nghiệp và đồng lòng

So với vài năm trước, các DN Việt Nam đã có nhận thức tốt hơn về việc xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn có chưa có nhiều thương hiệu mạnh có thể trở thành thương hiệu quốc gia.

Yếu thương hiệu DN
Có thể nói, đối với các DN Việt Nam, khi bước chân vào thị trường, đa số đều lấy chất lượng để làm bệ phóng. Đây là một cách làm rất sáng suốt, vì trước nay người tiêu dùng Việt Nam luôn lấy yếu tố chất lượng để quyết định mua hàng.
Tuy nhiên, khi Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu vào thị trường thế giới, người tiêu dùng Việt Nam đã trở nên giống người tiêu dùng của thế giới hơn, thay vì chỉ quan tâm đến chất lượng, dịch vụ của sản phẩm, họ còn bị kích thích mua sắm bởi các yếu tố như bao bì, hình thức logo, tần suất quảng cáo sản phẩm trên các phương tiện truyền thông…
So với 5 năm trước đây, DN Việt Nam đã có những thay đổi lớn khi nhận thức về tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển hệ thống nhận diện thương hiệu. Hiện nay, một số DN đã có hợp tác với Công ty Richard Moore Associtates để xây dựng thương hiệu, như VietinBank, Vinasoy…
Điều này cho thấy họ có nhận thức rất tốt về mức độ quan trọng của việc xây dựng thương hiệu. Từ nhận thức đó, các đơn vị này đã lên kế hoạch xây dựng và phát triển thương hiệu trong một thời gian dài để giúp thương hiệu của họ đứng vững trên thương trường. Song, số lượng DN chịu đầu tư bài bản vẫn còn rất ít.
Nhiều DN Việt Nam vẫn quan niệm, việc xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu để tạo ra một diện mạo thống nhất sẽ mất rất nhiều chi phí, thậm chí lãng phí, nhất là trong bối cảnh đang phải đối mặt với quá nhiều khó khăn như chi phí đầu vào tăng, đầu ra khó khăn, lãi suất, thuế, phí cao.
Trên thực tế, chi phí đầu tư một hệ thống nhận diện thương hiệu bài bản cũng khá tốn kém và cần có sự kiên trì, nhưng cái lợi sẽ gấp nhiều lần vì khi người tiêu dùng hiểu và tin vào thương hiệu sẽ đẩy mạnh hiệu quả bán hàng của công ty. Đồng thời, nếu xây dựng được một thương hiệu thống nhất, chi phí dành cho hoạt động quảng bá thương hiệu sẽ thấp hơn so với việc liên tục thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu.
Hiện nay, một số DNNVV của Việt Nam cũng chú trọng và đầu tư cho việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu. Tuy nhiên, do thiếu sự hỗ trợ từ các nhà tư vấn thương hiệu chuyên nghiệp, các DN này khó lòng tạo ra những điểm nhấn, độc đáo và thường bị trùng với các ý tưởng đã được thực hiện của một số đơn vị khác, gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với hoạt động bán hàng của DN.

Thiếu thương hiệu quốc gia
Thời gian qua, nhiều thương hiệu mạnh từ nước ngoài đã du nhập Việt Nam và triển khai rầm rộ các hoạt động quảng bá bộ nhận diện thương hiệu. Trước sức ép cạnh tranh giữ thị phần, các DN trong nước đang nỗ lực không ngừng để xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng để không bị loại khỏi cuộc chơi.
Đồng thời, ngoài việc để DN tự xây dựng thương hiệu, Việt Nam cũng đã triển khai phát triển thương hiệu quốc gia để cạnh tranh tại thị trường trong nước và tạo dựng hình ảnh Việt Nam trên thị trường thế giới. Tiêu chí để đánh giá, bình chọn thương hiệu quốc gia được đưa ra là chất lượng, đổi mới và sáng tạo, năng lực lãnh đạo.
Tuy nhiên, điều cốt yếu quan trọng để hình thành một thương hiệu quốc gia lại chưa được nhắc đến là kế hoạch phát triển dài hạn của các DN sau khi đã thỏa mãn các yếu tố trên. Thiếu yếu tố này, các DN cũng khó khẳng định được vị thế tại thị trường trong nước thì sao có thể bàn đến chuyện vươn ra thế giới.
Song song những yếu tố trên, thương hiệu quốc gia muốn cất cánh phải có sự hỗ trợ phù hợp từ Chính phủ. Cụ thể, nếu muốn có các thương hiệu quốc gia, Chính phủ cần chọn ra những DN hạt giống để triển khai các chương trình hỗ trợ giảm thuế, ưu đãi cho DN trong quá trình sản xuất, kinh doanh để họ có điều kiện xây dựng hình ảnh đại diện cho cả quốc gia.
Hiện nhiều nước trên thế giới đã xây dựng được thương hiệu quốc gia tiếng tăm như Đức nổi tiếng với xe hơi, Pháp với nước hoa, Italia với thời trang… Để có được thương hiệu quốc gia, các nước này đã mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm để tạo dựng hình ảnh trên thị trường toàn cầu.
So với thế giới, Việt Nam đã đi quá trễ trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia, nên việc chọn hình ảnh quốc gia cũng khá khó khăn. Thế nhưng, Việt Nam có thế mạnh về du lịch và nền văn hóa độc đáo. Đây là mảng có thể khai thác để xây dựng thương hiệu quốc gia rất tốt.
Tuy nhiên, rào cản hiện nay là dịch vụ trong ngành du lịch chưa cao và còn thiếu chuyên nghiệp. Vì vậy, muốn xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch, Việt Nam phải nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm và giảm giá các tour du lịch để có thể cạnh tranh với các quốc gia khác.

Theo Richard Moore