Nhiều doanh nghiệp tuy đã chuẩn bị rất kỹ cho những hoạt động marketing du kích của mình nhưng những phản hồi và kết quả thu được lại hoàn toàn trái ngược với những gì họ mong đợi.
Pozzle
Rich Tu, 1 công dân của thành phố New York, đã học được bài học trên sau 24 tiếng trong trại giam do những nỗ lực lôi kéo sự chú ý của xã hội vào đêm khuya. Rich Tu chính là nhà đồng sáng lập nên Pozzle, công ty chuyên cung cấp các ứng dụng phục vụ việc quản lý sự kiện.
Vào tháng 11, Tu cảm thấy hài lòng khi đã đạt được một vài cột mốc kinh doanh, do vậy anh đã quyết định “trát đầy” thành phố New York với 1000 tấm nhãn có in logo của công ty.
“Tôi có cảm giác phấn khích vì kết quả kinh doanh, do đó tôi nghĩ: ‘Hãy làm điều gì đó điên rồ’”. Tu đã kể lại với tờ BusinessNewsDaily như vậy.
Tu cùng Charles Jamerlan, một nhà đồng sáng lập khác của Pozzle đã gắn hơn 500 tấm nhãn khắp thành phố và cuối cùng phải kết thúc chiến dịch marketing du kích ngẫu hứng của mình vào khoảng 2 giờ sáng, khi một sự kiện bất ngờ xảy đến..
Tu nói: “Một viên cảnh sát bất thình lình xuất hiện và bắt giữ chúng tôi ngay tại chỗ
Tu đã phải ngồi trong nhà tù của thành phố New York suốt 24 tiếng tiếp theo, cùng phòng với một tay cướp có vũ trang và một người cầm đầu phong trào chiếm phố Wall. Cuối cùng anh ta cũng được thả và phải chấp nhận 21 giờ lao động công ích.
“Nếu trong cái rủi có cái may, thì đó chính là việc tôi thực sự tận hưởng những giờ lao động phục vụ xã hội nhiều hơn tôi nghĩ” Anh nói. Và đương nhiên, Tu cũng sử dụng câu chuyện mình bị bắt giữ nhằm thúc đẩy công việc kinh doanh của mình.
Tu không hề hối tiếc vì hành động của mình và nói rằng công ty đã thực sự “cất cánh” kể từ sau cái đêm tháng 11 đó. Pozzle đã tăng gấp 3 lượng người sử dụng và mới ký kết hợp đồng đối tác với một công ty quản lý sự kiện cỡ lớn.
“Tôi nghĩ rằng mọi người cảm thấy hứng thú với câu chuyện của tôi và điều đó đã thúc đẩy công việc kinh doanh” Tu đã nói như vậy về chiến dịch marketing “dán nhãn” không may mắn của mình
Năm này qua năm khác, rất nhiều các công ty khác nhau đã gặp phải những vấn đề rắc rối sau khi tiến hành những hoạt động marketing được chuẩn bị kỹ của mình. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào tuy gặp thất bại trong chiến dịch marketing du kích đề ra nhưng lại thu về được những hiệu ứng tích cực ngoài sức tưởng tượng như trường hợp Pozzle. Dưới đây là những sai lầm marketing du kích kinh điển nhưng cũng không kém phần hài hước.
Cartoon Network
Kể từ sau sự kiện ngày 11 tháng 9 tại Mỹ, mọi sự cảnh giác đều được tăng cường ở mức cao và việc đặt những thiết bị điện tử kỳ lạ tại các góc phố hay những cây cầu trên khắp đất nước có vẻ không phải là một ý tưởng thông minh, như điều mà Cartoon Network đã học được năm 2007.
Kênh giải trí hoạt hình khổng lồ này đã xếp hàng tá những thiết bị điện tử nhấp nháy trên 10 thành phố khác nhau như là 1 phần của chiến dịch marketing du kích để quảng bá cho bộ phim hoạt hình Aqua Teen Hunger Force. Tuy nhiên chiến dịch đã bị thất bại nặng nề ở Boston khi những cư dân ở đây thấy lo lắng và đã gọi cho cảnh sát vì họ nghĩ những thiết bị này…sắp phát nổ. Vụ việc đã lan toả thành một nỗi sợ hãi khủng bố rộng khắp, các cảnh sát đươợ điều đến từ bộ phận giải phá bom và đã phải dừng hoạt động tất cả các cây cầu tại Boston.
Cuối cùng, phụ trách trưởng của kênh Cartoon Network đã bị mất việc cũng như công ty mẹ của kênh hoạt hình này, Turner Broadcasting đã phải mất 2 triệu USD tiền bồi thường cho sự ứng phó khẩn cấp tại Boston.
Snapple Popsicle
To lớn hơn không phải bao giờ cũng tốt hơn, điều đó được Snapple minh chứng rõ ràng vào năm 2005 khi công ty này cố gắng tạo dựng chiếc kem que lớn nhất thế giới tại quảng trường New York Time.
Hành động quảng cáo này đã có thể phát huy tác dụng nếu như Snapple không cố gắng dựng nên 1 que kem cao 25 foot, làm từ nước quả đông lạnh của Snapple, nặng tới 17,5 tấn và quan trọng là được làm ra ngay trong những ngày oi ả của tháng 6. Hệ thống làm lạnh không hoạt động hiệu quả và khối nước hoa quả trở nên tan chảy, làm ngập nguyên 1 phần của trung tâm Manhattan với mùi hương của kiwi và dâu tây.
Lính cứu hoả đã được điều động tới để chặn các phố và xử lý đống lộn xộn bên trong.
Misson Impossilbe
Vào năm 2006, hãng Paramount Pictures phát hiện ra rằng sẽ không có lợi khi “dính vào” những tờ báo thường ngày của mọi người. Trong 1 chiến dịch nhằm quảng bá phim “điệp vụ bất khả thi phần 3”, hãng phim này đã đặt những thiết bị phát nhạc màu đỏ vào 4500 hộp đựng báo của tờ L.A Times.
Khi mở những chiếc hộp báo này, thiết bị sẽ phát ra bài nhạc nền trong serie phim “điệp vụ bất khả thi” nhưng cảm nhận của người đọc thì lại hoàn toàn trái với dự đoán. Chiến dịch này đã phản tác dụng (gần tương tự với trường hợp Cartoon Network) khi các khách hàng nhìn thấy thiết bị và cảnh giác rằng: Có bom trong hộp ! Ngay lập tức, đội giải phá bom Santa Clarita được gọi tới.
“Đây là kết quả không ai mong đợi” John O’Loughlin, phó chủ tịch tờ L.A Times, người phụ trách kế hoạch đó cho biết “Chúng tôi không nghĩ rằng hậu quả nghiêm trọng tới mức này”
Heart Attack Grill
Heart Attack Grill, một nhà hàng tại Las Vegas đã chối bỏ về kế hoạch marketing thất bại của mình, rằng đó không phải là hoạt động nhằm mục đích quảng cáo. Nhưng phần lớn công chúng lại nghĩ vậy.
Nhà hàng này đã có 1 chương trình đó là những thực khách khi chọn menu có món bánh mỳ kẹp “Bypass”, đồ rán “Flatliner” cũng như sữa lắc thì sẽ phải mặc những chiếc áo choàng phẫu thuật. Mục đích của hoạt động này nhằm giúp các khách hàng nhận thức những thông điệp về tác hại của những đồ ăn nhiều mỡ và ngọt tới bệnh tim.
Vào đầu tháng 3 năm 2012, một khách hàng đột nhiên lên cơn đau tim trong khi ăn món “Triple Bypass Burger” của nhà hàng, các nhân viên y tế địa phương được gọi tới trợ giúp. Tuy nhiên các khách hàng chứng kiến trực tiếp sự việc bất ngờ đó lại nghĩ rằng toàn bộ chỉ là một màn kịch vụng về.
Ông chủ nhà hàng, Jon Basso buộc phải đứng ra bảo vệ nhà hàng trước những cáo buộc rằng sự việc bất ngờ trên thực chất được dàn dựng nhằm thu hút công chúng và khách hàng mới.
“Đó không phải trò đùa” Basso đã nói với hiệp hội báo chí như vậy “Chúng tôi không bao giờ dựng lên 1 trò quảng cáo như thế”. Nhưng tội nghiệp cho Basso là chẳng có ai tin ông ta cả.
Marketing du kích là khái niệm và thuật ngữ được khai sinh bởi Jay Conrad Levinson, tác giả của loạt sách best-seller Guerrila marketing. Trong khái niệm marketing du kích, các hoạt động cần bất ngờ, không theo thông lệ nào, mang tính tương tác cao, và người tiêu dùng cần được tiếp cận ở những vị trí thật bất ngờ. Mục tiêu của marketing du kích là tạo ra một ý tưởng độc đáo, lôi cuốn và khiêu khích sự tò mò của người khác nhằm tạo ra tiếng vang và dự luận xì xào. Vì vậy, đó là hệ thống các hoạt động tiếp thị được gợi ý dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thương trường, sử dụng ngân sách tiếp thị vừa phải mà vẫn đánh trúng mục tiêu và mang hiệu quả cao, thay vì chi dùng ngân sách tiếp thị khổng lồ như những công ty đa quốc gia thường làm.
Theo strategy