Trong khi một số DN xi măng trong ngành được các tập đoàn quốc tế để mắt và thương thảo mua lại, thì nhìn chung toàn ngành, nguy cơ các nhà máy xi măng bị khánh kiệt tài chính, phá sản hàng loạt đang rất gần.
Xi măng lại là loại hàng hóa không thể lưu kho nhiều với yêu cầu bảo quản, chống ẩm ướt cao nên không thể sản xuất sẵn theo năng lực máy móc rồi dự trữ. Chi phí đảo kho thủ công rất tốn kém.
Công suất thấp
Vì vậy, vấn đề không phải tồn kho bao nhiêu mà là vấn đề các nhà máy hiện đang khai thác công suất như thế nào. Hiện nay, toàn ngành đang chạy với công suất rất thấp, chỉ khoảng 65% so với mức bình thường của các nước khác là trên 85%. Tổng xi măng tiêu thụ năm 2012 dự kiến chỉ khoảng 45 triệu tấn (giảm 9% so với 2011) trong khi tổng công suất hiện vào khoảng 73 triệu tấn, bao gồm cả 8 nhà máy mới dự kiến có thể đi vào hoạt động năm 2012.
Mặc dù có nhiều nhà máy xi măng đang hoạt động với công suất cao, thậm chí vượt 100% như Xi măng Thăng Long, Xi măng Sông Gianh nhưng trên bình diện chung nếu toàn ngành hoạt động với công suất này sẽ không thể có lãi do chi phí cố định bao gồm khấu hao, lãi vay, chi phí quản lý sẽ là quá lớn tính trên 1 tấn xi măng sản xuất.
Tốc độ tăng giá bán không đủ bù chi phí
Mặc dù là nước đang phát triển với nhu cầu xây dựng dân dụng và công nghiệp lớn, tăng trưởng Cầu về xi măng thuộc nhóm đứng đầu thế giới (sau Trung Quốc, UAE) với tỉ lệ tang trưởng luôn trên 10% từ 2000 – 2010. Tuy nhiên, nghịch lý là giá bán xi măng trên thị trường VN lại thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới.
Cả hai vấn đề khai thác không hết công suất, không thể tăng giá bán đều xuất phát từ một nguyên nhân chủ đạo đó là tình trạng dư thừa công suất, hệ quả của việc quy hoạch không chính xác đã để ngành xi măng phát triển quá nóng trong một thời gian ngắn (từ 2006 – 2010). Từ việc luôn thiếu hụt xi măng phải nhập khẩu clinker để sản xuất xi măng, từ 2010 VN đã bắt đầu xuất khẩu (clinker) và đến 2012 trở thành Top 10 quốc gia xuất khẩu (Clinker) do tình trạng thừa công suất. Cần biết rằng xuất khẩu clinker chỉ là giải pháp tình thế khi giá xuất khẩu thấp và năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực logistic của VN rất thấp.
Dưới áp lực trả nợ vay đầu tư, đầu năm 2012 đã xuất hiện hiện tượng bán phá giá để giải phóng nhanh tồn kho.
Chỉ trong vòng 5 năm, năng lực sản xuất xi măng tại VN đã tăng gấp đôi. Sức sản xuất tăng quá nhanh nhưng thiếu định hướng, tập trung dẫn đến phát triển manh mún, cạnh tranh hỗn loạn hoàn toàn không có người điều tiết. Nhiều Cty xi măng mới, nhất là các Cty nhỏ, khi hoàn thành việc xây dựng đi vào sản xuất đã vấp ngay rào cản về thương hiệu cộng với việc thiếu kinh nghiệm trong việc thâm nhập thị trường, sức mua thấp do khủng hoảng,… đã phải đua nhau giảm giá bán để duy trì hoạt động của nhà máy, có doanh thu để trả nợ. Dưới áp lực trả nợ vay đầu tư, đầu năm 2012 đã xuất hiện hiện tượng bán phá giá để giải phóng nhanh tồn kho. Giá bán dưới kinh phí tối thiểu sản xuất chưa kể các chi phí quản lý, bán hàng, CP hoạt động khác, lãi vay và khấu hao tài sản,… khiến việc lỗ dài hạn của DN xi măng trở thành hiển nhiên.
Gánh nặng lãi vay
Ngành công nghiệp xi măng đã từng có rất nhiều điều kiện và lợi thế để đẩy mạnh phát triển. Hàng loạt nhà máy xi măng đã ra đời (giai đoạn từ 2006 – 2010) do tiếp cận được nguồn vốn vay rẻ và tương đối dễ dàng từ trong và ngoài nước. Điều này dẫn tới việc lạm dụng đòn bẩy tài chính trong các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng. Riêng 22 DN xi măng đại chúng cuối 2011 có hệ số Vốn vay/Vốn Chủ sở hữu ở mức 3,2x (2010: 2,9x). Trong đó có nhiều nhà máy có mức độ đòn bẩy cao như Xi măng Lạng Sơn (6,6 lần), Hà Tiên 1 (5 lần), Bỉm Sơn (4,2x) và Bút Sơn (3,3x). Một số nhà máy xi măng khác như Xi măng Cẩm phả, Xi măng Thăng Long có hệ số đòn bẩy tài chính trên 10 lần. Ngoài ra, tính đến 3/2012, theo báo cáo về các dự án xi măng 7 tháng năm 2011 của Bộ Xây dựng, trong số 16 dự án xi măng được Chính phủ bảo lãnh, có 4 dự án đang gặp khó khăn về trả nợ. Bộ Tài chính phải trả nợ thay. Đến nay có 16 dự án đầu tư nhà máy xi măng và trạm xi măng được Chính phủ bảo lãnh vốn đầu tư, trong đó 15 dự án bảo lãnh qua Bộ Tài chính và một dự án bảo lãnh qua NHNN.
Thực tế hiện tại hàng loạt nhà máy đang bên bờ vực phá sản. 5 nhà máy xi măng Đồng Bành, Hạ Long, Thái Nguyên, Tam Điệp và Hoàng Mai đều đang trong tình trạng vỡ nợ với các khoản vay nước ngoài. Riêng xi măng Đồng Bành (vốn được kỳ vọng sẽ là cánh chim đầu đàn trong các DN xi măng Nhà nước) đã nợ tới 45 triệu USD từ các ngân hàng nước ngoài như ANZ, Fortis Banque France SA và Bangkok Bank, trong đó Chính phủ mới chỉ trả được thay 3,5 triệu USD.
DN xi măng làm gì khi đối mặt với các vấn đề này? Xin theo dõi kỳ tiếp theo: “Làm gì để tránh phá sản”.
Theo Nguyễn Quang Thuân