Ngoài việc cạnh tranh để có những sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng, nhiều doanh nghiệp lữ hành Việt Nam đang tiếp tục phải đối mặt với tình trạng nhái, ăn cắp thương hiệu du lịch.
Lách luật – “nhái” vô tư
Theo các doanh nghiệp lữ hành, tình trạng chồng chéo khi đăng ký tên thương hiệu là do Luật Doanh nghiệp của ta còn nhiều kẽ hở, quá lỏng lẻo để có thể dựa vào mà lách luật. Chính điều đó khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành ra đời sau, chỉ cần làm động tác “ăn theo” như thay đổi một từ của tên, tên miền hay thêm địa danh vào thương hiệu mà những công ty lữ hành bao năm gây dựng trước đó, để “xào nấu” và cho ra đời tên thương hiệu của riêng mình.
Ông Nguyễn Văn Mỹ – Giám đốc Cty TNHH Dã ngoại Lửa Việt cho rằng, sẽ không có ngành nghề nào mà nạn ăn cắp thương hiệu lại tung hoành như du lịch Việt Nam. Bản thân ông Nguyễn Văn Mỹ cũng gặp câu chuyện tương tự khi một doanh nghiệp lữ hành tại Nam Định cạnh tranh bằng cách lấy tên là Cty TNHH Hành trình Lửa Việt và được Sở Kế hoạch và Đầu tư Nam Định cấp giấy phép kinh doanh. Rõ ràng, điều này không chỉ khiến cho nhiều khách hàng nhẫm lẫn, gây tổn hại về mặt vật chất, mà làm cho uy tín của những thương hiệu “gốc” điêu đứng không ít.
Bà Hoa Lệ – Tổng giám đốc Cty CP Du lịch Hòa Bình – cho biết, công ty lữ hành của bà có thâm niên hoạt động và khẳng định được tên thương hiệu tương đối tốt trong lĩnh vực kinh doanh du lịch. Tuy nhiên, việc bị nhái thương hiệu từ một nhân viên cũ tách ra thành lập công ty riêng và lấy tên Cty Du lịch Hòa Bình TP.HCM khiến Cty CP Du lịch Hòa Bình của bà Hoa Lệ mất nhiều khách hàng thân quen.
“Nhiều đối tác làm ăn của chúng tôi lại nhầm lẫn rằng, đây là một trong những công ty “con” trực thuộc công ty “mẹ” là Cty CP Du lịch Hòa Bình. Đấy là chưa kể, công ty mới thành lập kia còn thiết kế gần như y nguyên từ logo, trang web quảng cáo thậm chí đến việc xây dựng đúng lịch trình tour, chương trình khuyến mãi cho từng mùa để chào mời, thu hút khách về bên họ…” – bà Hoa Lệ nói.
Hiện nhiều doanh nghiệp lữ hành nhìn nhận, rất khó làm đơn khiếu nại bởi hầu hết các công ty “nhái” thương hiệu trên đều có giấy phép đăng ký kinh doanh đàng hoàng, thậm chí còn dọa kiện ngược lại các thương hiệu “gốc”.
Cần sớm “bảo hộ” thương hiệu
Việc Luật Doanh nghiệp và Luật Du lịch Việt Nam còn nhập nhằng khiến đa số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch tỏ rõ sự lo ngại. Lo ngại đầu tiên, theo ông Nguyễn Văn Mỹ, doanh nghiệp lữ hành ra đời trước đây chỉ được bảo hộ tên thương hiệu đầy đủ chứ không được bảo vệ tên riêng. Theo đó, Luật Du lịch quy định đăng ký hoạt động lữ hành nhưng không bắt doanh nghiệp chứng minh bằng cấp, năm kinh nghiệm…, dẫn đến các công ty du lịch có quy mô nhỏ không có năng lực về vốn, về chuyên môn vẫn được cấp phép hoạt động như thường.
Rất nhiều doanh nghiệp lữ hành cùng đồng tình đối với kiến nghị: Việc hướng dẫn đăng ký bảo hộ tên riêng của doanh nghiệp theo Luật DN (điều 17, Nghị định 43) cho những trường hợp trùng tên, gây nhầm lẫn bao gồm cả khác loại hình và địa danh, cần phải làm chi tiết và rõ ràng hơn.
Ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam – cũng bày tỏ quan điểm, nhằm giúp các doanh nghiệp chân chính yên tâm hoạt động trong lĩnh vực du lịch, đồng thời giúp Nhà nước quản lý tốt vấn đề này, nên xem đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ phối hợp cùng đại diện của các doanh nghiệp kiến nghị lên cơ quan chức năng có thẩm quyền để hoàn thiện những mặt còn “hạn chế” về điều luật cũng như điều chỉnh hình thức, quy định xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm trong mọi hoạt động kinh doanh du lịch v.v…
Theo marketingchienluoc