Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển, hàng hóa dư thừa khiến cuộc chiến tranh giành thị phần trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Làm thế nào để thành công trong cuộc chiến khốc liệt này?
GS Hidehiko Sekizawa
Giáo sư kinh tế nổi tiếng người Nhật Hidehiko Sekizawa chia sẻ bí quyết trong bài viết dưới đây.
Giáo sư Hidehiko Sekizawa hiện giảng dạy tại trường Đại học Kinh tế Tokyo, đồng thời làm việc cho tập đoàn quảng cáo lâu đời bậc nhất Nhật Bản Hakuhodo Inc. trong vai trò chuyên gia phân tích kiêm cố vấn cao cấp.
Theo Giáo sư Sekizawa, trong thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI, mọi cơ hội kinh doanh sẽ xoay quanh bí quyết 5E: Economy (thị trường); Ecology (sinh thái); E-life (công nghệ thông tin); Elder (khách hàng cao tuổi); và Entertainment (giải trí).
Economy – thị trường
DN chỉ có thể thành công khi đánh trúng tâm lý khách hàng và mang đến cho họ chính xác điều họ muốn
“Thị trường” hay chính là thế hệ những người tiêu dùng mới thông thái, những người có xu hướng coi mua sắm như một thú vui, và hơn thế là một niềm đam mê lớn trong đời.
Có thể kể ra đây ví dụ về hãng thời trang Uniqlo với câu chuyện khảo sát thị trường của họ. Hiện Uniqlo cùng với Zara và H&M là những thương hiệu thời trang nổi tiếng nhất thế giới. Vào đầu mỗi mùa thời trang, Uniqlo cử quan sát viên tới nhiều địa điểm khác nhau, từ các sàn diễn thời trang lớn tới những góc phố nơi giới trẻ tụ hội để ghi nhận những xu hướng thời trang mới cho năm tiếp theo. Sau đó, những ý tưởng triển vọng tiếp tục được các nhà thiết kế của hãng phát triển với sự trợ giúp từ các phần mềm chuyên dụng. Những mẫu thiết kế tốt được chuyển đến dây chuyền sản xuất, và thế là Uniqlo đã sẵn sàng với một bộ sưu tập mới cho mùa thời trang kế tiếp.
Bài học rút ra từ trường hợp của Uniqlo là trong bối cảnh thị trường dư thừa như hiện nay, doanh nghiệp chỉ có thể thành công khi đánh trúng tâm lý khách hàng và mang đến cho họ chính xác điều họ muốn.
Ecology – sinh thái
Khi doanh nghiệp tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, các vấn đề liên quan đến môi trường càng cần phải được cân nhắc cẩn trọng.
Ví dụ, trong ngày công nghiệp ô tô, một xu hướng mới được ghi nhận là ngày càng nhiều khách hàng quan tâm đến các sản phẩm ô tô sử dụng năng lượng điện. Sản phẩm kèm theo dòng ô tô này dĩ nhiên là pin sạc lithium. Nhu cầu gia tăng sẽ kích thích các công ty đầu tư nghiên cứu vào lĩnh vực pin sạc, và người ta hoàn toàn có thể nghĩ đến một tương lai không xa với những đường phố gắn đầy ổ sạc điện.
Mặc dù trên đây là câu chuyện có phần xa xôi của ngành công nghiệp ô tô, nhưng bài học cần rút ra là hai cụm từ “môi trường” và “phát triển bền vững” đang ngày càng chứng tỏ tầm quan trọng của mình. Trong lĩnh vực kinh doanh của bạn, hãy để ý tìm kiếm những cơ hội hoặc cảnh giác những nguy cơ đi cùng với sự xuất hiện của các dòng sản phẩm liên quan sinh thái.
E-life – công nghệ thông tin
Chữ E thứ ba ám chỉ đời sống ảo sôi động đang diễn ra từng ngày từng giờ trên mạng internet. Mạng toàn cầu đã và đang chứng tỏ nó sẽ là tương lai của thế giới tiêu dùng.
Một khía cạnh đáng chú ý khác của công nghệ thông tin trong kinh doanh là trào lưu mua sắm qua mạng. Tại Nhật Bản, doanh số bán hàng ảo được dự đoán sẽ nhanh chóng vượt qua doanh số bán hàng của tất cả các cửa hàng bách hóa lớn cộng lại. Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận tại Đài Loan. Tuy nhiên, xu hướng này đòi hỏi đi kèm với nó phải có một hệ thống phân phối và chuyển phát tương đối hoàn thiện.
Elder – người cao tuổi
“Người cao tuổi” hay các cơ hội kinh doanh từ đối tượng khách hàng này.
Nhóm khách hàng người cao tuổi vẫn thường không được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên tại những quốc gia có dân số già như Nhật Bản, nhóm khách hàng này đóng góp một thị phần lớn. Điều đó không có nghĩa là những quốc gia có dân số trẻ hơn chưa cần phải quan tâm đến nhóm khách hàng này.
Những sản phẩm như thực phẩm chức năng, kem làm chậm quá trình lão hóa, thậm chí đồ uống bổ dưỡng và sữa chua đều có tiềm năng khai thác lớn và đều được đối tượng khách hàng cao tuổi tiêu thụ mạnh. Hơn thế, một bộ phận ngày càng lớn người già khỏe mạnh đang tìm đến các dịch vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, mang lại những cơ hội kinh doanh không thể coi thường cho ngành dịch vụ này.
Entertainment – giải trí
Thực chất của chữ E thứ năm này là nhu cầu được thư giãn và cất tiếng cười của người dân. Bởi thế, những ngành kinh doanh như đồ uống, thực phẩm, nội thất, v.v… cần phải chú ý đến yếu tố thư giãn khi sản xuất và quảng bá sản phẩm của mình.
Theo doanhnhan.net