Ông William Hamilton-Whyte, Tổng giám đốc Nokia Đông Dương nhìn nhận, giai đoạn chuyển đổi hiện nay đem lại nhiều thách thức đối với Nokia, tuy nhiên, cam kết tại thị trường Việt Nam của hãng này không hề thay đổi.
– Thưa ông, lý do nào khiến cho Nokia thua lỗ đến 520,5 triệu USD chỉ tính riêng trong quý II/2011 dù doanh thu đạt 13,2 tỷ USD?
Nokia đang trong giai đoạn chuyển đổi. Năm nay rõ ràng là một năm thử thách với công ty, tuy nhiên sự chuyển đổi này là cần thiết để chuẩn bị những nền tảng cho một Nokia vững mạnh hơn.
– Trong chiến lược kinh doanh tới đây, Nokia xác định sẽ phát triển các phân khúc thị trường thế nào, nhất là khi vị trí dẫn đầu dòng sản phẩm smartphone đã để mất vào tay Apple, thưa ông?
Như chúng tôi đã công bố vào ngày 11/02/2011, chiến lược chung xuyên suốt của Nokia là tạo ra các sản phẩm điện thoại di động tuyệt vời cho người sử dụng (Great Mobile Products) cho nhiều phân khúc tiêu dùng khác nhau.
Nokia cam kết mang đến một danh mục đầu tư điện thoại thông minh mạnh mẽ qua việc tung ra điện thoại thông minh Nokia đầu tiên chạy trên hệ điều hành Windows Phone trong năm nay. Bên cạnh đó là tiếp tục hỗ trợ phần mềm cho Symbian cho đến năm 2016. Phiên bản cập nhật mới nhất của Symbian, Symbian Anna, mang đến cho người tiêu dùng một giao diện hoàn toàn mới, cải tiến trình duyệt, cải tiến ứng dụng bản đồ và bảo mật cao hơn.
– Nokia hoạch định gì cho phân khúc điện thoại di động kế tiếp?
Nokia sẽ kết nối tỷ người kế tiếp với Internet thông qua việc cải tiến danh mục sản phẩm và dịch vụ. Chẳng hạn gần đây chúng tôi đã giới thiệu tại Nokia Connection điện thoại Nokia Hai sim mới, Nokia C2-03, với cách quản lý SIM khác biệt của, có thể cá nhân hóa lên đến 5 thẻ SIM, C2-03 có khả năng SIM kép độc đáo: người sử dụng có thể cá nhân hóa đến năm thẻ SIM, có thể dễ dàng hoán đổi sim bằng chức năng “Đổi sim tốc hành” – đổi sim mà không cần tháo pin, tắt máy. Giờ đây, việc chuyển đổi thẻ SIM cực kỳ đơn giản và nhanh chóng hơn.
– Nokia từng tạo nên những đột phá bắt đầu từ yếu tố công nghệ. Liệu lúc này, Nokia có một phát kiến gì đủ để củng cố vị trí đang bị đe dọa bởi các đối thủ cạnh tranh không hề kém cạnh?
Nokia đang khám phá công nghệ để mang đến những chiếc điện thoại tốt hơn. Chúng tôi đã kết hợp các yếu tố về kiểu dáng, phát triển phần mềm, cải tiến giao diện cũng như tạo ra một nền tảng cho nhà phát triển để hiểu và xây dựng trải nghiệm di động tốt hơn. Ví dụ như Nokia N9 mà chúng tôi vừa mới công bố là chiếc điện thoại thông minh cảm ứng toàn màn hình, không phím đầu tiên.
Chúng tôi tin chắc rằng ngành viễn thông di động đã chuyển từ một cuộc cạnh tranh giữa các thiết bị di động đến cuộc chạy đua của hệ sinh thái, và các nhà phát triển là chìa khóa để xây dựng một hệ sinh thái phong phú bao gồm các dịch vụ, ứng dụng và công nghệ mà người tiêu dùng muốn và cần. Với nền tảng Qt, chúng tôi sẽ phát triển và đưa các ứng dụng đến tỷ người tiêu dùng tiếp theo. Đối với các nhà phát triển, đây là một cơ hội để mở rộng thị trường và tận dụng kinh nghiệm của họ với nền tảng Qt trong tương lai.
Bên cạnh đó, bộ phận kinh doanh “Location & Commerce” sẽ tận dụng vị trí số 1 của Nokia về NAVTEQ trong các dịch vụ định vị và dữ liệu để mang đến những giải pháp hoàn hảo và khác biệt cho doanh nghiệp và các nhà quảng cáo. Mục đích là để kết hợp phần cứng, phần mềm, dịch vụ và tạo ra các dữ liệu định vị “thông minh” để có thể giúp mọi người nhìn thế giới trên nhiều phương diện và cách thức khác nhau.
– Đối với thị trường Việt Nam, kết quả kinh doanh của Nokia hiện nay như thế nào?
Nokia hiện vẫn dẫn đầu về thị phần, về giá trị. Chúng tôi đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1996 và Nokia đã giúp hàng triệu người ở Việt Nam kết nối với nhau thông qua mạng lưới công nghệ điện thoại di động. Nokia là thương hiệu điện thoại duy nhất nằm trong Top 10 thương hiệu được yêu thích nhất tại Việt Nam do AC Nielsen khảo sát năm 2010.
Về mặt dịch vụ, Việt Nam nằm trong top 3 thị trường có số lượng tải ứng dụng từ Ovi Store nhiều nhất. Ovi Store hiện đã có một số ứng dụng Việt thu hút được khá nhiều lượt tải như Zing Mp3, ColorBox hay Socbay iMedia. Socbay iMedia đã đạt được hơn 1 triệu lượt tải từ Ovi Store. Với sự phát triển của băng thông rộng tại Việt Nam, thị trường ứng dụng hứa hẹn sẽ tạo bùng nổ để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm di động của người tiêu dùng Việt Nam. Nokia cũng sẽ nhanh chóng áp dụng hệ thống thanh toán mua ứng dụng qua nhà mạng tại Việt Nam trong năm nay.
– Hiện nay, có xu hướng các công ty Việt Nam cho ra đời các điện thoại mang thương hiệu Việt cả ở phân khúc máy trung bình, phổ thông và smartphone. Liệu đó có phải là điều đáng lo ngại đối với các hãng sản xuất điện thoại có tên tuổi của thế giới tại thị trường Việt Nam?
Chúng tôi hiểu rằng thị trường điện thoại di động luôn phát triển năng động và cạnh tranh cao. Nokia tin tưởng vào chiến lược của mình và chúng tôi sẽ nỗ lực để thực thi các chiến lược này một cách hiệu quả. Người tiêu dùng sẽ là người quyết định việc chọn lựa sản phẩm có tên tuổi, có chất lượng và đáp ứng nhu cầu trải nghiệm riêng biệt của họ. Tháng 6 năm nay, chúng tôi đã ra mắt tại Singapore chiếc điện thoại thông minh mới nhất Nokia N9 – điện thoại cảm ứng toàn màn hình, không bàn phím độc đáo. Nokia N9 đã tạo cơn sốt vài giờ sau khi trình làng và Việt Nam sẽ là một trong những thị trường chủ đạo cho sản phẩm này. Nokia N9 sẽ sớm có mặt tại Việt Nam trong quí 4 năm nay.
Trong thời gian tới, chúng tôi cũng tiếp tục giới thiệu các dòng sản phẩm dựa trên hệ điều hành Symbian được cải tiến, chẳng hạn như điện thoại Nokia 500-sản phẩm mở rộng danh mục cho thị trường điện thoại thông minh giá hấp dẫn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cao.
– Nokia vừa tuyên bố thay đổi chiến lược trong xây dựng kênh phân phối tại Việt Nam. Điều đó được triển khai như thế nào, thưa ông?
Về hệ thống phân phối, từ đầu năm 2011, chúng tôi đã chuyển đổi thành công từ chiến lược phân phối theo chiều ngang sang phân phối theo chiều dọc; tức là nếu như trước đây, một đối tác phân phối sẽ phân phối sản phẩm của Nokia trên toàn quốc, thì nay sẽ chuyển sang phân phối theo địa lý. Hiện, Nokia có 03 nhà phân phối chính thức, bao gồm FPT phụ trách khu vực từ miền Bắc, PSD phụ trách khu vực miền Trung và Đông Nam Bộ và Lucky phụ trách vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Với chiến lược mới này, chúng tôi đảm bảo được sự tập trung chuyên nghiệp trong việc phát triển, quản lý hệ thống phân phối cũng như tăng tốc độ và chất lượng phục vụ khách hàng.
Ngoài ra, cùng với việc củng cố hệ thống phân phối nòng cốt, chúng tôi cũng tập trung cải tiến kênh bán lẻ, cụ thể như triển khai mô hình Cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm chính hãng Nokia (Nokia Store) và cùng với các cửa hàng bán lẻ có uy tín tốt, tiềm lực kinh tế vững chắc hợp tác triển khai hệ thống “cửa hàng đối tác Nokia” với sự đầu tư trực tiếp đáng kể của Nokia. Mục đích sau cùng nhằm đem đến cho các khách hàng nhiều lợi ích hơn khi mua sản phẩm điện thoại di động Nokia. Cuối tháng 7/2011 vừa qua, chúng tôi đã khai trương “cửa hàng đối tác Nokia” đầu tiên tại TP.HCM. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục gây dựng mô hình này trên phạm vi toàn quốc.
– Nokia nhìn nhận như thế nào về xu hướng nhà sản xuất điện thoại kết hợp với một nhà cung cấp dịch vụ di động tại Việt Nam?
Tại các thị trường khác trên toàn cầu, Nokia đã và đang áp dụng mô hình kinh doanh kết hợp với các nhà khai thác mạng hay cung cấp dịch vụ di động để bán gói điện thoại di động và dịch vụ di động đính kèm (chẳng hạn như chúng tôi hợp tác với mạng Orange tại Pháp). Ở Việt Nam, chúng tôi chưa triển khai áp dụng bán trả góp điện thoại và dịch vụ di động qua nhà mạng, nhưng chúng tôi đã và đang phối hợp với các nhà mạng như Vinaphone và MobiFone theo hình thức kết hợp gói khuyến mãi, gói cước dịch vụ hoặc mua điện thoại tặng kèm sim-card, vốn đang là xu hướng được ưa thích hiện nay tại thị trường này.
– Gần đây có tin Nokia chần chừ trong việc xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại tại Việt Nam do không đạt được những ưu đãi mong muốn từ phía Chính phủ?
Cam kết của Nokia với Việt Nam vẫn không thay đổi và chúng tôi vẫn đang triển khai các hoạt động chuẩn bị cho chương trình theo đúng tiến độ.
– Xin cảm ơn ông!
Theo .doanhnhan360.com