“Khách hàng là thượng đế” câu châm ngôn này rất phổ biến trong các doanh nghiệp, nhưng nó nghĩa là gì và làm thế nào đạt được điều đó trong thực tế?
Điều cốt lõi là doanh nghiệp cần xây dựng một văn hoá hướng về khách hàng , tạo cho khách hàng tận hưởng được một môi trường được phục vụ. Các nhà chuyên môn gọi đó là văn hoá bán hàng.
Những kinh nghiệm cần học từ ngân hàng HSBC
Lý lẽ rất đơn giản. Nếu bạn có thể làm cho mỗi nhân viên biết đánh giá công việc của mình dưới góc nhìn của khách hàng thì việc kinh doanh của bạn sẽ rất hiệu quả và thành công. Điều này nghe có vẻ hiển nhiên nhưng rất khó để đạt được. Thách thức ở đây là làm sao khắc phục được ấn tượng trước đó của khách hàng cũng như làm sao truyền được cảm xúc và sự trân trọng của công ty bạn dành cho khách hàng.
HSBC là một tổ chức dịch vụ tài chính đã đạt được tốc độ tăng trưởng 17% hàng năm kể từ năm 1992. Công ty này trở thành một trong 20 tập đoàn lớn nhất thế giới và kể từ năm 2004 đã phấn đấu để đạt được sự phát triển bền vững, phần lớn nhờ vào việc tập trung vào khách hàng hiện có và tiềm năng công ty (hơn là vào việc sáp nhập hoặc cải thiện quy trình kinh doanh). Thay đổi phương pháp hoạt động của một ngân hàng lớn, truyền thống và lâu đời với hơn 300 ngàn nhân viên ở hơn 80 quốc gia quả là một kỳ công. Những nhân tố chủ yếu làm nên sự thay đổi để đạt đến doanh thu bán hàng tuyệt vời đó là:
– Chủ động quản lý hiệu suất. Chọn người phù hợp và để họ cống hiến hết khả năng, làm cho nhân viên hiểu rằng thành công của doanh nghiệp là nhờ khách hàng. Giúp đỡ mỗi cá nhân để họ khai thác hết tiềm năng của mình; nếu bạn cần phải thay đổi nhân sự cho công việc, thì phải thực hiện ngay.
– Đảm bảo bạn nhận được thông tin quản lý chính xác. Nó sẽ giúp ích cho việc ra quyết định và giúp mọi người biết được những tiêu chí và vấn đề nào họ cần phải tập trung vào.
– Thiết lập một quy trình bán hàng hiệu quả. Điều này sẽ đảm bảo mọi hoạt động cơ bản đã được xem xét, trong khi nhấn mạnh những yếu tố nào là quan trọng và cung cấp một cơ chế để hành động.
– Đề cao giá trị các quan hệ. Quản lý quan hệ là cốt lõi của văn hóa bán hàng vì nó sẽ dẫn đến việc thông hiểu khách hàng hơn. Suy nghĩ về khách hàng trên cơ sở quan hệ với họ sẽ giúp chúng ta làm được nhiều điều ý nghĩa và có giá trị, hơn là những con số thống kê vô hồn.
– Phân khúc khách hàng. Điều này sẽ giúp ta có cái nhìn rõ ràng, sâu sắc hơn và dễ thành công hơn. Điều này rất quan trọng ở những thị trường cạnh tranh và thay đổi nhanh chóng, đảm bảo những đề xuất sẽ dễ dàng được đáp ứng bởi vì chúng phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu.
– Phát triển cách tiếp cận mang tính tinh thần doanh nhân và tránh tự mãn. Điều này khó đạt được vì nó tùy thuộc vào giai đoạn nào đạt được trước. Cùng với những biện pháp khác, văn hóa và mục tiêu của doanh nghiệp chắc chắn sẽ thay đổi và được củng cố.
– Thể hiện sự lãnh đạo mạnh mẽ. Bao gồm nhu cầu truyền đạt, làm mẫu thể hiện những giá trị mà bạn thấy quan trọng, để kích thích niềm tin, và để tạo hiệu quả cá nhân.
Theo marketing.24h.com.vn