Những “chiêu” quảng cáo độc đáo của các doanh nghiệp nhỏ

Quảng cáo trên… đồ lót
Tháng 1 hàng năm, những người được lựa chọn ở New York lại “dũng cảm” tham gia vào chương trình “Không mặc quần, đi tàu điện ngầm” của Improv Everywhere – một nhóm chuyên tổ chức các chương trình gây cười ở nơi công cộng. Những người tham gia chương trình này lên tàu điện ngầm giữa thời tiết mùa đông lạnh giá trong tình trạng không mặc quần dài mà chỉ có… quần lót. 
Năm nay, sự kiện này được tổ chức để quảng bá cho hiệu cắt tóc có tên Shobha ở Manhattan, New York. Hiệu cắt tóc này đã cử một nhóm tham gia chương trình với trang phục quần lót in tên Shobha ở phía sau.

Tặng… súng cho khách hàng
Nhiều doanh nghiệp nhỏ thu hút khách hàng bằng cách tặng quà. Các công ty dịch vụ hẹn hò cũng không phải là ngoại lệ, bao gồm công ty Gotham Dating Partners. Công ty này có chính sách rất độc đáo là tặng cho khách hàng mới mua thẻ thành viên cả năm một… khẩu súng ngắn. Tất nhiên, công ty này cũng áp dụng những biện pháp kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chỉ tặng món quà đặc biệt này cho những khách hàng phù hợp.

Tận dụng Facebook và YouTube
Hồi năm 2011, nghệ sỹ xăm hình Dex Moelker ở Rotterdam, Hà Lan, đã khiến dư luận xôn xao khi tạo ra một hình xăm đặc biệt cho một khách hàng. Vị khác hàng này đã đưa ảnh của hình xăm trên lên trang Facebook của 152 người bạn. Sau đó, những hình ảnh này còn được đưa vào một video lan truyền với tốc độ cao trên mạng YouTube.
Về sau, báo giới phát hiện ra rằng, đây chỉ là một hình xăm tạm thời, sẽ mất đi sau vài ngày. Tuy nhiên, đoạn video về hình xăm này trên YouTube đã đạt 3,7 triệu lượt xem và được kết nối thẳng với website của Moelker.

Phim “giả mà như thật”
Một trong những bộ phim có tỷ suất lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay là phim “The Blair Witch Project” sản xuất năm 1999. Bộ phim tiêu tốn chi phí sản xuất là 60.000 USD, nhưng thu về doanh thu phòng vé lên tới 248 triệu USD. Đây là bộ phim giả tưởng về trải nghiệm của 3 sinh viên tham gia cuộc điều tra liên quan tới một câu chuyện phù thủy đã có hàng thế kỷ.
Trước khi công chiếu 1 năm, bộ phim đã được quảng cáo trên một website riêng. Trong đó, có những bản báo cáo giả báo cáo cảnh sát, các cuộc phỏng vấn được dàn dựng với sự tham gia của cư dân địa phương. Dư luận đã dành sự chú ý cao độ cho những gì đưa lên website này, đồng thời băn khoăn không biết liệu đây có phải là một bộ phim dựa trên câu chuyện có thật. Cuối cùng, khi bộ phim được công chiếu, những người mê phim kinh dị và tò mò cùng ồ ạt đổ tới phòng bán vé.

Tặng tiền cho đám đông
Cashtomato.com là một trang chia sẻ video trực tuyến chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, dù được cho là có mục tiêu cạnh tranh với YouTube. Vào năm 2008, trang này đã thực hiện một vụ quảng cáo “hoành tráng”, trong đó ba nhân viên ăn mặc trang phục như quả cà chua và phát tặng 4.000 USD cho một đám đông tập trung vào giữa buổi trưa ở quảng trường Union Square, Manhattan, New York.
Tuy nhiên, đám đông hơn 100 người đã “nhảy bổ” vào 3 nhân viên nói trên để giành giật số tiền, khiến một số người bị thương. Cuối cùng, chương trình quảng cáo đã không đạt được hiệu quả như mong muốn. Hiện nay, tên miền Cashtomato.com vẫn đang được rao bán.

Ruồi kéo banner
Công ty xuất bản Eichborn Verlag của Đức đã gây chú ý lớn tại hội chợ sách Frankfurt Bookfair năm 2009. Trên logo của công ty này có hình một con ruồi, nền công ty đã áp dụng cách quảng cáo là gắn các banner vào những chú ruồi sống thật và thả chúng bay quanh gian hàng tại hội chợ. Khách tham quan đã rất hứng thú với cách quảng cáo này.

“Mở cửa cho trộm”
LifeLock là một công ty chuyên về dịch vụ chống trộm cắp thông qua dữ liệu cá nhân. Năm 2007, công ty này đã thực hiện một chương trình quảng cáo truyền hình có một không hai, trong đó Giám đốc điều hành (CEO) Todd Davis tiết lộ mã số an sinh xã hội thật của ông. Đây được xem là một hành động liều lĩnh, thách thức giới “đạo chích”.
Một năm sau, báo chí đưa tin, kẻ trộm đã lấy 500 USD khỏi tài khoản của Davis. Nhưng đây không phải là lần duy nhất. Đến năm 2010, có tin tài khoản của Davis đã bị đánh cắp tổng cộng 13 lần.

Trả tiền để thành phố đổi tên
Half.com là một công ty bán hàng trực tuyến thành lập năm 1999 và đã được mạng đấu giá eBay mua lại vào năm 2000. Trước khi “về chung một nhà với eBay”, Half.com đã có một “chiêu” quảng cáo độc đáo là trả cho thành phố Halfway ở bang Oregon số tiền 100.000 USD để thành phố này đổi tên thành Half.com trong vòng 1 năm. Ngoài ra, Half.com cũng tặng cho thành phố 362 dân này 20 chiếc máy tính mới.

Theo Vneconomy