Giá bán cạnh tranh, cộng với thuế nhập khẩu 0% đã khiến các sản phẩm dầu ăn có xuất xứ từ các nước trong khu vực, như Malaysia, Singapore, Indonesia, Thái Lan… tràn ngập trên thị trường nội địa.
Tại các siêu thị ở TP.HCM, Hà Nội và nhiều thành phố khác, các thương hiệu dầu ăn nhập khẩu được bày bán khá nhiều, với mức giá bán lẻ tương đương như dầu ăn sản xuất trong nước.
Cụ thể, nhãn hiệu dầu ăn Sailing Boat loại 1 lít (gồm dầu đậu nành, dầu cọ và dầu cải, đóng chai tại Malaysia) có giá 43.000 – 45.000 đồng; dầu Omely (Indonesia) có giá 38.000 đồng/chai 1 lít; dầu đậu nành Cook (Thái Lan) 48.000 đồng/chai 1 lít…
Theo tin từ Hải quan các cửa khẩu tại TP.HCM, giá dầu đậu nành tinh luyện nhập khẩu qua các cửa khẩu trong năm 2012 trung bình chỉ 13.000 đồng/lít, dầu cọ tinh luyện giá 12.700 đồng/lít, nhóm hàng dầu cọ tinh luyện giá 17.200 đồng/lít…
Mức giá bán này tương đương, hoặc chỉ cao hơn từ 2 đến 5% so với giá dầu ăn sản xuất trong nước.
Theo điều tra của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), dầu thực vật nhập khẩu có sự gia tăng đột biến về số lượng vào thị trường Việt Nam. Cụ thể, nếu năm 2010 lượng dầu thực vật nhập khẩu là 350.878,66 tấn, thì năm 2012 con số này đã là 604.375,06 tấn.
Trước thực trạng dầu thực vật nhập khẩu gia tăng, đe dọa nghiêm trọng ngành sản xuất dầu ăn nội địa, đồng thời theo đề nghị của các doanh nghiệp (DN) sản xuất dầu ăn trong nước, Bộ Công thương đã ra quyết định áp thuế suất thuế nhập khẩu tạm thời 5% đối với dầu đậu nành và dầu cọ nhập khẩu vào Việt Nam, áp dụng từ ngày 7/5/2013, trong thời gian không quá 200 ngày.
Ông Đỗ Ngọc Khải, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), DN sản xuất dầu thực vật lớn nhất Việt Nam cho rằng, việc áp thuế suất thuế nhập khẩu dầu ăn về 0% từ đầu năm 2012 đang khiến các DN trong ngành lao đao và Vocarimex cũng không ngoại lệ.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia cũng như chính các DN sản xuất dầu ăn trong nước thừa nhận, khoảng thời gian 200 ngày áp dụng biện pháp tự vệ cũng khó làm thay đổi cục diện thị trường, bởi trong khoảng thời gian ngắn như vậy, DN trong nước cũng khó lòng ngay lập tức nâng cao được sức cạnh tranh, khi mà ngành sản xuất dầu thực vật trong nước phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập khẩu (trên 90%), hầu hết các nhà máy mới được đầu tư, đang trong thời kỳ khấu hao…
Từ nay đến cuối năm 2013 được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn với các DN sản xuất dầu ăn trong nước, bởi hàng nhập khẩu vẫn có xu thế tăng, cạnh tranh trực diện với hàng nội địa, bất chấp việc áp dụng biện pháp tự vệ với thuế nhập khẩu 5%.
Nhiều chuyên gia nhận xét, các giải pháp tháo gỡ khó khăn, như áp dụng biện pháp tự vệ (nâng thuế nhập khẩu)… có chăng cũng chỉ giúp DN trong nước đỡ khó khăn ở một mức độ nào đó, trong ngắn hạn. Theo các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, Việt Nam mở cửa và hội nhập ngày càng sâu rộng, nên muốn tồn tại và phát triển bền vững trong dài hạn, DN phải tự thân vận động, triển khai các chiến lược đầu tư hiệu quả, thực hiện tốt việc cắt giảm chi phí, có chính sách marketing thích hợp… để hàng hoá có chất lượng tốt, với giá hợp lý, cạnh tranh được người tiêu dùng tin dùng.
Theo Báo Đầu tư.