Một số nhà băng khác đang rậm rịch thu phí rút tiền nội mạng tại máy ATM. Việc tăng phí giúp ngân hàng có thêm nguồn thu, nhưng liệu khách hàng có được cung cấp dịch vụ thẻ tốt hơn?
Theo thông báo của Vietcombank, phí chuyển khoản của thẻ ghi nợ nội địa do Vietcombank phát hành tại ATM ngoại mạng tăng từ 3.000 đồng lên 5.000 đồng/giao dịch. Mức phí này chưa bao gồm 10% thuế VAT và áp dụng từ ngày 3/9.
“Tận thu” phí?
Theo Biểu khung mức phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa (ban hành kèm Thông tư 35 của Ngân hàng Nhà nước), mức phí dịch vụ chuyển khoản dao động từ 0 đến 15.000 đồng/giao dịch. Việc tăng phí chuyển khoản lên 5.000 đồng/giao dịch của Vietcombank lần này vẫn nằm trong giới hạn điều chỉnh phí theo quy định. Có nghĩa, ngân hàng hoàn toàn có thể tăng phí chuyển khoản thêm gấp 3 lần mức hiện tại.
Một cán bộ phụ trách thẻ cấp chi nhánh của Vietcombank cho biết từ đầu tháng 9, hội sở đã có công văn chỉ đạo các chi nhánh điều chỉnh tăng phí đối với giao dịch chuyển khoản qua máy ATM trên toàn hệ thống. “Lẽ ra, ngân hàng dự kiến sẽ tăng phí chuyển khoản từ tháng 3/2013, nhưng thời điểm đó, đã tăng phí rút tiền nội và ngoại mạng rồi. Đến giờ, sau 6 tháng, ngân hàng mới quyết định tăng tiếp phí chuyển khoản”, vị cán bộ này nói và cho biết việc đầu tư ban đầu cho hệ thống máy rút tiền, điểm đặt máy cùng các chi phí vận hành, quản lý máy… rất tốn kém. Nhưng suốt nhiều năm qua, ngân hàng đã miễn phí giao dịch cho các chủ thẻ của Vietcombank.
Anh Tín (nhân viên ở Hà Nội) – một khách hàng sử dụng thẻ ATM của Vietcombank, cho biết: “Tôi không bất ngờ khi ngân hàng tăng phí các dịch vụ thẻ vì trước đó, họ đã tăng rồi. Phí chuyển khoản tăng thêm 2.000 đồng/lần thì cũng chỉ bằng giá cốc trà đá thôi. Vấn đề là chất lượng dịch vụ thẻ có tốt hơn, thuận tiện hơn không?”.
Trước đó, theo Thông tư 35 quy định về phí dịch vụ thẻ, từ ngày 1/3/2013, Vietcombank đã áp dụng mức phí “kịch trần” đối với một số giao dịch thẻ tại ATM. Cụ thể, phí rút tiền nội mạng là 1.000 đồng/lần, ngoại mạng là 3.000 đồng/lần; phí vấn tin tài khoản là 500 đồng/lần… Đến đầu tháng 9, phí chuyển tiền tăng lên 5.000 đồng/lần.
Hiện nay, Vietcombank là một trong số ít ngân hàng đang thực hiện thu phí các loại giao dịch thẻ tại máy ATM. Theo công bố của Vietcombank, ngân hàng này có mạng lưới ATM rộng lớn với gần 1.626 máý ATM và khoảng 11.000 điểm chấp nhận thẻ trên cả nước. Hệ thống máy ATM này không chỉ phục vụ cho hơn 5 triệu khách hàng sử dụng thẻ ghi nợ nội địa của Vietcombank, mà còn cả thẻ của ngân hàng khác.
Có cải thiện dịch vụ?
Với số lượng người dùng thẻ lớn, giả sử mỗi tháng, 5 triệu chủ thẻ Vietcombank chỉ phát sinh một lần rút tiền nội mạng thì ngân hàng thu về 5 tỷ đồng. Nếu phát sinh một lần chuyển khoản từ tài khoản Vietcombank sang tài khoản ngân hàng khác, ngân hàng có thể thu được tới 25 tỷ đồng. Hay nói cách khác, chỉ cần một lần tăng phí chuyển khoản thêm 2.000 đồng, ngân hàng “bỗng dưng” có thể tăng thu gần chục tỷ đồng. Dĩ nhiên, nếu chủ thẻ giao dịch càng nhiều thì số tiền phí ngân hàng thu được càng lớn. Ai bảo mức phí giao dịch thẻ bằng “trà đá” không đem lại nguồn thu lớn cho ngân hàng?
Ngoài Vietcombank, một số ngân hàng, như: BIDV, Vietinbank, Agribank, Seabank, Sacombank… đã và đang rậm rịch kế hoạch thu phí rút tiền nội mạng qua máy ATM. Trong khi đó, nhiều ngân hàng cỡ vừa và nhỏ khác hiện vẫn đang miễn phí rút tiền nội mạng cho chủ thẻ do số lượng thẻ phát hành và điểm rút tiền chưa nhiều. Đối với giao dịch rút tiền ngoại mạng, mức phí hiện hành tại một số ngân hàng, như: Vietinbank, VP bank… là 3.000 đồng/giao dịch.
Theo nhiều chủ thẻ, việc ngân hàng điều chỉnh tăng phí vài nghìn đồng cho mỗi giao dịch qua thẻ ATM không ảnh hưởng nhiều đến túi tiền. Tuy nhiên, điều quan trọng là sau mỗi lần tăng phí, chất lượng dịch vụ thẻ có được cải thiện tốt hơn không? Hay là vào các dịp lễ tết, hàng triệu công nhân vẫn phải chen chúc, xếp hàng dài chờ rút tiền? Rồi máy ATM luôn ngừng hoạt động, hết tiền vào ngày cuối tuần? Thậm chí, nhiều khách hàng than phiền phải “ngậm đắng nuốt cay” khi rút được tiền xấu (rách, thủng, cháy…) từ các máy ATM.
Ngoài các loại phí giao dịch tại máy ATM, người sử dụng thẻ có thể phải trả thêm nhiều khoản phí phát sinh liên quan đến chiếc thẻ đa năng của mình. Chẳng hạn, khách hàng mở thẻ ATM của Vietcombank tại Hà Nội nhưng rút tiền tại phòng giao dịch (cùng hệ thống ngân hàng) ở địa phương khác sẽ mất khoản phí là 11.000 đồng (áp dụng với món tiền dưới 30 triệu đồng). Nhân viên ngân hàng giải thích rằng đây là khoản phí “điều chuyển tiền” trong hệ thống. Loại phí này hiện đang được nhiều ngân hàng áp dụng.
Trong trường hợp thẻ bị máy ATM của ngân hàng khác “nuốt” thẻ, chủ thẻ muốn thu hồi ngay thẻ sẽ phải trả khoản phí là 30.000 đồng (chưa gồm 10% VAT). Nếu thu hồi thẻ sau 15 ngày, ngân hàng mới miễn phí.
Theo Thời báo kinh doanh