Xuất nhập khẩu ô tô: Nội mon men, Ngoại phấn khởi

7 tháng qua, Việt Nam đã nhập 19.712 ô tô, trị giá 363 triệu USD, tăng 24% về lượng và 8% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Nội dung nổi bật:
– Bất chấp kinh tế suy thoái, xe nhập khẩu về Việt Nam không hề bị ảnh hưởng. Trong 7 tháng tăng 24% về lượng, 8% về giá trị. Đứng đầu danh sách nhập khẩu là xe Hàn Quốc.
– Xe trong nước mới mon men xuất khẩu sang Lào tuy nhiên đơn hàng này chỉ là lắp ráp cho Mazda Nhật Bản và xuất khẩu dưới danh nghĩa Việt Nam.
– Cái khó của nhà sản xuất trong nước là giá thành quá cao so với nhiều nước khác. Giá xe tại Việt Nam cao gấp 1,5 – 2 lần so với Thái Lan, hơn 2,7 lần so với Nhật Bản. Tại Thái Lan, số lượng ô tô tiêu thụ trong 20 ngày đã bằng một năm tại Việt Nam.

Tăng cả khi thị trường giảm
Bất chấp kinh tế suy thoái, lượng xe nhập khẩu về Việt Nam vẫn không hề bị ảnh hưởng. Bằng chứng là từ đầu năm đến nay, lượng xe nhập liên tục tăng, như số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 7 tháng qua, đã nhập 19.712 ô tô, trị giá 363 triệu USD, tăng 24% về lượng và 8% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 7 vừa qua, Rolls-Royce – một trong những thương hiêu xe sang nhất thế giới đã chính thức có mặt tại Việt Nam. Rolls-Royce bán tại Việt Nam cả ba dòng xe: Phantom, Ghost và Wraith. Đại diện nhà phân phối Rolls-Royce tại Việt Nam – Công ty Rolls- Royce Motor Cars Hanoi – cho biết, Việt Nam tuy là thị trường mới nhưng rất tiềm năng, trong ba năm tới dự báo xe của Hãng bán tại thị trường này sẽ tăng trưởng hai con số.Trong số xe nhập khẩu đó có đến gần 9.900 chiếc là ô tô dưới 9 chỗ.
Đứng đầu trong danh sách này là xe nhập từ Hàn Quốc (gần 9.260 chiếc), tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm 47% tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu của cả nước. Vị trí thứ hai thuộc về Thái Lan với hơn 4.000 chiếc, Trung Quốc 2.280 chiếc, Nhật Bản 1.100 chiếc…
Cùng với Rolls-Royce, hai thương hiệu xe siêu sang khác là Lamborghini và Bentley cũng đang “bước một chân” vào thị trường Việt Nam. Sự xuất hiện của Lamborghini, Bentley sau Rolls-Royce sẽ mở ra cơ hội cho khách hàng tiềm năng có thể tiếp cận các mẫu xe trứ danh cũng như các dịch vụ chăm sóc, bảo hành, bảo dưỡng chính hãng…
Trong khi Lamborghini, Bentley vẫn đang trong quá trình hoàn tất để ra mắt thì thương hiệu Mini đã có mặt tại Việt Nam như kế hoạch mà nhà phân phối Euro Auto đã công bố. Ngày 5/9, hai chiếc Mini Cooper Countryman tiêu chuẩn và S đã cập cảng Cát Lái và nhanh chóng được trưng bày tại showroom BMW Long Biên (Hà Nội).
Mới đây, Công ty Toyota Việt Nam cũng tiết lộ, thương hiệu xe sang của hãng là Lexus cũng sẽ ra mắt vào cuối năm nay. Và một loạt các mẫu xe của thương hiệu này sẽ trình làng tại triển lãm ô tô lớn nhất nước – Vietnam Motor Show diễn ra vào cuối tháng 10 tới.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, vào năm 2025, nhu cầu ô tô của Việt Nam sẽ đạt khoảng 800.000-900.000 xe và tới năm 2030 tăng lên 1,5-1,8 triệu xe. Trước nhu cầu tiêu dùng này, lượng xe nhập khẩu sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. Nếu dự án sản xuất dòng xe dưới 9 chỗ không thành hiện thực và phụ thuộc nhập khẩu hoàn toàn, thì kim ngạch nhập khẩu các loại ô tô năm 2025 là 12 tỷ USD, tới năm 2030 là 21 tỷ USD. Còn nếu phương án dòng xe dưới 9 chỗ được thực thi, sản xuất trong nước tốt nhất thì kim ngạch nhập khẩu ô tô năm 2025 cũng phải đến 5 tỷ USD và lên tới 9 tỷ USD vào năm 2030.

Mon men “xuất ngoại”

Trong khi các hãng xe nước ngoài đang chinh phục thị trường Việt Nam thì xe trong nước mới mon men… xuất khẩu. Sự kiện 300 xe Mazda (Mazda 2, Mazda 3, Mazda CX-5) do Vina Mazda, công ty con của Trường Hải (Thaco) xuất sang Lào chỉ là con số rất nhỏ so với lượng xe nước ngoài được nhập về Việt Nam. Theo kế hoạch, Vina Mazda sẽ tăng sản lượng xe tiêu thụ tại thị trường các nước Đông Nam Á lên 3.000 xe vào năm 2014 và 15.000 xe/năm vào năm 2020.
Tuy nhiên, theo đại diện của Thaco, số xe này được xuất khẩu thông qua Mazda Motor (Nhật Bản). Nghĩa là danh nghĩa xuất khẩu không phải là Thaco mà là Mazda Motor và Thaco chỉ làm nhiệm vụ lắp ráp theo đơn đặt hàng của Mazda Nhật Bản. Và Thaco cũng chỉ có thể xuất khẩu sang thị trường có “tay lái nghịch” như Lào còn các thị trường khác thì không thể. Trước Mazda, Thaco cũng đã tính đến chuyện xuất khẩu xe buýt, tuy nhiên, đến nay, doanh nghiệp này cũng chưa làm được mặc dù đây là dòng xe chiến lược của Thaco và cũng đã đạt được tỷ lệ nội địa hoá lên đến 40% – 46%.
Cái khó của nhà sản xuất trong nước là giá thành quá cao so với nhiều nước khác. Hiện giá xe ở Việt Nam cao gấp 1,5 – 2 lần so với Thái Lan, hơn 2,7 lần so với Nhật Bản. Các thương hiệu xe hơi trong nước chỉ có thể xuất sang các nước có chính sách xe giống Việt Nam, như Lào, Myanmar. Còn những nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Phillippes, thậm chí, cả Campuchia, Việt Nam “không có cửa” cạnh tranh. Tuy kinh tế chưa phát triển nhưng giá xe ở Campuchia rẻ hơn rất nhiều so với Việt Nam. Về mặt sản lượng và tiêu thụ, thị trường ô tô Việt Nam cũng không thể so với nhiều nước ASEAN khác. 
Chỉ tính riêng tại Thái Lan, số lượng ô tô tiêu thụ trong 20 ngày đã bằng một năm tại Việt Nam. Năm 2012, tiêu thụ nội địa của nước này đạt 1,4 triệu xe, và 700.000 xe cho xuất khẩu sang các nước ASEAN, châu Âu. Ngay cả như Indonesia, doanh số bán xe trong năm 2012 cũng đạt 1,2 triệu xe. Tại Thái Lan, tất cả các hãng ô tô lớn trên thế giới như Ford, GM, Toyota, Honda, Mitsubishi, Nissan… đều đã có nhà máy. Điều đáng nói là những nhà máy này có quy mô lớn gấp 5 – 6 lần ở Việt Nam và liên tục được hãng gia tăng đầu tư. Đơn cử như Ford, tuy mới xây dựng nhà máy tại Thái Lan vào năm 2010 nhưng đến nay đã có gần 1 tỷ USD mà hãng này đầu tư vào đây.

Theo Doanh nhân Sài Gòn