Cần có một sự thay đổi toàn diện

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Nhật cho rằng tái cơ cấu đội tàu, giảm thuế cho hàng xuất khẩu đi tàu nội, hiệp thương chủ tàu, chủ hàng… là những giải pháp cần thiết để phát triển đội tàu biển Việt Nam.

88% thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của nước ta đang nằm trong tay đội tàu biển nước ngoài, vì sao thưa ông?
Tại Việt Nam, đội tàu biển quốc gia mới chỉ đảm nhận vận tải một phần rất nhỏ trong tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) bằng đường biển, khoảng 10%-12%. Thị trường XNK của đội tàu VN chủ yếu là các nước Trung Quốc, Đông Nam Á, Châu Á, một số ít tàu có thể xuất hàng đi các nước Đông Âu. Một số chủ tàu lớn như Công ty VTB Container Vinalines, Công ty TNHH Vận tải Biển Đông, Công ty CP Gemadept, Công ty Vận tải biển VN, Công ty Vận tải biển III… đã có tàu đi các tuyến Châu Âu, Bắc Mỹ nhưng chủ yếu là tàu hàng khô. Còn các thị trường lớn khác như Châu Mỹ do các hãng tàu nước ngoài đảm nhận.
Về vận tải container, đội tàu VN chủ yếu vận tải nội địa, tuyến quốc tế gần và gom hàng cho các hãng tàu mẹ, chưa có tàu chạy tuyến thẳng. Vì thế, chủ hàng thường chọn các hãng tàu biển nước ngoài có khả năng cung cấp dịch vụ trọn gói từ nơi sản xuất đến tận nơi tiêu thụ. Sau đó, các hãng tàu biển nước ngoài thuê lại tàu biển của Việt Nam chạy gom hàng từ các cảng lẻ lên tàu mẹ chở đến thị trường tiêu thụ.
Đối với vận tải dầu thô xuất khẩu, đội tàu của Việt Nam cũng chỉ đạt được thị phần khiêm tốn. Nguyên nhân là do công ty nhập khẩu nước ngoài yêu cầu rất khắt khe về chất lượng, tiêu chuẩn an toàn, chống ô nhiễm môi trường mà rất ít tàu của ta đáp ứng được yêu cầu này.
Đối với vận tải XNK hàng khô, đội tàu của ta chiếm thị phần khoảng 12%. Đã có tàu chạy thẳng sang Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ nhưng số lượng rất ít.

Như các bài viết trước chúng tôi đã phân tích, thị phần vận tải hàng XNK của ta đang có nguy cơ thu hẹp. Lúc này, cần những giải pháp nào để phát triển đội tàu biển VN?
Cục Hàng hải VN hiện đang xây dựng Đề án nâng cao năng lực, thị phần vận tải hàng XNK của các doanh nghiệp (DN) vận tải biển Việt Nam. Trong đề án, chúng tôi đã đề xuất một loạt các giải pháp đồng bộ để giúp các DN nội dần chiếm lĩnh lại thị trường. Trong đó, có cả nhóm giải pháp về chính sách, tài chính và nguồn nhân lực; có cả các giải pháp tăng cường đổi mới và phát triển đội tàu theo xu thế vận tải chung của thế giới và theo định hướng quy hoạch của nhà nước.
Việc cần làm hiện nay là tái cơ cấu lại đội tàu, bán thanh lý những tàu cũ hoạt động không hiệu quả để cắt lỗ, giảm lỗ và huy động nguồn vốn thực hiện các dự án đầu tư tàu khi thị trường hồi phục; Xây dựng các cảng biển lớn, hiện đại, có khả năng tiếp nhận các tàu cỡ lớn (như cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải, cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện); Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức khai thác; Tuân thủ nghiêm các quy định về pháp luật trong nước và các quy định của công ước quốc tế; Tăng cường phối hợp, hiệp thương giữa các DN vận tải biển với các chủ hàng.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, cần có chính sách gì để vực dậy các DN vận tải biển?
Tôi cho rằng, việc đầu tư đội tàu chuyên dụng trọng tải lớn cần một số vốn rất lớn và lâu dài, Nhà nước cần hỗ trợ cho vay vốn với giá ưu đãi cho các dự án đầu tư tàu trọng tải lớn chuyên tuyến quốc tế. Theo tôi, đối với dự án đầu tư tàu biển mang cờ Việt Nam trọng tải từ 5.000 GT trở lên, cần áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng là 5% và áp dụng thời gian nộp thuế trong 5 năm liên tục kể từ ngày đăng ký. 
Đối với hàng hoá là vật tư, thiết bị tàu biển áp dụng mức thuế nhập khẩu và mức thuế suất thuế giá trị gia tăng là 0% trong thời hạn 5 năm… Hàng hoá XNK dùng tàu biển VN vận chuyển, được giảm 10% mức thuế xuất, nhập khẩu theo quy định của văn bản pháp luật liên quan…
Cuối cùng và cũng không kém phần quan trọng là cần phải có cơ chế chính sách thu hút, giữ thuyền viên lại với nghề, chẳng hạn như miễn thuế thu nhập cá nhân…
Cảm ơn ông!

Theo Giao thông vận tải