Ngoài sự chia sẻ về trải nghiệm cũng như kỹ năng kinh doanh, triệu phú 14 tuổi còn khiến độc giả xúc động vì những ý thức sâu sắc về các giá trị đạo đức, nhân văn, về tình cảm thiêng liêng giữa những người thân thiết, ruột thịt.
Người dịch: Nguyễn Thế Tuấn Anh
Số trang: 425
Bản quyền tiếng Việt: NXB Trẻ
Về tác giả
Farrah Gray là con trai út trong số 5 chị em của một gia đình người Mỹ da đen nghèo. Chủ gia đình ấy là một phụ nữ đơn thân. Từ nhỏ, cậu bé đã thấy những thành viên trong gia đình mình luôn là những người nỗ lực, can đảm và không ngừng vươn lên, khẳng định mình trong cuộc sống.
Ảnh hưởng nếp sống tích cực và đam mê kinh doanh trong gia đình, ngay từ lúc mới 8 tuổi, cậu bé đã có “thương vụ” đầu tiên với 10 đô la kiếm được từ việc pha trộn các loại dầu, sữa tắm với nhau để tạo thành một loại mới.
Cũng ở độ tuổi đó, nhờ sự tư vấn của bác Roi, một người bạn thân của mẹ, Farrah Gray đã tổ chức thành lập “Câu lạc bộ doanh nghiệp Thương mại Đô thị” gọi tắt là UNEEC. Đây là câu lạc bộ tập hợp các bạn nhỏ trong độ tuổi thanh thiếu niên quanh khu vực Farrah sống có cùng đam mê kinh doanh.
Từ câu lạc bộ khởi nghiệp này, Farrah tiếp tục phát triển sự nghiệp của mình trong các lĩnh vực cung cấp dịch vụ thẻ điện thoại quốc tế cho trẻ em, sản xuất đồ uống cho trẻ em, là người dẫn chương trình truyền hình, quản lý và phát triển một tờ tạp chí, v.v…
Farrah không tự giới hạn mình ở bất cứ lĩnh vực kinh doanh nào, nếu cậu thực sự có hứng thú. Và ở tuổi 16, cậu trở thành một triệu phú đô la thực sự – một doanh nhân không chỉ nhắm đến việc kiếm tiền, mà còn luôn biết nỗ lực đền đáp và truyền cảm hứng cho những người khác.
Nội dung chính
Ngoài phần Dẫn nhập và Nguyên tắc tặng thêm cuối sách, “Người giàu đích thực” chia làm 9 chương, tập trung đi vào từng bài học cụ thể qua trải nghiệm cụ thể của “tôi” – tác giả Farrah Gray.
Chương 1: Cái tên nói lên sức mạnh
Những tâm niệm về quá trình chuẩn bị cho việc kinh doanh:
1. Quan sát mọi người quanh bạn và tìm cách học hỏi những điều hay của họ. Mọi hay dở, thành bại từ những người xung quanh đều có giá trị tham khảo nhất định với bạn.
2. Hãy trân trọng đón nhận cha mẹ bạn, dù họ thế nào đi nữa. Không ai chọn được cha mẹ sinh ra mình. Mọi người trong gia đình bạn bao giờ cũng có thể dạy bạn điều này điều kia – ít nhất là về những điều bạn cần tránh.
3. Cái tên của bạn có thể giúp bạn thấy được con đường tương lai mình sẽ đi. Chọn cho mình được một cái tên phù hợp, tức là bạn đã chọn lựa cho mình được vận mệnh rồi. Tôi đã tự gọi mình là “Tổng giám đốc điều hành của thế kỷ XXI”.
4. Khi quyết định mở công ty, đừng bao giờ coi nhẹ cái tên bạn sẽ đặt cho công ty.
5. Hãy lắng nghe và đón nhận những gì mang tính tích cực. Đừng bao giờ để những người có kiểu suy nghĩ tiêu cực chi phối bạn.
6. Mọi thành công lớn đều xuất phát từ những ý tưởng bé nhỏ. Bạn đừng sợ việc thí nghiệm điều này điều kia chỉ để cho biết. Đừng quá kỳ vọng vào mọi ý tưởng, nhưng hãy để cho cái đầu của bạn luôn sẵn sàng tư duy, sáng tạo.
7. Biết đầu tư cho tương lai của mình. Hãy để mục tiêu của việc bạn kiếm tiền không phải chỉ nhằm tiêu xài cho sướng bản thân bạn.
8. Luôn có những người sẵn lòng giúp đỡ bạn. Chỉ cần bạn nỗ lực hết mình và kiên trì tìm kiếm, sẽ luôn có những người như thế.
Chương 2: Đừng bao giờ sợ lời từ chối
Tôi đã trở thành người bán hàng thứ thiệt nhờ việc biết cách coi lời nói “không” như một cơ hội, chứ không phải như một thái độ chối từ.
Những điều tâm niệm khi khởi sự kinh doanh:
1. Cơ hội luôn xuất hiện quanh bạn. Bạn cần hiểu rõ những điểm mạnh vốn có trong mình, biết cách tận dụng và làm cho người ta phải công nhận chúng.
2. Nỗi sợ hãi có gốc rễ từ những điều tưởng tượng vô căn cứ. Việc bạn sợ ai hay sợ điều gì đó là chuyện hết sức bình thường; tuy nhiên, bạn sẽ làm gì với nỗi sợ trong lòng, đó mới chính là cái giúp bạn định nghĩa được con người mình!
3. Xác định rõ điều bạn muốn đạt đến – phải đặt ra đích nhắm thật cao. Bạn nào có mất mát gì đâu khi ước mơ những điều vĩ đại!
4. Phải biết cách ăn mặc phù hợp. “Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần”, muốn gieo nơi người ta một ấn tượng tốt đẹp, bạn cần phải lưu tâm tới phong cách ăn mặc của mình.
5. Cách trang bị các vật dụng mang theo cũng không kém phần quan trọng.
6. Để mắt quan sát mọi người quanh bạn. Hãy tìm hiểu và nếu được, làm quen với những con người thành đạt trong lĩnh vực bạn quan tâm. Ở họ, bạn không chỉ được truyền cảm hứng tiến lên, mà còn học được rất nhiều bài học giá trị khác về kinh nghiệm thành đạt.
7. Đừng bao giờ sợ nói ra ý tưởng mình có. Nếu cảm thấy sợ phải nói ra những suy nghĩ, ước mơ của mình, thì có lẽ, ngay từ đầu, bạn chẳng nên mệt óc nghĩ tới chúng làm gì.
8. Đừng bao giờ mở miệng thốt ra câu “tôi không biết”. Dù đúng hay sai, bạn cũng phải tìm ra nguyên nhân vì sao mình đã quyết định hay hành động như vậy.
9. Đừng bao giờ chấp nhận lời nói “không”. Nếu muốn thành công trong đời, bạn phải sẵn sàng nghe hàng triệu lời nói “không”. Hãy coi mỗi lời nói “không” là một cơ hội giúp bạn tiến lên phía trước.
10. Thành công vun đắp lòng tự tin, nó sẽ kéo thêm nhiều thành công về phía bạn. Tự tin là giá trị tinh thần lớn lao và quý giá nhất mà chỉ có bạn mới có thể quyết định mình sẽ có nó hay không.
Chương 3: Xây dựng một đội ngũ cố vấn siêu hạng
Thành công là một quá trình kiên trì lâu dài. Trong quá trình đó, điều quan trọng, bạn phải tìm được những người làm việc với bạn, chứ không phải cho bạn.
1. Vạch một kế hoạch và đặt niềm tin vào nó. Khi đã tính toán và lên kế hoạch kỹ lưỡng, bạn phải thực sự tin tưởng vào nó.
2. Cái đích kinh doanh không chỉ là tiền, mà còn là lòng tự hào về khả năng làm chủ nữa.
3, Sẽ có những người luôn cố tìm cách làm nhụt ý chí của bạn. Những người này có mặt ở khắp mọi nơi, thậm chí còn ẩn khuất trong sâu thẳm con người bạn nữa.
4. Những người hướng dẫn hay cố vấn luôn giữ một vai trò hết sức quan trọng. Hãy tìm kiếm những người bạn kính trọng và tin tưởng. Hãy biết lắng nghe những gì họ khuyên nhủ, chỉ bảo.
5. Lắng nghe là chuyện cần thiết, nhưng cần thiết hơn, bạn phải biết lựa chọn người nói để mà nghe.
6. Một ý tưởng hay sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu như người nghĩ ra nó không có ý chí và quyết tâm để biến nó thành hiện thực.
7. Đừng ngại khi đón nhận những gì người khác tặng bạn, nhưng bạn phải luôn biết tặng lại cho họ những gì thích hợp.
8. Nếu làm chủ, bạn phải biết thể hiện vai trò lãnh đạo của mình. Đó chính là tinh thần trách nhiệm và khả năng quyết đoán của bạn trong những trường hợp cụ thể.
9. Phải biết giữ lời hứa. Không có một lý do nào để ta không có bổn phận thực hiện những gì mình đã hứa.
Chương 4: Học cách nắm lấy từng cơ hội
Cơ hội xuất hiện ở khắp mọi nơi, ngay cả những vấn đề và trở lực lớn nhất bạn gặp phải.
Bạn sẽ gặp phải vô số trở ngại trên đường đời, tất nhiên là thế. Việc học cách đương đầu với trở ngại và giữ được ý chí kiên cường chính là kỹ năng quan trọng nhất bạn phải luyện tập cho kỳ được. Và đây là một số điều tâm niệm của tôi:
1. Bạn sẽ gặp phải những trở ngại. Đó là điều chắc chắn. Việc bạn ra sức né tránh thất bại bằng mọi giá không những làm lãng phí thì giờ và tiền bạc, mà còn kìm hãm bước chân bạn trên con đường tiến tới thành công.
2. Thất bại và bị từ chối là hai chuyện khác nhau. Bạn phải học cách phân tích từng tình huống xảy đến để có thể rút ra những bài học cần thiết.
3, Gặp khó khăn, hãy cứ làm những gì cần làm. Mẹ tôi đã từng phải ngửa tay xin tiền trợ cấp xã hội trong giai đoạn không thể làm gì khác hơn. Bạn cứ việc tự hào về mình, nhưng đừng để niềm kiêu hãnh ngăn cản bạn thực hiện những gì cần thiết. Việc có một cái nhìn thực tế về cuộc đời chẳng phải là điều gì đáng xấu hổ cả.
4. Cuộc kinh doanh đầu tiên của bạn có thể không thành, nhưng điều đó không có nghĩa bạn là kẻ thất bại. Thất bại không phải là thứ gì đó quá ghê gớm, trừ khi chính bạn nghĩ thế. Hãy luôn giữ trong đầu thái độ của người chiến thắng và không ngừng tiến lên phía trước, bất chấp mọi trở ngại, thất bại trên đường.
5. Các mối quan hệ và ý chí kiên trì là nền tảng của thành công.
6. Đừng làm việc chỉ vì thành công.
7. Hãy đầu tư vào con người, đừng đầu tư vào cơ hội. Những bạn bè hay đối tác kinh doanh đáng tin cậy sẽ đứng bên cạnh bạn những lúc bạn gặp khó khăn, vì họ vững tin và thực sự quan tâm đến mục đích cuối cùng bạn nhắm đến. Và bạn cũng phải có cách ứng xử tương tự với họ.
Chương 5: Cứ nương dòng chảy mà trôi… Nhưng cần phải biết nơi ta xuôi về
Đây là bài học về cách tôi ngưng thái độ chống đối với những gì có tính luật lệ, hệ thống, và bắt đầu yêu quý cuộc sống này.
Có rất ít người hiểu rõ điều họ muốn, hoặc họ không biết chính xác những gì phải làm để hiện thực hóa ước muốn của mình. Đây là những gì tôi tâm niệm khi đánh giá lại cuộc sống của mình với một ý thức trưởng thành hơn.
1. Hãy duyệt lại bản kế hoạch bạn đã vạch ra. Bạn nên xem xét lại bản kế hoạch của mình mỗi năm ít nhất một lần, mọi yếu tố không ngừng vận động, biến đổi. Và chẳng ích gì việc bạn cứ phải đi đường vòng hoặc lao đầu vào ngõ cụt trong khi bao giờ cũng có một con đường thẳng để bạn tiến về phía đích.
2. Đừng ngại việc đôi khi bạn phải thẳng tay loại bỏ những gì không cần thiết trong bản kế hoạch. Đừng vì nỗi sợ hay vì lòng trung thành với kế hoạch mà bạn không dám thẳng tay thải bỏ những điều vô ích.
3. Việc nương dòng đời mà trôi không có nghĩa rằng bạn phải giơ tay nhận lấy mọi thứ cuộc đời ném vào bạn. Điều đó có nghĩa bạn phải chọn những trận chiến xứng đáng để bỏ sức ra mà chiến đấu.
4. Mỗi người có mỗi ước muốn khác nhau; nếu không cùng nhau hợp tác được thì mỗi người cứ việc đi con đường của mình. Có những người rất tốt như chị gia sư Henda của tôi, nhưng lại không có những quan điểm đồng thuận về cuộc sống và kinh doanh với tôi. Điều đó không vấn đề gì cả. Không cộng tác được với nhau trong công việc, nhưng chúng tôi vẫn là những người bạn tốt của nhau.
5. Đánh giá bản thân: Những mục tiêu bạn đặt ra có phù hợp với con người hiện tại của bạn không?
6. Sẵn sàng thay đổi. Đây là những điều cần được thay đổi nếu bạn thấy chúng không còn phù hợp với mình: thái độ sống, các ước mơ và môi trường xung quanh.
7. Phải có thái độ thẳng thắn và giữ vững đến cùng lập trường của bạn. Có thể nhiều người không cùng quan điểm với bạn, nhưng điều đó cũng không có nghĩa bạn đã sai.
8. Phải hiểu rõ khách hàng. Tôi đã nghĩ ra chuyện kinh doanh thẻ dịch vụ gọi điện thoại quốc tế cho trẻ em vì tôi biết rõ trẻ em cần gì. Hãy nỗ lực theo đuổi những gì bạn yêu thích và hãy nắm rõ thị trường bạn muốn tiến vào.
Chương 6: Chuẩn bị cảm xúc để đương đầu với thất bại
Tôi đã biến nỗi thất vọng lớn nhất của mình thành một cơ hội đổi đời quý giá. Sở dĩ làm được như vậy là vì tôi đã biết đưa vai gánh lấy trách nhiệm và một mực nhắm thẳng phía trước mà tiến.
Ít nhất một lần trong đời, bạn sẽ gặp phải một cuộc khủng hoảng có tính cách trầm trọng và toàn diện. Việc bạn đương đầu ra sao với cuộc khủng hoảng đó sẽ giữ vai trò quyết định đối với thành công cuối cùng bạn đạt được.
1. Trước hết, hãy quan tâm đến bản thân, rồi sau đó, hãy quan tâm đến những người bạn yêu thương. Phải sẵn sàng là người chịu trách nhiệm cuối cùng nếu bạn nắm giữ vai trò chèo lái. Nhưng dù thế, hãy lập ra trước một kế hoạch đương đầu để có thể vượt qua mọi tai ương.
2. Nếu có chuyện cần nói với ai, bạn cứ nói ngay. Có thể bạn sẽ không còn cơ hội thứ hai để làm điều đó.
3. Trước khi bắt tay thực hiện kế hoạch, bạn phải chắc là mình đã tiên liệu được hết mọi trở ngại đang nằm phía trước. Tôi là người ghét cái nhìn bi quan về cuộc đời, nhưng tôi đã rút ra được một điều: để đạt được thứ tốt nhất thì trong kế hoạch vạch ra, bạn cần phải xét đến cả những điều tồi tệ nhất có thể gặp phải.
4. Hãy tìm hiểu cho kỹ mọi người bạn gặp gỡ. Tôi nhắc lại lần nữa quan điểm: đầu tư, trước hết bạn phải nhắm vào con người chứ không phải những ý tưởng. Tôi đã sai lầm khi vô tình để lộ mọi ý tưởng và kế hoạch kinh doanh cho gã bạn trai tồi tệ của chị gái tôi, do đó, bạn đừng đi vào vết xe đổ của tôi.
5. Đôi khi, bước đi kế tiếp tốt nhất lại có vẻ như không liên quan gì đến việc kiếm tiền của bạn cả. Việc tham gia làm người đồng dẫn chương trình truyền hình Backstage Live của tôi tuy không trực tiếp kiếm ra tiền ngay, nhưng nó thuộc về mục tiêu lâu dài mà tôi hoàn toàn vững tin vào kế hoạch đã lập ra của mình.
6. Tha thứ, nhưng đừng quên đi. Hãy quên những người góp phần tạo ra hay đẩy bạn vào khủng hoảng, nhưng đừng bao giờ quên những bài học rút ra từ đó. Và nữa, đừng bao giờ làm việc với những kẻ từng hại bạn trong quá khứ.
7. Phải biết thể hiện giá trị bản thân để được người khác công nhận. Hãy cho người khác một lý do để họ giúp đỡ bạn. Và đây là các lý do tốt nhất bạn có thể dùng đến: lòng thành thật, chính trực, thái độ tôn trọng người khác và đạo đức nghề nghiệp.
Chương 7: Dành thì giờ để làm những gì bạn biết
Quẩn quanh trong nhà bếp, loay hoay tìm cách chế biến các loại thức ăn, pha chế các thứ đồ uống mới, tôi chợt nảy ra một ý tưởng đáng giá bạc triệu, dành cho những bạn trẻ có cùng hoàn cảnh và độ tuổi như tôi.
Nếu biết nỗ lực hết mình để làm việc, chắc chắn ta sẽ có được cơ hội để tiến vào con đường dẫn đến thành công lâu dài. Và đây là những điều tâm niệm của tôi:
1. Hãy xây dựng sự nghiệp dựa trên những gì bạn nắm rõ và yêu thích. Thực hiện những gì bạn yêu thích chính là con đường ngắn nhất giúp bạn trở thành một người giàu đích thực.
2. Để mở ra con đường thành công, hãy bắt đầu từ những khởi sự nho nhỏ. Không thiếu những người kiếm được một số tiền khổng lồ từ một ý tưởng vô cùng nhỏ bé.
3. Lúc bắt gặp một cơ hội, bạn phải chộp lấy nó ngay. Đừng bao giờ chờ đợi cơ hội hoàn hảo thì mới đưa tay bắt lấy. Và cũng đàng ngại ngùng hay chậm trễ trong việc nắm bắt cơ hội một khi nó xuất hiện.
4. Đừng dựa dẫm vào người khác, phải biết dựa vào bản thân mình. Các nhà cố vấn rất quan trọng, bạn cứ việc xin lời khuyên, nhưng phải luôn biết dựa vào nỗ lực bản thân để có thể hoàn thành công việc của mình.
5. Luôn tìm cơ hội tiếp xúc với những người lãnh đạo.
6. Tính sáng tạo là điều thiết yếu. Ý tưởng đầu tiên của bạn chưa chắc đã là ý tưởng tốt nhất.
7. Xây dựng mạng lưới các mối quan hệ. Có ba lần tôi nghĩ rằng người ta sẽ giúp đỡ tôi, nhưng họ đã không làm thế. Những người cuối cùng giúp đỡ tôi lại chính là những phụ nữ tôi không đoái hoài đến trong danh sách xin giúp đỡ của mình.
8. Hãy không ngừng làm những việc tốt. Cứ làm những việc tốt cần làm, bạn sẽ nhận được gấp mười lần những điều tốt đẹp đến không ngờ.
9. Lắng nghe từng lời đề nghị. Có thể trong số những đề nghị ấy thoạt đầu bạn không quan tâm, nhưng có những điều có thể là bước ngoặt trong sự nghiệp của bạn.
10, Sẵn sàng chấp nhận những thỏa thuận phù hợp. Trong kinh doanh, không ít người nghĩ rằng, hễ có ai đó sẵn sàng trả một giá cao cho sản phẩm của mình thì cũng sẽ có người khác sẵn sàng trả giá cao hơn. Đừng để bạn rơi vào cái bẫy thông thường này.
Chương 8: Yêu mến khách hàng của mình
Lòng chân thành bao giờ cũng giúp ta chiếm được cảm tình từ phía người khác. Không những phải tôn trọng khách hàng, mà ta còn phải thực sự quan tâm đến họ nữa.
Đến một lúc nào đó trong cuộc hành trình trở thành người giàu đích thực, bạn sẽ có thể dồn mối quan tâm của mình vào mọi người quanh bạn.
1. Đến lúc nào bạn quyết định cho người ta những gì thực sự quan trọng với mình mà không mong người ta đáp trả, thì lúc ấy, hành động cho đi của bạn mới là đích thực.
2. Ai cũng là người quan trọng cả. Bạn có thể tạo ra được những điều khác biệt trong cuộc đời của mỗi con người bạn gặp gỡ nếu bạn có thái độ tôn trọng với hết thảy mọi người.
3. Hãy tạo ra điều khác biệt trong cõi đời này.
4. Hãy truyền cảm hứng tinh thần đến người khác. Tôi không bao giờ muốn mình trở thành tấm gương kinh doanh trẻ duy nhất dành cho các trẻ em người Mỹ gốc Phi nghèo khó. Tôi muốn tạo ra hàng nghìn tấm gương như thế.
5. Đừng ngại khi phải nhận bất cứ thứ gì người ta tặng, đặc biệt là khi bạn sẽ dùng những gì nhận được đó để phục vụ những người khác. Đó chính là mặt kia của hành động cho đi.
6. Đừng che giấu những khả năng bạn có; hãy tìm cách thể hiện và phát triển chúng lên. Cảm thấy thỏa mãn với những thành công đã đạt được để rồi không còn muốn phấn đấu gì nữa, đó không phải là thái độ của người giàu đích thực.
7. Đừng vội bằng lòng với những gì chưa phải là tốt nhất. Nếu bạn thực sự muốn đạt đến một điều gì đó, không có lý do gì bạn phải dừng lại ở những điều bạn chưa coi là tốt nhất.
8. Đây là bốn từ quan trọng nhất bạn luôn phải đặt trên cửa miệng: “cảm ơn” và “xin lỗi”. Cố gắng dùng hai cụm từ này càng nhiều càng tốt.
Chương 9: Đừng bao giờ coi thường sức mạnh của các mối quan hệ
Trái đất tròn, vì thế đừng bao giờ ném cái nhìn hờ hững vào bất kỳ ai ta có dịp gặp gỡ trong đời. Cả khi ở một mình, ta cũng cần xử sự như thể có ai đó đang chăm chú dõi theo ta; và kỳ thực, những gì ta đang làm, người người đều biết thấu.
Thành công không định nghĩa được cuộc sống. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ phải ngồi lại để xác định cho được đâu là điều quan trọng nhất với bạn. Do đó, cái bạn cần phải là một tầm nhìn đích thực.
1. Luôn để ý chăm lo sức khỏe mình. Hành động vắt cạn sức khỏe để làm việc cho đến chết, hoặc cứ mải miết nhìn về tương lai mà quên mất việc dành thì giờ để tận hưởng niềm vui hiện tại sẽ cướp mất của bạn giá trị đích thực của những gì đang sở hữu.
2. Nỗ lực làm việc hết mình là điều quan trọng, nhưng phải nhớ rằng, bạn không thể điều khiển được cả thế giới này. Hãy bỏ qua những gì bạn không thể kiểm soát được, để tập trung vào những gì nằm trong khả năng của bạn.
3. Phải hiểu rõ lịch sử đời bạn. Đời bạn trên cõi trần này không dài lắm đâu. Hãy nỗ lực để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn cho những thế hệ tiếp sau.
4. Đền đáp gia đình, trả ơn bè bạn. Tôi đã tặng bà ngoại tôi một công ty để bà làm chủ; tôi cũng tặng mẹ một ngôi nhà tiện nghi. Nhưng rồi tôi nhận ra, món quà có giá trị nhất bạn có thể dành tặng những người bạn yêu thương chính là thì giờ của bạn.
5. Luôn hành động như thể có ai đó đang dõi mắt theo bạn, bởi vì bao giờ cũng có người này người kia chăm chú dõi theo những gì bạn đang làm. Nếu ở khuất mắt người khác mà bạn không sống trung thực, thì bạn không bao giờ là người trung thực thật sự. Trong mọi việc bạn làm, nếu bạn có thái độ đàng hoàng, ngay thẳng, chắc chắc kết quả bạn thu được sẽ tích cực.
6. Một cuộc khủng hoảng có thể giúp củng cố tầm nhìn và những dự kiến của bạn, nhưng việc gì bạn phải đợi một cuộc khủng hoảng như thế? Hãy suy nghĩ về những điều bạn cảm thấy hối tiếc khi một người quan trọng nào đó đột ngột lìa bỏ bạn mà đi. Chẳng có lý do gì để bạn không sống mỗi phút giây trôi qua như thể đó là phút giây cuối cùng của cuộc đời bạn.
Nguyên tắc tặng thêm: Chọn đúng đối tác
Một đối tác tốt sẽ làm sự nghiệp của bạn mở ra những hướng có thể không hề được nghĩ tới trước đó. Vẫn lại là vấn đề giá trị thực nằm ở con người chứ không phải ý tưởng.
Hãy mài giũa những phẩm chất và tài năng tuyệt vời trong bạn, và những người khác sẽ giúp bạn chứng tỏ những điều đó.
Theo DNSG