Đằng sau câu hỏi của nhà tuyển dụng

Đối mặt với nhà tuyển dụng, với những câu hỏi phỏng vấn, dù bạn là người thực sự “lão luyện”, dạn dày kinh nghiệm trong hành trình tìm việc, bạn cũng đừng chủ quan.

Ảnh minh họa

Những câu hỏi nhà tuyển dụng đưa ra nhiều khi nghe có vẻ rất đơn giản nhưng đừng vội vàng hay trả lời qua quýt, hãy đọc được ẩn ý của nhà tuyển dụng đằng sau những câu hỏi tưởng như quá dễ ấy để trả lời đúng và trúng.

1. Tại sao bạn ứng tuyển vào công ty chúng tôi
Một câu hỏi xưa như trái đất, nghe chẳng có gì mới mẻ. Chắc chắn không ít người khi gặp câu hỏi này đều thao thao bất tuyệt ca ngợi về công ty của nhà tuyển dụng. Họ sẽ không tiếc lời để kể ra những thành tích, triển vọng của công ty “tương lai” và đó sẽ là lý do để họ aplly vào công ty.
Câu trả lời như thế không sai nhưng chắc chắn, đó không phải nội dung nhà tuyển dụng cần nghe ở bạn. Bạn nên hiểu rằng, đây chính là cơ hội để bạn thể hiện sự hiểu biết của mình về sự khác biệt, những điểm nổi bật của công ty so với các đối thủ cạnh tranh.
Khôn ngoan hơn, bạn nói những điều mình biết về sản phẩm, dịch vụ mà công ty đang cung ứng ra thị trường, chỉ ra những lợi thế hay mặt hạn chế của nó. Nói cách khác, nhà tuyển dụng muốn biết bạn thực sự quan tâm đến công ty chứ không phải là gọi bạn đến để nói những lời ca ngợi không cần thiết. Nếu có thể, bạn hãy đề cập đến một vấn đề gì đó mà bạn thấy thực sự quen và nếu làm việc ở đây, bạn có thể cống hiến kinh nghiệm cũng như khả năng của mình một cách tối ưu.

2. Điểm mạnh, điểm yếu của bạn
Nếu nhà tuyển dụng hỏi rằng: “Điểm mạnh của bạn là gì”, không cần thiết phải liệt kê một cách cơ học những ưu điểm của bản thân. Thay vào đó, bạn sẽ chọn ra điểm mạnh nổi trội phù hợp nhất với vị trí tuyển dụng, để ông chủ tương lai thấy rằng, bạn có khả năng cống hiến và đóng góp cho công ty. Tất nhiên, có thể bạn còn nhiều ưu điểm khác nhưng việc bạn kể lể không chọn lọc lúc này có thể khiến nhà tuyển dụng phân tán, họ không thể thấy rõ thế mạnh của bạn khi vào làm việc cho họ.
Khi nhà tuyển dụng hỏi về điểm yếu, không ít ứng viên thường vẫn cố gắng biến điểm yếu thành điểm mạnh theo cách biện luận nào đó vì họ sợ rằng, nói ra nhược điểm của mình chẳng khác nào “vạch áo cho người xem lưng”. Vì thế, họ sẽ cố gắng nói về những hạn chế của bản thân một cách nhẹ nhàng nhất, tạo cảm giác mình là người hoàn hảo.
Nhưng đó không phải là cách khôn ngoan. Tốt hơn cả, bạn nên thành thật với nhà tuyển dụng và hãy gắn nhược điểm đó với những thất bại bạn phải trải qua và những kinh nghiệm thu được. Đừng lo nhà tuyển dụng sẽ nhận thấy điểm yếu và không tuyển bạn, bởi như thế, bạn đã chỉ ra cho họ thấy, bạn đã sẵn sàng phục vụ họ một cách tốt nhất, thậm chí ngay cả khi có sự cố, bạn có thừa kinh nghiệm để khắc phục một cách nhanh nhất.

3. Làm việc độc lập hay theo nhóm
Đối với câu hỏi này, nhà tuyển dụng đang muốn thăm dò khả năng hòa hợp, tương tác với mọi người xung quanh cũng như khả năng xử lý công việc của bạn. Nếu bạn muốn làm việc độc lập, họ sẽ tìm hiểu xem liệu bạn có phải là người có năng lực và trách nhiệm cao không? Bạn có khả năng đưa ra những ý tưởng tốt khi làm việc trong một nhóm hay có thể kết nối các ý tưởng để đưa ra giải pháp tối ưu một cách nhanh nhất?
Dù làm việc độc lập hay theo nhóm, hãy thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy, bạn nhanh chóng hòa nhập với môi trường, hòa đồng với đồng nghiệp ở các cấp khác nhau không mấy khó khăn.
Có thể nói, phỏng vấn giống như một đoạn đường 2 chiều, với một loạt các câu hỏi có liên quan đến nhau theo hai hướng trái ngược nhau. Nhưng để tự tin và thành công cao hơn khi đi phỏng vấn, hãy dành thời gian tìm hiểu nhiều hơn về những vấn đề công ty đang gặp phải và đưa ra giải pháp theo ý của bạn.