“Bạo lực lạnh” ở công sở.

“Bạo lực lạnh” là một khái niệm thường được sử dụng trong quan hệ hôn nhân vợ chồng, nhưng khái niệm này bây giờ còn được mở rộng phạm vi sử dụng với các mối quan hệ đồng nghiệp tại công sở, gọi là “bạo lực lạnh nơi công sở”.

Ảnh minh họa

Cho đến nay, chưa có số liệu thống kê chính xác nào tại các công ty cho thấy có bao nhiêu phần trăm nhân viên phải chịu kiểu “bạo lực” này, cũng chưa có một cuộc điều tra cụ thể nào về vấn đề khá “nhạy cảm” này. Tuy nhiên, theo số liệu khảo sát của một trang web tuyển dụng khá uy tín tại Trung Quốc, thì gần 50% số nhân viên được hỏi cho biết họ đã từng gặp “bạo lực lạnh nơi công sở”.
1. “Bạo lực lạnh” nơi công sở là gì?
Thực ra, cũng chưa có định nghĩa chính xác giải nghĩa khái niệm trên. Theo số liệu khảo sát của trang web tuyển dụng nói trên, 36% số nhân viên được hỏi cho biết họ đã nghe qua khái niệm “bạo lực lạnh nơi công sở”. Có thể khái quát cụm từ này như sau: “Bạo lực lạnh nơi công sở” nhằm chỉ cấp trên hoặc tập thể dùng các hành vi phi bạo lực để công kích, chỉ trích, thậm chí đình chỉ công tác đối phương, gây ra một trạng thái tâm lý hoảng loạn, bất an, tổn hại nghiêm trọng đến tinh thần của người bị công kích.
Mặc dù hậu quả của “bạo lực lạnh nơi công sở” tương đối lớn, nhưng theo số liệu khảo sát thì chỉ có 16,9 % số nhân viên từng bị “bạo hành” đã tìm cách giải quyết vấn đề, số còn lại chỉ im lặng và cam chịu.
Những nhân viên bị hại thường luôn lo lắng, buồn phiền; điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc của họ. Một số nhân viên gặp “bạo lực lạnh” đã áp dụng phương pháp “Lấy bạo lực lạnh chống bạo lực lạnh”, có nghĩa là họ cũng sẽ dùng những hành động, cách thức như thế để công kích lại đối phương. Và khoảng 50% số người do không chịu được ức chế nên đã chọn biện pháp cuối cùng là nghỉ việc.
2. Nhận diện “bạo lực lạnh” nơi công sở
Theo kết quả điều tra và khảo sát, tác nhân chính gây ra tình trạng này 75% là xuất phát từ…cấp trên. Nếu bạn không hoàn thành tốt một việc mà “sếp” hay cấp trên giao cho thì “bạo lực lạnh” rất dễ xảy ra. Lúc này, bạn có thể bị chỉ trích nặng nề hoặc bị cảnh cáo bởi những lời răn đe kiểu như: “Lần sau không thực hiện theo đúng yêu cầu thì nghỉ việc” hay “Có thể tôi sẽ tìm một người khác thay cậu”.
Nhiều vị “sếp” chỉ vô ý nói rồi để đấy, có những sếp chỉ muốn nhân viên của mình làm việc một cách tích cực hơn, nhưng những lời nói và hành vi như vậy đều bị coi là “bạo lực lạnh nơi công sở”. Vì dù vô tình hay cố ý, thì những lời “dạy bảo” của “sếp” cũng ảnh hưởng lớn đến tâm lý và hiệu quả làm việc của nhân viên cấp dưới.
Chính vì nguyên nhân này, trang web tuyển dụng trên khuyến cáo các… “sếp” nên bình tĩnh để giải quyết mọi việc, không nên vì tức giận, vô ý hay cố ý mà gây tổn hại đến tâm lý, lòng tự trọng của nhân viên. Các sếp cũng không nên vì quá nóng tính hay thù ghét cá nhân mà gây ra sự lo lắng, sợ hãi cho người khác. Như vậy, hiệu quả công việc của người “bị hại” sẽ giảm sút nhanh chóng, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của công ty.
Nhiều nhân viên được hỏi cho rằng, “bạo lực lạnh” là hiện tượng khá phổ biến nơi công sở, cho nên họ không để ý hoặc nếu có thì cũng cam chịu bỏ qua. Tuy nhiên, nếu “bạo lực lạnh” thường xuyên xảy ra thì không thể coi thường được nữa. Có những trường hợp do áp lực công việc quá cao, bị sếp cảnh cáo hay răn đe nên nhiều nhân viên rơi vào trạng thái tâm lý hoảng loạn, rất dễ phát sinh các bệnh về thần kinh, có trường hợp đã phải tìm đến cái chết.
Do đó, khi rơi vào hoàn cảnh như vậy, bạn nên tìm cách giải quyết công việc chứ không nên quá lo lắng. Bạn có thể nói chuyện trực tiếp với cấp trên – người vừa gây ra “bạo lực lạnh” với bạn – để hai bên thông cảm cho nhau hơn. Nếu làm được như vậy, bạn vừa tránh được áp lực không cần thiết, vừa xây dựng được mối quan hệ đồng nghiệp, cấp trên cấp dưới tốt đẹp hơn.