Ngân hàng phá sản – không dễ

Việc Quốc hội thông qua Luật phá sản (sửa đổi) và dự kiến sau khi được Chủ tịch nước kí lệnh công bố sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015 đã mở ra cánh cửa mới đối với hệ thống ngân hàng (NH): Các tổ chức tín dụng (TCTD) được phép phá sản.

Phương thức chủ chốt để phục hồi một NH trên thị trường VN 
thời gian qua vẫn là mua bán sáp nhập hoặc thay máu chủ sở hữu
Điều đó có nghĩa từ ngày 1/1/2015, khoảng 5 tháng nữa, nếu xuất hiện những TCTD yếu kém và hoạt động âm vốn chủ sở hữu, nguy cơ phá sản một NH đã có thể xảy ra?
“Bóng” ở chân ai?
Luật phá sản (sửa đổi) gồm 9 Chương, 133 Điều, quy định về trình tự, thủ tục nộp đơn, thụ lý và mở thủ tục phá sản; xác định nghĩa vụ về tài sản và biện pháp bảo toàn tài sản trong quá trình giải quyết phá sản; thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh; tuyên bố phá sản và thi hành quyết định tuyên bố phá sản. Trong đó, luật dành riêng một chương quy định về thủ tục phá sản TCTD với 2 điểm quy định đáng lưu ý:
Thứ nhất, các chủ nợ như người lao động, công đoàn; cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông; thành viên hợp tác xã đều có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với TCTD sau khi Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN) có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà TCTD vẫn mất khả năng thanh toán; hoặc trong trường hợp TCTD không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì NHNN nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với TCTD đó.
Thứ hai là Tòa án nhân dân sẽ thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản TCTD khi đã có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán của NHNN mà TCTD vẫn mất khả năng thanh toán.
Cả hai điểm đều cho thấy luật xác lập vai trò quan trọng của NHNN đối với trường hợp phá sản một TCTD. Nói cách khác NHNN hoàn toàn nắm quyền chủ động trong việc cho phép, hoặc không cho phép đi tới phá sản một TCTD. Điều đó, cùng với việc dành một chương riêng quy định về thủ tục phá sản TCTD chứng tỏ các nhà làm luật (Ban soạn thảo Luật, các cơ quan liên bộ ngành như Bộ Tư pháp, NHNN) đã rất quan tâm đến khuyến nghị cấp thiết của các chuyên gia về kinh tế vĩ mô và tư vấn chính sách thuộc nhóm NH Thế giới (gồm NH Thế giới và các đơn vị trực thuộc) tại VN, với nội dung là: “Luật phá sản sửa đổi nên quy định thủ tục và nguyên tắc đặc biệt cho NH, nên có một chương riêng hoặc có các ngoại lệ và quy định khác. Luật cần phải xác định rõ ngưỡng để mở thủ tục phá sản ở giai đoạn đủ sớm bởi trong phá sản NH, mục tiêu chính là kiềm chế ngoại ứng tiêu cực và duy trì sự ổn định tài chính và sự tin tưởng vào hệ thống tài chính. Chính vì thế, cần thiết phải hành động ngay trong phá sản NH”.
“Ngưỡng” quyết định ở đây và người nắm quyền “cần thiết phải hành động” ở đây chính là NHNN. Như vậy thì hiện nay, cho dù Luật phá sản được thông qua, các TCTD nếu muốn, cũng chẳng tùy ý tự mở được thủ tục phá sản. “Bóng” trên sân vẫn luôn ở trong chân nhà quản lí!
Xu hướng vẫn là sáp nhập
Thực tế, mặc dù có luật nhưng với VN, có lẽ vẫn không dễ để có trường hợp NH phá sản. Chưa nói đến chuyện lo ngại tâm lí thị trường ở một thị trường mà tâm lí đám đông luôn dẫn dắt, thì chỉ cần nhìn lại cách đây ba năm, khi một loạt các NH yếu kém bao gồm SCB, Ðệ Nhất, VN Tín Nghĩa, Habubank… bị khoanh vùng bắt buộc tái cơ cấu, nhưng đã không có trường hợp NH nào bị rơi vào phá sản, cũng đã đủ biết ở ta, việc phá sản một NH hoàn toàn không dễ. Tại thời điểm đó, VN chưa phải không có luật. Chúng ta đã có sơ bộ khung pháp lý về phá sản các TCTD bao gồm Luật Phá sản năm 2004 và Nghị định số 05/2010/NĐ-CP ban hành ngày 18/1/2010 hướng dẫn Luật phá sản 2004 quy định chi tiết thủ tục phá sản TCTD. Trước với tình hình rất khó đã như vậy, thì nay liệu NHNN có sẵn sàng để một TCTD đi vào phá sản?
Cũng nhìn lại các trường hợp tái cơ cấu trong quá khứ của các NH yếu kém, bốn NH “biến mất” để sáp nhập vào NH khác là Đệ Nhất, VN Tín Nghĩa, Habubank và WesternBank, một NH là TrustBank đổi tên từ thay máu chủ sở hữu và cũng thay đổi mục tiêu hoạt động, trở thành VNCB – NH Xây dựng VN, ba NH là TienphongBank, GP Bank, NaviBank đều tự tái cơ cấu, có thể thấy phương thức chủ chốt để phục hồi một NH trên thị trường VN thời gian qua vẫn là mua bán sáp nhập hoặc thay máu chủ sở hữu. 
Thị trường hiện tại còn 34 nhà băng. Năm 2014, có một số nhà băng đã lên kế hoạch M&A. Trong số đó có những NH lớn như Vietcombank, Vietinbank, SeaBank… Đây phải chăng chính là các NH nằm trong danh sách “đại phẫu” không loại trừ trong thời gian tới mà NHNN đề cập? Nếu đúng như vậy thì không khó để nhận diện rằng M&A đã và vẫn sẽ tiếp tục là phương thức chủ đạo để NHNN thực thi tái cơ cấu NH, cho dù là quyết liệt hơn nữa, cho dù là đã có… Luật phá sản.

Ý nghĩa cho dài hạn…
Nhưng còn hơn 1 năm mới đến đích 2015 của đề án tái cơ cấu NH 2011 – 2015, chẳng thể biết trước được liệu có nhà băng nào bị rơi vào phá sản?
Câu hỏi này hẳn không chỉ khiến các nhà băng lo lắng, bởi chỉ ở trong chăn, mới biết chăn có rận. Chỉ có chính các nhà băng mới biết sức khỏe thực sự của họ, đặc biệt là vấn đề nợ xấu của họ, có ăn mất vốn chủ sở hữu hay chưa. Và cũng chỉ có họ mới biết chân tơ kẽ tóc đường đi nước bước của mạng nhện sở hữu chéo NH, ai mới là những ông chủ thực sự của NH cũng như dòng vốn đổ vào sở hữu cổ phần chi phối các NH có bao nhiêu là vốn thực…
Một nguồn tin riêng của DĐDN cho hay, hiện tại, đã có một tổ chức kiểm toán quốc tế thực hiện nghiên cứu khảo sát nghiêm túc về vấn đề nợ xấu và mạng lưới sở hữu chéo trong hệ thống nhà băng, theo “đặt hàng” của NHNN. Đây sẽ là nền tảng để NHNN có cơ sờ tận chân, lần tận ngọn các vấn đề khiến hệ thống nhà băng luôn có chuyện? Vấn đề là nếu NHNN có cơ sở để quyết liệt xử lí sở hữu chéo và nợ xấu, thì nguồn lực hỗ trợ chỉ từ VAMC liệu có đủ?
Không phải ngẫu nhiên mà ông Đỗ Thiên Anh Tuấn – Giảng viên Chương trình Fulbright mới nhìn nhận rất thẳng thắn rằng hoạt động tái cấu trúc hệ thống NH hiện nay vẫn còn khá… viển vông, cho dù TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lí Kinh tế Hà Nội hay TS Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu Giá cả Bộ Tài chính đều từng khẳng định rằng, “tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là một trong những điểm sáng tích cực trong bộ ba mũi nhọn tái cơ cấu của nền kinh tế 2 năm qua”, và “hệ thống nhà băng hiện nay đã ổn định hơn”.
Không chỉ có các NH mới lo. Người dân cũng đang lo. Mười mươi cho rằng NHNN sẽ không để “ném chuột vỡ bình”, chấp nhận cho một NH mở thủ tục phá sản nhưng với khoản tiền bảo hiểm chỉ 50 triệu đồng/trên một sổ tiết kiệm, cộng thêm tuyên bố sẽ mạnh tay đại phẫu với cả những NH lớn, ai có thể kê cao gối ngủ yên trong nỗi lo một ngày đẹp trời, một NH lớn có tăng trưởng huy động đều đều mỗi tháng… sẽ tuyên bố mở thủ tục phá sản? 
Nói đi rồi nói lại, phá sản một NH không phải là biện pháp dễ làm nhất. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú từng khẳng định rằng: “Từ giờ đến năm 2015, NHNN đã có kế hoạch rất cụ thể về các nhóm nhiệm vụ cơ cấu lại đối với mỗi loại hình TCTD, trong đó có các NHTM nhà nước. Trong ngắn và trung hạn, mục tiêu tái cơ cấu lại hệ thống các TCTD là duy trì sự ổn định của hệ thống, đảm bảo khả năng thanh khoản và sự hoạt động liên tục của các NH. Giải quyết vấn đề (nếu có) của từng NH, ngăn chặn sự lây lan (gây hiệu ứng rút tiền hàng loạt trong toàn hệ thống). Khôi phục niềm tin vào hệ thống NH. Trong dài hạn, việc tái cấu trúc hệ thống NH hướng đến các thay đổi căn bản trong từng NH và cả hệ thống để có khuôn khổ quản trị mới, cải thiện hiệu quả hoạt động, tăng tính cạnh tranh và khả năng chống đỡ rủi ro, tăng cường cơ sở hạ tầng hệ thống và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính của các tổ chức kinh tế và công chúng”.
Khôi phục niềm tin vào hệ thống NH rõ là một trong những mục tiêu lớn. Phá sản một NH theo đó, hẳn không phải là một biện pháp dễ làm và có ý nghĩa khôi phục niềm tin vào hệ thống NH của người dân trong ngắn hạn. Nhưng ngược lại, nó lại cũng có thể là liều thuốc câu dẫn niềm tin ngấm dần vào lòng dân và thị trường qua thời gian, khi hy vọng về một cơ chế thị trường minh bạch trong tương lai mà NH Việt đang nỗ lực tiếp cận, ít nhất sẽ bắt đầu sáng sủa hơn từ… Luật!

Theo dddn