Đã 12h trưa tại sàn giao dịch việc làm trên đường Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội), anh Nguyễn Quang Minh vẫn chúi đầu vào mục rao vặt trên các tờ báo, hi vọng tìm được một công việc phù hợp để chấm dứt quãng thời gian đằng đẵng không lương ở cơ quan cũ.
Ảnh minh họa
Anh Minh sinh năm 1978, từng theo học ngành Tài chính kế toán (Đại học Phương Đông). Thời kỳ ra trường anh tìm việc rất dễ dàng.
“Cách đây 10 năm, kiếm một công việc làm rất đơn giản. Tôi vừa ra trường đã được nhận về một công ty lớn. Lúc chán tôi lại chuyển vài công ty khác mà chẳng thấy khó khăn gì. Không lâu sau đó, tôi đầu quân cho một công ty nhà nước hoạt động trong lĩnh vực tàu biển, trụ sở ở Hàng Trống, Hà Nội”, anh kể.
10 năm qua, anh Minh gắn bó với công ty này dưới chức vụ một chuyên viên tài chính, công việc chủ yếu là huy động, phân bổ vốn. Thu nhập từ nghề cũng đảm bảo cho anh cuộc sống ổn định.
Thế nhưng gần đây, công ty làm ăn thu lỗ, không có mối kinh doanh. Anh Minh lâm vào cảnh không có việc để làm và 6 tháng rồi không được trả lương.
Anh tâm sự: “Có ngủ tôi cũng chẳng thể ngờ công việc từng là mơ ước của bao nhiêu người giờ lại không thể nuôi sống tôi. Nếu cứ kéo dài tình trạng này, tôi sẽ không còn tiền để nuôi vợ và hai đứa con nữa. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi buộc phải tìm một công việc mới”.
Bữa nay là lần đầu tiên anh Minh qua trung tâm này kiếm việc. Anh dự định sẽ tìm những việc về lĩnh vực tài chính, kế toán, ngân hàng nhưng rồi sau nửa ngày tìm kiếm, người đàn ông này đành buồn bã ra về.
Bước thẩn thờ giữa trời nắng gay gắt, khuôn mặt anh lộ rõ vẻ chán nản: “Tôi cứ nghĩ mình có trình độ, có kinh nghiệm thì sẽ dễ có việc làm thôi. Thực tế không phải vậy, có rất nhiều bạn sinh viên tốt nghiệp những trường đại học danh giá với bằng loại ưu vẫn đang xếp hàng dài chờ việc. Họ có tuổi trẻ, năng động và quan trọng hơn, họ dám chấp nhận bắt đầu từ con số 0, trong khi tôi vẫn chưa sẵn sàng với việc đó”.
Cũng “thảm cảnh” như anh Minh, nửa năm nay Nguyễn Thị Huyền (Thái Nguyên) đau đầu vì mình là kẻ “vô công rồi nghề”.
Huyền tốt nghiệp loại khá ngành Kế Toán, Đại học Thương mại (Hà Nội). Trong thời sinh viên cô đi thực tập cho một công ty nhỏ ở Mỹ Đình (Từ Liêm) nên ra trường liền xin về đó làm việc. Trước đây 6 tháng, Huyền có công việc đáng để nhiều bạn mơ ước.
Cô nói: “Tôi làm gần nhà trọ, công việc ít phải đi lại, lương cũng tương đối. Những tưởng mình sẽ ổn định cho đến khi tìm được chỗ mới tốt hơn. Ai dè đùng một cái, công ty giảm bớt nhân viên, tôi thuộc diện phải ra đi đầu tiên”.
Gần nửa năm nay Huyền lang thang nộp hồ sơ rất nhiều nơi nhưng không công ty nào gọi đi phỏng vấn. Ngoài tự tìm việc, cô cũng nhờ anh em, bạn bè giới thiệu nhưng cũng chưa được mối nào. Thành thử, cả ngày Huyền ở nhà làm “bảo mẫu” cho cô bạn cùng phòng.
“Tôi thật chẳng dám nghĩ đã nửa năm rồi, tôi thui thủi trong bốn bức tường, cả ngày ôm cái laptop tìm việc. Nhiều khi áp lực, xấu hổ, chán nản làm tôi thấy mình là một kẻ vô dụng, bất lực. Đầu lúc nào cũng muốn nổ tung, không thiết sống. Thực sự kiếm một công việc khó thế sao?”, cô gái trẻ tự hỏi.
Dù có việc nhưng cô bạn cùng phòng với Huyền cũng không mấy khá hơn. “Cô ấy làm việc cho công ty của người quen nhưng một năm nay mà mức lương vẫn giậm chân ở mức 1,5 triệu đến 1,8 triệu. Dù chán nhưng cô ấy cũng không dám bỏ vì biết chắc sẽ không tìm được việc”.
Không còn ảo tưởng về nghề nghiệp như ngày mới ra trường, giờ đây Huyền chỉ mong tìm được một việc thu ngân hay bán hàng gì đó để lấy kinh nghiệm. “Giá như có việc, sáng nào cũng sửa soạn đi làm, chiều tối lại về thì sẽ hãnh diện làm sao”, Huyền nói.
Là kĩ sư xây dựng ra trường từ năm ngoái, vừa ra trường đã được nhận thẳng về một công trình thế nhưng 3 tháng gần đây, Nguyễn Mạnh Quỳnh (Thanh Hóa) luôn sống trong cảnh nhịn đói qua đêm vì thất nghiệp.
Công việc đầu đời của Quỳnh là tại một công ty xây dựng ở khu vực cầu Vĩnh Tuy (Thanh Trì, Hà Nội). Ngoại trừ việc hay phải trực đêm thì cậu hoàn toàn hài lòng nó. Nhưng rồi cơn bão suy thoái kinh tế cũng ập đến cơ quan, Quỳnh phải dứt áo ra đi.
“Vì kinh tế suy thoái mà lương trả rất chậm, làm tháng này tận hai tháng sau mới có lương. Lúc nào tôi cũng sống trong cảnh túng thiếu. Ai đời thanh niên trai tráng lại đi xin tiền ông già, ấy thế mà tôi cứ phải muối mặt xin bố mẹ liên tục”.
Với suy nghĩ “bỏ chỗ này kiếm việc chỗ khác, mình có kinh nghiệm, bằng cấp thì lo gì”, Quỳnh mang 10 bộ hồ sơ rải khắp các công ty xây dựng, hồ hởi chờ cơ hội đến.
“Một tháng, hai tháng, ba tháng nhưng tất cả đều biệt tăm. Tôi không có việc làm nên cả ngày chỉ chơi bời. Hết đi đàn đúm, cà phê rồi dạt nhà đi chơi vài hôm, đã túng lại càng túng”, cậu bộc bạch.
Cách đây 2 tuần, Quỳnh thi tuyển vào một doanh nghiệp lớn. Tuy khả năng đậu là không tưởng nhưng cậu vẫn kỳ vọng: “Chỉ còn một ngày nữa là biết kết quả thôi. Hoặc là tất cả hoặc là không có gì”, chàng trai tâm sự trên Facebook.
Rồi cơ hội này lại tuột khỏi tay Quỳnh. Cùng đường, cậu đành về quê để tiết kiệm chi phí. Nghe bạn bè nói lại rằng Quỳnh không bám trụ thủ đô nữa mà sẽ nhờ người xin việc ở quê.
Một chuyên viên tư vấn tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết trong thời điểm hiện tại có rất nhiều người đến trung tâm tìm việc, không kể là sinh viên vừa ra trường hay người đã đi làm lâu năm.
“Muốn đi làm nhiều người phải chấp nhận làm trái nghề hay thậm chí đi lao động phổ thông để có chi phí vượt qua thời điểm khó khăn”, chuyên viên này cho biết thêm.
Cũng theo số liệu của Trung tâm này thì trong 4 tháng đầu năm nay số người đăng kí thất nghiệp đã tăng gấp đôi so với cùng kì năm ngoái. Chỉ riêng tháng 10/2011, số người xin trợ cấp thất nghiệp đã là 2.300 người, gần bằng cả năm 2010.
Theo điều tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì trong năm 2011, cả nước có 63% sinh viên tốt nghiệp đại học cao đẳng trong cả nước ra trường không có việc làm. Chỉ 37% có việc làm nhưng nhiều người làm trái nghề hoặc phải qua đào tạo lại.