Tuyển dụng bằng thể nghiệm thực tế

Công việc không như mong đợi là nguyên nhân hàng đầu khiến nhân viên nghỉ việc. Nhằm giảm thiểu tỉ lệ này, các nhà tuyển dụng một lần nữa “làm sống lại” phương pháp tuyển dụng thông qua thể nghiệm thực tế (Realistic Job Preview). 

Ảnh minh họa


Cũ mà vẫn hiệu quả
Một ví dụ tiêu biểu cho hình thức thể nghiệm thực tế công việc là tuyển dụng của Khách sạn Hilton Baltimore BWI Airport. Trong một phòng trên tầng 11, Tishuana Hodge, chuyên viên nhân sự, đang quan sát một ứng viên tiềm năng chật vật dọn giường theo trình tự chính xác mà cô đã làm mẫu trước đó vài phút. Cách thức mà ứng viên thực hiện công việc sẽ quyết định liệu họ có được nhận hay không. 

Phương pháp tuyển dụng này thực ra không hề mới. Nó đã được áp dụng từ thập niên 1950 và hiện đang hưng thịnh trở lại. Các chuyên gia nhân sự sử dụng hình thức này với những ứng viên thiếu hoặc chưa hề có kinh nghiệm. Tác dụng của nó là giúp ứng viên thấy rõ tất cả các khía cạnh tích cực cũng như thách thức của công việc như phải làm ca đêm, trực ngày lễ hay tăng ca. 

Trải nghiệm công việc thực tế cũng giúp ứng viên thấy được khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế để đi đến quyết định chọn hoặc từ bỏ công việc mà không cần phải trải qua quá trình thử việc. Nhờ đó, nhà tuyển dụng giảm thiểu được tỉ lệ nghỉ việc và tăng mức độ hài lòng của nhân viên với công việc. 
Một hình thức khác là các mô tả công việc bằng video thay cho bản mô tả công việc được đánh máy thông thường. Video sẽ mô tả sinh động những nhiệm vụ của vị trí cần tuyển, những lợi ích, đồng thời cả những mặt kém hấp dẫn của công việc đều được thể hiện. Bằng cách này, lượng người nộp đơn ứng tuyển sẽ ít đi, nhưng đảm bảo được lượng người cam kết gắn bó với công việc. 

6 nguyên tắc khi tổ chức thể nghiệm thực tế công việc
• Nguyên tắc 1: Hãy ứng dụng phương pháp thể nghiệm thực tế linh hoạt theo nhiều định dạng khác nhau (chẳng hạn như video, tham quan văn phòng hay giao nhiệm vụ thực tế) trong các vòng khác nhau của cả quá trình tuyển dụng. 
• Nguyên tắc 2: Luôn thành thật, cho ứng viên biết tất cả các vấn đề liên quan đến công việc, ngay cả những khía cạnh không mấy dễ chịu: áp lực cao, quy trình qua nhiều bước phức tạp, hoặc hệ thống phần mềm chưa được xây dựng hoàn chỉnh, v.v…
• Nguyên tắc 3: Nên đảm bảo sao cho tất cả các buổi thể nghiệm thực tế đều được thực hiện như nhau và công bằng đối với mọi ứng viên. Nên sử dụng băng thu âm, các đoạn video và văn bản giấy – thay vì nhân viên tuyển dụng – khi chuyển giao thông tin nhằm đảm bảo mọi ứng viên đều nhận được một thông điệp như nhau.
• Nguyên tắc 4: Trong trường hợp yêu cầu công việc ở công ty bạn quá khác với những công ty thông thường, có thể cân nhắc việc cho ứng viên ký vào thỏa thuận đồng ý trước khi tham gia thể nghiệm công việc. Chẳng hạn, những công việc đặc thù như trực tổng đài hay thám tử…
• Nguyên tắc 5: Khi cắt cử người tham gia hướng dẫn, giám sát và đánh giá ứng viên, hãy đảm bảo họ nắm được tiêu chí của đợt tuyển dụng và có những kỹ năng cần thiết để chọn lựa ứng viên phù hợp. 
• Nguyên tắc 6: Thiết kế chương trình thể nghiệm là khâu quan trọng nhất, bạn hãy đảm bảo tạo ra được một chương trình thể nghiệm sát thực tế và thật hiệu quả về mặt thời gian cho cả ứng viên lẫn nhân viên tuyển dụng của bạn. 
Tuy gia tăng được hiệu quả tuyển dụng, thể nghiệm thực tế công việc lại là một phương pháp đòi hỏi nhiều chi phí cũng như thời gian để chuẩn bị. Nó cũng không phát huy nhiều hiệu quả đối với những ứng viên đã thông thạo các quy trình làm việc hoặc ở cấp lãnh đạo. Mặc dù vậy, triển vọng phát triển của phương pháp này rất lớn, đặc biệt đối với những ứng viên chưa có nhiều kinh nghiệm, hoặc những công việc đòi hỏi mức độ thực hành hoặc tương tác cao, giúp đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của những ngành đang phát triển như tin học, công nghệ hóa sinh, dịch vụ nhà hàng khách sạn… đồng thời có sự hỗ trợ mạnh mẽ của các tiến bộ về kỹ thuật, truyền thông và mạng xã hội.