5 Bí Quyết Tuyển Người Tài

Bạn thường dùng phương pháp nào để tuyển chọn ứng viên giỏi cho mình? Theo các chuyên gia tuyển dụng nhân sự, một số bí quyết đơn giản sau có thể giúp bạn “săn” được người phù hợp với ít công sức nhất.

Ảnh minh họa

Bạn hãy tìm những ứng viên nào có thể đáp ứng các yêu cầu sau:

1. Ăn mặc chuyên nghiệp

Ứng viên cần ăn mặc chuyên nghiệp khi đi phỏng vấn vì ấn tượng đầu tiên có vai trò rất quan trọng đối với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn cứng nhắc đòi hỏi ứng viên phải trịnh trọng trong bộ complê và chiếc cà vạt truyền thống. Một ứng viên biết chọn trang phục phù hợp với văn hóa công ty là người đang nghiêm túc tìm kiếm cơ hội làm việc với công ty đó.

2. Chuẩn bị chu đáo

Bất kỳ ứng viên nào đi phỏng vấn cũng cần chuẩn bị kỹ về công ty tuyển dụng. Vì vậy, hãy hỏi ứng viên càng nhiều càng tốt những gì họ biết về hoạt động và thành tích của công ty. Hãy hỏi ứng viên vì sao họ chọn công ty bạn? Nếu ứng viên mơ hồ về điều này, rõ ràng họ không có ý định gắn bó nghiêm túc với công ty bạn.

3. Có khả năng trình bày rõ ràng

Một ứng viên giỏi sẽ biết cách trình bày ý kiến của mình một cách rõ ràng. Ngoài ra, họ còn có khả năng diễn đạt mạch lạc và súc tích quan điểm bản thân. Vì vậy, khi bạn cảm thấy ứng viên trả lời còn mơ hồ, chưa thống nhất, hãy “ép” ứng viên nói thêm để kiểm tra xem ứng viên có khả năng trình bày mạch lạc rõ ràng hay không.

4. Có phong thái tự tin:

Tự tin khác với kiêu ngạo. Một ứng viên thật sự giỏi luôn nhún nhường, khiêm tốn, nhưng họ biết rõ sở trường của mình và tự tin về điều này. Họ cũng biết chấp nhận những khuyết điểm và tìm cách khắc phục những hạn chế của bản thân.

5. Có phong cách thể hiện chuyên nghiệp

Hãy chọn ứng viên có thể làm việc chuyên nghiệp và dễ hòa đồng với mọi người xung quanh. Những ứng viên này sẽ dễ dàng thích nghi với môi trường làm việc mới.

Ngoài ra, 5 câu hỏi dưới đây sẽ giúp bạn “nhìn thấu” được khả năng thực sự của ứng viên:
1. “Đồng nghiệp thường đánh giá anh/chị là người thế nào?”

2. “Anh/chị không thích làm công việc nào? Anh/chị làm thế nào để hoàn thành tốt những công việc này?”

3. “Anh/chị đã bao giờ phạm phải sai lầm nào ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự thành công của dự án hay đe dọa mối quan hệ tốt đẹp của công ty với khách hàng? Anh/chị đã khắc phục sai lầm đó như thế nào?”

4. “Điều gì làm anh/chị phấn chấn trong công việc?”

5. “Anh/chị có thể kể lại tình huống công việc vui nhất đã có từ trước đến nay?”