5 sai lầm phổ biến khi bán hàng

Bài viết của tác giả Nick Hedges – Chủ tịch/CEO của Công ty Velocify chuyên về lĩnh vực phần mềm và tiếp thị trực tuyến xác định những sai lầm phổ biến trong quy trình bán hàng giúp tăng mức độ hài lòng nơi khách hàng và duy trì lượng khách hàng trung thành cho doanh nghiệp:
Tôi vẫn luôn nói với nhân viên kinh doanh mới tuyển, rằng người bán hàng giỏi là người thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc với khách hàng. Khả năng này có thể xuất phát từ bản năng tự nhiên hay qua rèn luyện. Hãy luôn đặt mình vào vị trí của khách hàng tiềm năng.

Tìm hiểu về khách hàng tiềm năng giúp bạn tránh được sai lầm lớn trong quá trình bán hàng. Hãy làm một bài tập nho nhỏ. Tưởng tượng bạn được giao nhiệm vụ mua một sản phẩm công ty đang rất cần.
Sau nhiều giờ nghiên cứu và đọc qua các đánh giá, bạn đã tìm ra giải pháp hoàn hảo. Bạn không muốn lãng phí thời gian và nhanh chóng điền thông tin trên trang web của người bán, háo hức chờ đợi phản hồi. Một vài phút biến thành một vài giờ, sau đó nhanh chóng trở thành một vài ngày. Thất vọng, bạn bắt đầu tìm kiếm các giải pháp thay thế.
Ví dụ này minh họa cho sai lầm lớn nhất mà đội ngũ bán hàng hay phạm phải, theo một khảo sát do Zogby Analytics thực hiện. Trong nghiên cứu này, một phần ba của người mua nói rằng kinh nghiệm tồi tệ nhất khi mua hàng trực tuyến là không nhận được phản hồi. Đáng ngạc nhiên là, người mua thà nhận được một cuộc gọi vô ích, thậm chí thô lỗ từ người bán hơn là không có cuộc gọi nào cả.
Kỳ vọng của người mua thay đổi theo thời gian. Người mua hiện nay không có nhiều thời gian và không kiên nhẫn như trước kia. Khi người mua không nhận được phản hồi kịp thời, họ sẽ chọn nơi khác ngay.
Sau đây là năm của những sai lầm phổ biến nhất bộ phận bán hàng nên cảnh giác:
1. Không trả lời, không phản hồi
Chuyện này mới nghe có vẻ khó tin nhưng chuyện nhân viên bán hàng không liên lạc, không trả lời hay phản hồi người mua, đặc biệt qua các kênh trực tuyến xảy ra rất thường xuyên.
Báo cáo gần đây Zogby Analytics cho thấy gần 1/3 khách hàng tiềm năng không nhận được phản ứng thích hợp từ nhóm bán hàng. Nếu công ty bạn muốn cải thiện trải nghiệm cho người mua, hãy để ý đến mọi câu hỏi và thắc mắc của khách hàng, trả lời nhanh chóng và hiệu quả nhất có thể.
2. Phản hồi chậm 
Người mua luôn mong đợi một phản ứng kịp thời trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi đặt hàng. Sau thời hạn đó, người mua bắt đầu nghi ngờ về tính chuyên nghiệp của công ty. Phản hồi chậm làm tổn thương danh tiếng của công ty và ảnh hưởng gián tiếp đến doanh thu. Các khách hàng tiềm năng nhanh chóng được phản hồi thắc mắc sẽ nhanh chóng quyết định mua hàng. Và điều này chỉ có lợi cho doanh nghiệp. 
Giao tiếp thường xuyên với khách hàng cũng giúp nhân viên bán hàng hiểu rõ hơn nhu cầu của khách, từ đó có kế hoạch tiếp cận thích hợp.
3. Dịch vụ khách hàng kém
Sai lầm lớn thứ 2 của đội ngũ là cung cấp dịch vụ khách hàng còn nhiều thiếu sót. Quy trình bán hàng chưa dừng lại sau khi bán được hàng. Sai lầm này diễn ra ở mọi ngành. Chẳng ai muốn được đối xử kém. Một lần nữa, hãy đặt mình vào vị trí người mua. Bạn muốn được đối xử ra sao thì hãy làm y như vậy với khách hàng.
4. ”Khủng bố” thông tin
Một quy tắc mà nhân viên bán hàng thường xuyên phá vỡ là gọi điện thoại hoặc gửi email quá thường xuyên. Khách hàng triển vọng thích nhận phản hồi nhưng họ cũng không muốn bị “bóp nghẹt” bởi thông tin. Phải xem lại liệu bạn có đang đặt mục tiêu quá cao hay không.
Nói chung, số lượng tối ưu của những nỗ lực gọi là sáu, và với các email đó là năm, dựa trên phân tích dữ liệu bán hàng từ một loạt các công ty. Trong thực tế, 93% của khách hàng tiềm năng đồng ý mua sau cuộc gọi thứ sáu.
5. Thông tin không đồng nhất 
Các nhân viên bán hàng cung cấp cho người mua thông tin mâu thuẫn hoặc khác biệt về sản phẩm, giá cả hoặc dịch vụ hậu mãi. Cung cấp thông tin thiếu chính xác và không nhất quán phá hoại hoàn toàn việc xây dựng lòng tin của khách hàng và niềm tin vào công ty.
Một đội ngũ bán hàng thành công phải được xây dựng cẩn thận, bài bản từ những chuyện nhỏ nhặt nhất. Mỗi cuộc gọi là một bước gần hơn đến thỏa thuận bán hàng và cần được xem như một cơ hội tăng doanh thu. Bằng cách tránh những sai lầm phổ biến trên, công ty sẽ cải thiện được danh tiếng trong mắt khách hàng và từ đó cải thiện doanh thu.

Theo INC/DNSG