Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: “Người Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc trong các doanh nghiệp Hàn Quốc, năng suất cũng không thua gì so với lao động Hàn Quốc”.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, ở Việt Nam, với trình độ thấp và vốn đầu tư theo chiều rộng nên năng suất lao động cũng không thể cao.
Trong một báo cáo mới phát hành gần đây, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tính toán rằng, năng suất lao động của người Việt Nam hiện đang ở mức thấp so với các nước ASEAN – 6 (các nước phát triển hơn trong ASEAN) và mức bét bảng so với các nước Châu Á – Thái Bình Dương.
Theo đó, năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1/5 lao động Malaysia, 2/5 Thái Lan và 1/15 Singapore.
Vì đâu một người Singapore làm việc bằng 15 người Việt?
Theo Bộ LĐTBXH, cách tính GDP/tổng số người lao động và “không phản ánh chính xác về năng suất lao động”
Vấn đề này một lần nữa được đặt ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều nay (30/9/2014). Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội Doãn Mậu Diệp, ASEAN có 10 nước thì có 4 nước là Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar thuộc nhóm lạc hậu hơn so với các nước còn lại nên “năng suất lao động thấp hơn cũng là đúng thôi”.
Tuy nhiên, ông Diệp cũng lưu ý rằng, con số năng suất lao động thấp không phải do bất cứ cơ quan nào của Việt Nam đưa ra. Ở đây, năng suất lao động chỉ được tính rất đơn giản: GDP/tổng số người lao động và “không phản ánh chính xác về năng suất của người lao động”.
Theo đại diện của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, GDP ít nhất phải do 3 thành tố tạo ra: lao động, vốn đầu tư và trình độ công nghệ. Do đó, cần phải xem đóng góp của yếu tố lao động trong GDP, phải tính được giá trị gia tăng thì mới phản ánh được chính xác hơn về năng suất lao động.
Trước báo giới, ông Diệp nói: “Người Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc trong các doanh nghiệp Hàn Quốc, năng suất cũng không thua gì so với lao động Hàn Quốc cả”.
Mặc dù vậy, ông Diệp cũng chia sẻ rằng, dù muốn hay không, chúng ta cũng phải thừa nhận: Với trình độ như hiện nay, với nguồn vốn đầu tư theo chiều rộng như hiện nay, thì năng suất lao động như vậy là khá chính xác.
Do vậy, nhiệm vụ đặt ra trong tái cơ cấu là phải phát triển kinh tế theo chiều sâu, chú trọng công nghệ, như vậy mới hy vọng sớm cải thiện được năng suất lao động của Việt Nam.
Hiện Chính phủ đang giao Bộ Lao động Thương binh & Xã hội thống kê, điều tra con số chính xác về năng suất lao động.
Chỉ số thất nghiệp thấp: Đừng mừng quá vội!
Liên quan đến chỉ số thất nghiệp 1,84% vừa được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố gần đây, nhiều ý kiến trái chiều đã hoài nghi về độ chính xác của con số thống kê.
Giải thích với báo giới, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, trong bộ luật lao động của Việt Nam có định nghĩa: bất cứ công việc nào không bị pháp luật ngăn cấm, được trả công đều được hiểu là việc làm.
Ông Diệp cũng “đính chính” rằng, cuộc điều tra vừa rồi là do Tổng cục Thống kê tiến hành. Tất cả các định nghĩa về việc làm hay thất nghiệp đều tuân thủ theo định nghĩa quốc tế và của cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, ông Diệp cũng lưu ý, để đo sức khỏe của thị trường lao động không chỉ có tỷ lệ thất nghiệp, mà có tới 18 chỉ tiêu chính (thời gian làm việc, khu vực làm việc, bảo hiểm xã hội hay không…)
“Chúng ta thấy vui khi chỉ số 1,84%, nhưng 2/3 lao động Việt Nam lại đang làm việc trong khu vực “dễ bị tổn thương”, do vậy, đừng lạc quan quá về con số 1,84% này”, theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp.
Theo dân trí