Đào tạo CIO Việt Nam – thách thức ở phía trước

CIO Việt Nam – thách thức ở phía trước

18
CIO Việt Nam đã chính thức có một sân chơi riêng cho mình là Câu lạc bộ CEO và CIO. Song để thực sự nâng cao vị thế của mình, họ sẽ phải vượt qua một loạt những rào cản, mà không phải cái nào nào cũng dễ chịu. 

Ảnh minh họa


Chưa chính danh 
Bà Trương Hoàng Ngọc là một trong 9 người được trao giải CIO xuất sắc nhất. Ở Savimex – công ty cổ phần hợp tác kinh tế và xuất nhập khẩu, bà là người phụ trách và chịu trách nhiệm về toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin. Đi đầu trong việc triển khai đề án tin học ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động của doanh nghiệp, bà Ngọc đang tiếp tục đưa ra chiến lược phát triển cho mạng lưới công nghệ thông tin của Savimex. Với toàn bộ những trọng trách đó, lẽ ra chức danh chính thức của bà Ngọc phải là CIO, song trên thực tế, bà vẫn chỉ được coi là Trưởng bộ phận IT-Trưởng phòng kế hoạch. 
“Trên thế giới, người ta rất đề cao vai trò của CIO, đặt CIO ngang hàng với giám đốc khác như giám đốc tài chính, giám đốc điều hành. Còn ở Việt Nam chưa được như vậy, giỏi lắm thì là trưởng phòng công nghệ thông tin, đương nhiên không bằng sếp trưởng, cũng không thể bằng giám đốc điều hành. Hiện tại trong doanh nghiệp, vị trí của CIO còn thấp hơn nhiều so với các chức danh khác”. 
Như vậy, rõ ràng ngay việc xác định không đúng chức vị, dẫn đến coi nhẹ vai trò của các CIO là một rào cản khá lớn. 
Ông Lê Mạnh Hà Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh còn cho biết thêm, nhiều người không hiểu về vai trò của CIO là gì đã đành, ngay cả đến lãnh đạo trong ngày nhiều lúc cũng chỉ hiểu CIO là người làm về lãnh đạo công nghệ thông tin thuần túy. Thế nên, cái sự bó mình chỉ là “anh sếp kỹ thuật” của một số CIO âu cũng dễ hiểu. 

Chưa đồng bộ 
Sở dĩ có tình trạng CIO Việt Nam chưa chính danh xuất phát từ thực tế hiểu biết về công nghệ thông tin của đa phần người Việt Nam vẫn chưa cao. Như vậy, giữa CIO và cộng đồng những người làm việc xung quanh họ chưa có một sự “tương thích” nhất định. Đơn cử như trường hợp của ông Ngô Minh Châu, Giám đốc trung tâm Tin học, Văn phòng Quốc hội. 
Khi ông Châu thực hiện đề tài ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng chính phủ điện tử, điều ông quan ngại nhất là muốn xây dựng thành công mô hình chính phủ điện tử, phải làm sao xây dựng được công chức điện tử, đại biểu điện tử và tất nhiên cả cử tri điện tử. 
Ông Châu lý giải: “Cử tri điện tử là bước xa nhất, vì hiện tại nước ta có cái dở là trình độ tin học hóa nhân dân còn rất ít, ở mức rất thấp, mặc dù sự tiến bộ của ta là rất nhanh”. Như vậy, để đồng bộ hoá được kiến thức về công nghệ thông tin cho công chức, đại biểu và cử tri, điều đó còn hứa hẹn một sự chờ đợi lâu dài. 

Chưa thích ứng nhanh với thay đổi 
Cả thế giới đang lao mình vào kỷ nguyên của khoa học và công nghệ. Sự thay đổi trong tư duy làm việc lẫn phương thức sống diễn ra chậm chạp hơn nhiều với những hơi thở tươi mới của ngành công nghệ. Từng giây, từng phút, cả thế giới thay đổi đến chóng mặt. Vì vậy, người lãnh đạo về công nghệ thông tin, nếu không chiếm lĩnh và dự đoán trước được những xu hướng mới của thời đại, không cập nhật được những thay đổi hàng ngày để tự nâng cấp mình cho mình hợp, e rằng sẽ dậm chân tại chỗ. 
Bước ra từ xã hội có căn cốt văn hóa là một xã hội nông nghiệp, nông thôn, nắm vai trò lãnh đạo một ngành phát triển vào bậc nhất của xã hội hiện đại, đây sẽ là một rào cản cực mạnh đối với các CIO Việt. 
Do đó, theo như lời Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Vũ Đức Đam “khi phải đối mặt với sự thay đổi trong quy trình lề lối làm việc, vấn đề đó đụng chạm đến tổ chức, đụng chạm đến con người, nếu không biết huy động sự lãnh đạo của người cao nhất trong đơn vị của mình, chúng ta không phối hợp với tất cả các đơn vị có liên quan thì chúng ta cũng rất khó để vượt qua”. 

Thiếu kiến thức kinh doanh 
Mặc dầu biết rằng vị thế của CIO Việt Nam vẫn chưa được đánh giá đúng mức, song có một thực tế không thể phụ nhận được là ở một bộ phận các CIO mới chỉ có “tầm” về mặt kỹ thuật, còn kiến thức kinh doanh vẫn chưa tương xứng, nếu không muốn nói là thiếu hụt. 
CIO đâu chỉ ngồi đó mà chỉ huy hệ thống mạng, sửa chữa máy tính. Nhiệm vụ của người lãnh đạo công nghệ thông tin còn là biến “tin lực” thành một lợi thế cạnh tranh để triển khai các dự án kinh doanh, tìm ra cách thức để tìm kiếm nguồn tài chính cho đơn vị mình. Sự chuyển mình của nền kinh tế thị trường cũng đòi hỏi các CIO cũng phải chuyển mình “đồng bộ” theo đà của những thay đổi trên thế giới. 

Chưa có tầm nhìn xa 
Là Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phụ trách về mảng công nghệ thông tin, chính bản thân ông Vũ Đức Đam cũng thừa nhận: “Nếu nói một cách thẳng thắn, trong số những lãnh đạo CIO trong khu vực nhà nước, chưa phải chúng ta đã đáp ứng được những yêu cầu đối với một CIO so với trong khu vực và trên bình diện quốc tế. Bởi vì phần nhiều anh em xuất phát từ người làm kỹ thuật. Còn người lãnh đạo công nghệ thông tin thì đòi hỏi phải có tầm nhìn rất rộng hơn so với mặt bằng chung”. 
Chỉ có một điều đáng mừng ở chỗ, so với những năm trước đây, trong số những CIO được bình chọn trao giải CIO xuất sắc, có cả các CIO làm việc trong các cơ quan Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Các CIO đã trở thành những vị giám đốc có tầm hơn trong việc đưa công nghệ thông tin ứng dụng vào trong lĩnh vực của mình. 
Như vậy, với CIO Việt Nam, việc thiết lập nên một cộng đồng CEO và CIO vẫn là chưa đủ. Nó mới chỉ là biện pháp bước đầu để nâng tầm nhìn và sự tự ý thức của các CIO đối với trách nhiệm và nghĩa vụ của chính bản thân mình. Vẫn còn quá nhiều những đối thủ đi trước dày dặn về kinh nghiệm trên thương trường và kinh nghiệm quản lý. CIO Việt Nam – giống như một anh thanh niên trai trẻ – đang hăm hở vượt qua rất rất nhiều những thách thức đến từ bên ngoài lẫn bên trong.