Kiến thức quản trị Làm doanh nhân cần sự “điên rồ”?

Làm doanh nhân cần sự “điên rồ”?

8
Bạn phải có một chút “điên rồ” thì mới có thể trở thành một doanh nhân thành công. Nhưng đừng để sự điên rồ trong phút chốc phá hoại chính công ty bạn trước khi nó cất cánh.
Ảnh minh họa

Các doanh nhân thường bị thu hút bởi những cảm xúc ở thái cực đối lập nhau. Họ cần những cảm xúc ở đỉnh cao khi chứng kiến tầm nhìn của họ thành hiện thực. Họ cũng không sợ những cảm xúc rơi xuống tới tận cùng khi chứng kiến những giấc mơ của họ vỡ vụn dưới mặt đất. Nhưng đôi khi, chính những bản năng và tính cách giúp các doanh nhân thành công lại biến thành con dao hai lưỡi dao phá hoại công ty họ trước khi nó cất cánh.
Dưới đây là 7 sai lầm chết người mà các doanh nhân thường xuyên mắc phải.
1. Phân chia vốn cổ phần: Bất cứ ai đã học xong trường mẫu giáo cũng biết về tầm quan trọng của việc chia sẻ, hợp tác và sống hòa thuận với những người khác. Nhưng với việc mở công ty thì bản năng đó có thể gây rắc rối. Nếu bạn cố gắng phân chia vốn cổ phần trong công ty thật đều giữa những người đồng sáng lập thì gần như chắc chắn bạn sẽ nhanh chóng bế tắc.
Đó là vì trong kinh doanh, giống như mọi lĩnh vực khác của cuộc sống, luôn phải có người có tiếng nói cuối cùng. Ngay cả khi có cùng mức lương và các kỹ năng, thì ai đó vẫn phải làm sếp và có tiếng nói quyết định đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là với các doanh nghiệp trẻ đang tăng trưởng và thay đổi nhanh chóng. Thay vì sợ cuộc trao đổi rất khó xử này với đối tác của mình, hãy sớm thực hiện và tiếp tục tiến lên.
2. Xây dựng một sản phẩm không có chiến lược ra thị trường mạnh mẽ. Field of Dreams là bộ phim mà bạn rất không nên vận dụng vào công ty mình. Câu thoại nổi tiếng trong bộ phim – “Nếu anh tạo dựng nó, thì họ sẽ tới với anh” – là lời khuyên tồi nhất dành cho doanh nhân. Đáng buồn là quá nhiều doanh nhân làm theo lời khuyên này.
Hào hứng với sản phẩm của bạn là điều cần thiết đối với một công ty khởi sự. Tin tưởng vào nó là điều không thể thiếu. Nhưng ra mắt một công ty mà không có kế hoạch vững chắc đối với việc phân phối sản phẩm là tự sát. Đừng bao giờ làm như vậy.
3. Phớt lờ những điều bạn biết là mình không có hiểu biết. Tự tin là bí quyết của mọi doanh nhân. Đó là phẩm chất giúp bạn tỏa sáng trong các cuộc họp với các nhà đầu tư hoặc khách hàng tiềm năng.
Nhưng sự tự tin cũng là con dao hai lưỡi. Giống như bất cứ ai khác, doanh nhân cũng có những điểm mù. Điều đó không sao cả, chừng nào họ biết chính xác những điều họ không biết và quy tụ xung quanh là những người đồng sáng lập, nhân viên, chuyên gia cố vấn – những người có thể khỏa lấp những khoảng trống đó của họ.
Lúc bạn bắt đầu nghĩ rằng bạn biết mọi thứ thì đó cũng chính là lúc bạn đưa bản thân tới thảm họa.
4. Không tin tưởng trực giác của bạn. Kiến thức là quan trọng, nhưng trực giác – thứ rất khó diễn tả thành lời đôi lúc lại phát tín hiệu cho chúng ta và gợi ý những hành động đúng.
Mạo hiểm mọi thứ để mở công ty, những người sáng lập có bản năng rất mạnh mẽ về những điều đúng và không đúng đối với họ trong nghề nghiệp. Điều đó cũng áp dụng với chiến lược, vấn đề nhân sự và liên quan tới mọi quyết định mà một người sáng lập có thể đưa ra. Các doanh nhân phải học cách tin cậy những cảm xúc đó.
Là sếp, bạn phải nghiêm khắc với suy nghĩ của mình và thận trọng trong việc ra quyết định. Nếu trực giác đang mách bảo với bạn điều gì đó, hãy dừng lại và lắng nghe nó.
5. Thất bại trong việc giao vai trò và trách nhiệm. Ai cũng biết rằng doanh nhân làm tất cả mọi việc. Hãy mở một công ty mới, và bạn sẽ thấy bản thân mình phải phát triển sản phẩm, phục vụ các khách hàng, viết bản nháp website và chạy tới nhà băng để gửi tiền bằng séc.
Vì có quá nhiều trách nhiệm, nên khi mới bắt đầu cuộc chơi, các doanh nhân thường thất bại trong việc giao trách nhiệm và vai trò rõ ràng cho đội ngũ của họ. Đó là điều đáng tiếc. Không có những định hướng rõ ràng, các nhân viên khó có thể đạt được các mục tiêu. Phần mô tả công việc cần rõ ràng, súc tích và phát triển thường xuyên cùng với sự phát triển của công ty.
6. Tránh những cuộc trao đổi khó chịu. Chắc chắn, các doanh nhân thường là những người đam mê và mãnh liệt. Họ cũng có xu hướng hướng ngoại và có bản năng hợp tác, điều đó có nghĩa là họ sợ sự đối đầu, giống như những người bình thường khác. Đáng buồn là, sự đối đầu thường cần thiết, nhất là khi bạn đang cố gắng xác định con đường của một doanh nghiệp mới. Tránh những cuộc tranh luận khó chịu hay có tính đối đầu hôm nay sẽ tạo ra những vấn đề lớn hơn theo hàm mũ trong tương lai. Nếu điều gì đó không đúng, hãy đào sâu nó ngay lập tức.
7. Để những ý tưởng bất chợt tạo ra những lối rẽ bất chợt. Là người sáng lập, bạn quan tâm tới công ty yêu quý của mình. Điều đó có nghĩa là bạn tìm và thu nhận thông tin, ý kiến phản hồi từ mọi người vào mọi lúc. Nó cũng có nghĩa là bạn đang nghĩ về công ty bạn 24/7 và luôn có những ý tưởng mới.
Điều đó tuyệt vời, nếu bạn có một khuôn khổ để bạn và đội ngũ của mình giải quyết những cảm hứng bất chợt. Nếu không, rất có thể bạn sẽ tạo ra lối rẽ bất chợt với việc luôn tấn công những thứ mới và long lanh. Đừng làm kiệt quệ bản thân và nguồn lực của công ty bằng việc theo đuổi những ý tưởng chợt lóe thay vì theo đuổi một kế hoạch đã được vạch ra rõ ràng, có hệ thống.

Theo Entrepreneur/hoclamgiau