Xác định cơ sở hạ tầng đồng bộ là một trong các nhân tố quan trọng tạo nên sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư của địa phương, trong những năm qua, tỉnh Kon Tum đã đề ra nhiều chính sách ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ kịp thời cho nhu cầu đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh của các DN, cũng như phát triển kinh tế – xã hội toàn tỉnh.
Những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương – trên cơ sở Quy hoạch được duyệt, Kon Tum đã từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh.
Nối dài những cung đường
Từ đó, các tuyến đường huyết mạch như đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24, Quốc lộ 14C, Quốc lộ 40,… qua địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng khá đồng bộ. Hạ tầng giao thông ở các vùng động lực kinh tế, Khu kinh tế, Khu công nghiệp, khu du lịch, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đến các cửa khẩu như Đường Đăk Côi – Đăk Pxi; Đường Ngọc Hoàng – Ngọc Linh; các dự án đường giao thông KKT cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen… cũng được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng. Hệ thống giao thông toàn tỉnh từ chỗ chỉ khoảng 600 km đường, với 66 km đường nhựa ở thời điểm tái lập tỉnh vào năm 1991, đến nay toàn tỉnh đã có 4.060 km đường.
Bên cạnh việc phát triển hệ thống giao thông nội địa, giao thông đối ngoại tại Kon Tum cũng từng bước được hoàn thiện.
Bên cạnh việc phát triển hệ thống giao thông nội địa, giao thông đối ngoại tại Kon Tum cũng từng bước được hoàn thiện, phá thế ngõ cụt nhiều năm và đảm bảo giao lưu thuận tiện từ tỉnh đi cả bốn hướng – đi các tỉnh phía Bắc, phía Nam bằng đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 14, đi các tỉnh ven biển bằng quốc lộ 24 và kết nối với các nước Lào, Campuchia, Thái Lan qua quốc lộ 40… Các công trình giao thông được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng trong những năm qua đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện rõ nét đời sống người dân và tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội của Kon Tum tiến nhanh và xa hơn trong tương lai.
Điểm đến mới
Song song với hệ thống giao thông, Kon Tum cũng đã và đang tập trung đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật như cấp thoát nước, cấp điện, thông tin liên lạc… để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt tại các Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ tín dụng ngân hàng, vận tải kho bãi, thông tin liên lạc, du lịch, dịch vụ y tế, đào tạo… Đặc biệt, công tác phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng. Những vấn đề này được thể hiện rõ trong các chiến lược phát triển của tỉnh trong những năm qua như: Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011-2020; Đề án xây dựng thành phố Kon Tum đến năm 2015 đạt 70% mức tiêu chuẩn đô thị loại II (vùng cao, vùng sâu, biên giới); Đề án xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh đến năm 2020; Đề án chính sách hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền trên địa bàn tỉnh tỉnh Kon Tum…
Với những nỗ lực của các cấp lãnh đạo và nhân dân, ngoài “phần thưởng” là trở thành “điểm đến mới” của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với 138 dự án đăng ký đầu tư, tính đến đến hết năm 2013, trong đó có 131 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư 29.731,6 tỷ đồng trên diện tích đất dự kiến sử dụng là 52.307 ha.
Theo dddn