Nhà sản xuất tổn thất lớn từ vấn nạn tôn giả, kém chất lượng

Tôn giả ngang nhiên hoành hành trên thị trường, đó là thực tế khó phủ nhận. Tuy nhiên đã đến lúc người tiêu dùng cần nhận thức đúng về quyết định của mình dựa trên tính toán và so sánh thiệt hại nếu sử dụng tôn giả, kém chất lượng.
Ảnh minh họa

Môi trường kinh doanh không lành mạnh sẽ triệt tiêu động lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính trong nước
Nhà thầu nói không với tôn giả, kém chất lượng
Ông Võ Đắc Khôi – Thành viên Hội đồng kiểm soát, Cố vấn cấp cao Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình, một nhà thầu xây dựng nằm trong top nhà thầu ngoài quốc doanh uy tín tại Việt Nam cho biết, thị trường tôn tại Trung Quốc đang bị dư thừa do hậu quả từ việc quy hoạch phát triển quá nóng thời kỳ trước đây, đồng thời chịu tác động của thị trường bất động sản nước này khủng hoảng vì vậy nhà sản xuất Trung Quốc tìm cách đẩy hàng sang Việt Nam nhằm giải phóng lượng lớn hàng tồn kho. Một bộ phận thương nhân người Việt vì ham rẻ, ham lợi nhuận vi phạm pháp luật, yêu cầu chủ hàng giảm chất lượng tôn, lợi dụng thương hiệu tốt trong nước tiến hành in đè lên, biến tôn trôi nổi thành tôn có thương hiệu đánh lừa người tiêu dùng. 
Theo tính toán của lãnh đạo một nhà thầu xây dựng khác, giá trị phần mái chỉ chiếm 10% trong tổng số giá trị xây dựng của một công trình xây dựng. Trong đó trừ đi phần sắt hộp thì tỷ lệ mái tôn chỉ đạt 5%. Ví dụ một dự án nhà xưởng công nghiệp có hợp đồng xây dựng 100 tỷ thì kinh phí dành cho phần mái tôn là 5 tỷ. Thông thường, khi quyết toán với chủ đầu tư, nhà thầu sẽ đề nghị thanh toán hết 100% khối lượng công việc. Nếu chỉ vì chất lượng mái tôn có vấn đề về độ dày, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập nhèm tiêu chuẩn kỹ thuật… thì số tiền 100 tỷ sẽ bị gác lại chờ thẩm định. Như vậy, nếu có tiết kiệm được vài trăm triệu từ 5 tỷ tiền mái tôn mà bị ách lại cả khoản 100 tỷ thì nhà thầu lãnh quả đắng vì “tham bát bỏ mâm”. Vì vậy, nhà thầu xây dựng uy tín không dại dột gì mà bỏ qua khâu kiểm tra, sử dụng sản phẩm tôn chính hãng, có thương hiệu được bảo hộ. Đó chính là cách nhà thầu giữ uy tín của mình với chính công trình, với chủ đầu tư và đối tác lâu dài, bền vững. 
Đơn vị phân phối, bà Mai Thị Dần – Giám đốc Công ty Ngọc Dần, một đại lý phân phối tôn lâu năm và là đại lý lớn phân phối tôn lớn tại Hà Nội chia sẻ: “Công ty chúng tôi nhập và phân phối 50% sản phẩm là Tôn Phương Nam chính hãng và một số thương hiệu uy tín khác như tôn T.V.P., tôn Bluscope… tất cả tôn tại xưởng đều có hóa đơn chứng từ xuất nhập và xuất xứ từ nhà sản xuất trong nước”.
Tôn giả dễ dàng lừa được người tiêu dùng bằng giá cả thấp hơn so với hàng chính hiệu
Bà Dần cũng ủng hộ mạnh mẽ hành động kịp thời, nhanh chóng của Đội quản lý thị trường 14 – Chi Cục quản lý thị trường TP. Hà Nội trong việc kiểm tra gắt gao các xưởng gia công được phản ánh có tôn giả, tôn nhái. “Việc công khai các cơ sở làm ăn gian dối này giúp ích rất nhiều cho khách mua tôn, cho nhà sản xuất và cho hoạt động kinh doanh phân phối sản phẩm chính hãng để không bị ảnh hưởng uy tín khi cung cấp hàng cho các nhà máy lớn, các công trình trọng điểm quốc gia” – bà Dần nhấn mạnh.
Nhà sản xuất gánh 3 tổn thất lớn
Theo tìm hiểu của phóng viên, lãnh đạo một công ty sản xuất tôn có thương hiệu bức xúc cho biết, họ cũng như nhà sản xuất tôn khác phải chịu 3 tốn thất lớn từ vấn nạn hàng nhái, hàng giả: Thứ nhất, nó làm giảm uy tín các thương hiệu chính hãng của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính, gây tâm lý hoang mang và nghiêm trọng hơn là mất lòng tin của người tiêu dùng cho các sản phẩm hàng tôn chính hiệu; thứ hai, tôn nhái, tôn giả dễ dàng lừa được người tiêu dùng bằng giá cả thấp hơn so với hàng chính hiệu, dẫn đến việc doanh nghiệp bị mất thị phần tiêu thụ; thứ ba, môi trường kinh doanh cạnh tranh không lành mạnh bằng các chiêu thức gian dối sẽ triệt tiêu động lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính trong nước, kéo theo việc suy giảm cả ngành công nghiệp tôn thép và dẫn đến thiệt hại cho nền kinh tế. 
Về phía Hiệp hội tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Phạm Văn Huynh – Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam cho rằng, tôn giả, tôn nhái trên thị trường hiện nay sẽ gây hậu quả “nguy hiểm”, vi phạm đạo đức người kinh doanh, vi phạm pháp luật, xâm hại trắng trợn quyền và lợi ích chính đáng của đơn vị sản xuất trong nước, không có tinh thần tôn vinh sản phẩm Việt và phần nào đó thiếu tinh thần yêu nước.

Theo dddn