Theo ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch HĐQT Le Group of Companies, Chủ tịch CLB Doanh nhân sáng tạo, hiện nay, đa số doanh nghiệp kinh doanh, chế biến đặc sản Việt không hề biết cách xây dựng thương hiệu.
Ảnh minh họa
Ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch HĐQT Le Group of Companies, Chủ tịch CLB Doanh nhân sáng tạo
Ông có đánh giá gì về chương trình quảng bá thương hiệu đặc sản vùng miền Việt Nam 2014 của UBND thành phố Hà Nội ?
Theo tôi, chương trình quảng bá thương hiệu đặc sản vùng miền lần này là một nỗ lực ban đầu của UBND TP trong chiến lược dài hơi. Hiện nay, đang tồn tại một sự cạnh tranh rất khốc liệt giữa các đặc sản. Về chất lượng thì không có gì đáng bàn nhưng phương pháp làm thương hiệu không có bài bản.
Lâu nay, chúng ta vẫn làm theo kiểu hữu xạ tự nhiên hương, trong khi đó, có rất nhiều hàng nhập khẩu, hàng nhái, hàng chất lượng kém nhưng họ lại biết cách kinh doanh, biết cách tràn vào thị trường nên các loại đặc sản của chúng ta bị lép vế. Dù chất lượng tốt nhưng giá trị của nó không cao như kì vọng mà chúng ta mong muốn. Điều cốt lõi mà chúng ta cần quan tâm không phải là chỉ bán được hàng, mà làm sao phải bán với giá xứng đáng của giá trị sản phẩm để ngày càng nâng cao giá trị sản phẩm. Đó chính là nguyên nhân vì sao đặc sản Việt phải làm thương hiệu một cách bài bản.
Đây là chương trình đầu tiên của Hà Nội làm nên mới chỉ đưa được 40/63 tỉnh thành của cả nước. UBND Thành phố Hà Nội cho biết kỳ vọng mỗi năm sẽ làm chương trình 1 lần sẽ thu hút được nhiều hơn. Chương trình quảng bá sẽ không chỉ là các đơn vị, doanh nghiệp mang hàng tới giới thiệu mà còn là chuỗi các hoạt động tiếp theo trong đó quan trọng là hoạt động tư vấn thương hiệu cho các địa phương, doanh nghiệp có các loại đặc sản.
Tôi cho rằng, năm nay chúng ta sẽ làm cho doanh nghiệp nhận thức về vai trò thương hiệu, giá trị của việc xây dựng thương hiệu,yếu tố cần thiết để có một thương hiệu mạnh. Sau đó, mỗi năm sẽ giúp các doanh nghiệp, địa phương trực tiếp xây dựng các thương hiệu một cách bài bản hơn. Đó là mục tiêu dài hạn của những người thực hiện chương trình. Đề làm được điều này chúng ta cần một thời gian dài chứ không thể giải quyết trong vòng 4,5 ngày hội trợ. Trong hội thảo chuyên đề diễn ra đồng hành cùng chương trình, các doanh nghiêp trong nước sẽ được các chuyên gia chia sẻ về bài học thương hiệu của các thương hiệu đặc sản quốc tế đã thành công rồi.
Việt Nam là một đất nước có đa dạng về văn hóa dân tộc với nhiều đặc sản khắp ba miền Bắc – Trung – Nam. Rất nhiều đặc sản của chúng ta được bạn bè quốc tế thưởng thức và khen ngon nhưng tại sao nhiều thương hiệu đặc sản Việt chưa thể lớn mạnh trong nước cũng như vươn ra thế giới ?
Tôi cho rằng có ba lý do khiến thương hiệu đặc sản Viêt không thể phát triển mạnh: Thứ nhất là các chủ doanh nghiệp sở hữu đặc sản chưa có ý thức về thương hiệu. Đây là yếu tố cơ bản nhất. Chính vì không hiểu rõ tầm quan trọng của thương hiệu nên doanh nghiệp đặc sản Việt không coi trọng điều này.
Thứ hai đó là các doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn. Có những người biết cần phải làm nhưng lại không có ngân sách, không có nguồn đầu tư cho phát triển thương hiệu. Họ cũng băn khoăn rằng việc bỏ số tiền đó là có xứng đáng với giá trị sản phẩm, nguồn thu lại của họ hay không. Đôi khi việc thiếu hiểu biết sâu sắc cộng với tâm lý ngại mạo hiểm khiến cho doanh nghiệp bỏ qua vấn đề thương hiệu.
Thứ ba là rất nhiều doanh nghiệp có tiền, có ý thức thương hiệu nhưng lại thiếu kiến thức, không biết phải làm thế nào cả.
Đây chính là 3 nguyên nhân làm giá trị thương hiệu đặc sản Việt yếu kém trên thị trường.
Vậy các doanh nghiệp kinh doanh đặc sản phải làm thế nào ?
Điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm đặc sản phải xây dựng một chiến lược thương hiệu bài bản. Để xây dựng chiến lược thương hiệu thì đầu tiên là phải có nhận thức, coi trọng việc phát triển thương hiệu. Khi đã coi trọng điều này các doanh nghiệp sẽ tìm ra được hướng đi, xây dựng các giải pháp thực hiện.
Xin cám ơn ông !
Theo dddn