Theo TS. Nguyễn Thanh Bình thuộc Học viện Ngân hàng, thị trường bán lẻ Việt Nam bộc lộ nhiều khiếm khuyết, nhưng lớn nhất là thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường bán lẻ và thiếu đi một nhạc trưởng trong từng mảng kinh doanh nên dẫn tới tất cả đều phát triển manh mún, thiếu bài bản.
Trong khi những doanh nghiệp bán lẻ tạo được niềm tin đối với các nhà sản xuất, nhà cung cấp, đảm bảo được nguồn hàng ổn định phục vụ người tiêu dùng không nhiều, thì việc tăng thêm chiết khấu cho hàng hóa vào siêu thị là gánh nặng quá lớn cho các công ty cung cấp hàng hóa trong nước.
Một số doanh nghiệp trong nước cho hay, sau khi vào tay nước ngoài, các siêu thị ép các công ty Việt kinh khủng. Chẳng hạn, trước đây siêu thị thanh toán tiền cho doanh nghiệp 30 ngày sau khi nhận hàng, nay kéo dài lên 45 ngày. Điều này chẳng khác nào chiếm dụng vốn của doanh nghiệp Việt. Hoặc mức chiết khấu đã thỏa thuận trong hợp đồng là 15% nhưng sau đó siêu thị ngoại nâng chiết khấu thêm 10% nữa và điều này là quá sức chịu đựng của các công ty trong nước.
Đại diện một công ty khác bức xúc cho biết, để đưa hàng vào được siêu thị đã khó khăn, giữ vững hàng hóa trên kệ ở siêu thị càng gian nan gấp trăm lần. Bởi thế có nhà sản xuất muốn hàng hóa của mình đến với người mua đành phải cắn răng chấp nhận trước những đòi hỏi của siêu thị như liên tục tăng chiết khấu, phí mở mã hàng, phí hỗ trợ các chương trình sinh nhật, khuyến mãi…
Trong khi đó, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Hà Nội tỏ ra khó hiểu với quy hoạch và vận hành của cơ quan quản lý trong phát triển hệ thống bán lẻ khi cho biết, 700m đường ở Thái Thịnh (Hà Nội) đã có hai siêu thị là Hapro, Lotte nhưng vẫn cho “cắm” luôn Fivimart ở giữa khiến cho Hapro đóng cửa hoàn toàn.
Không những thế, vừa qua Sở công thương Hà Nội công bố 32.000 tấn rau quả bình ổn giá nhưng giá cà chua tăng 4 lần mà không ai chịu trách nhiệm. với con số trên, rau có thể dải khắp đường nhưng lại không đến tay người dùng.
Cũng theo ông Phú, giá của nhiều mặt hàng cao vô lý là do lỗi ở hệ thống phân phối. Nhiều siêu thị Việt Nam ngồi máy lạnh chờ người cung hàng đến rồi ban phát cho vào siêu thị. “Tôi đã dẫn thử một số doanh nghiệp muốn cung cấp hàng hóa cho siêu thị, nhưng siêu thị nội cũng có tình trạng ép chiết khấu thông qua tăng chi phí tạo tạo mã, phí đầu kệ, phí sinh nhật…Siêu thị nội có hàng trăm tỷ bình ổn giá vẫn cao hơn bên ngoài. Tôi cho là có lợi ích nhóm”, ông Phú nói.
Chính vì vậy, theo ông Phú, các doanh nghiệp trong nước đang tự hại nhau, bởi sức ép của Thái, Úc, Mỹ… chỉ 30%, 70% còn lại do chính các doanh nghiệp trong nước tự tạo ra.
Theo VOV