8 điều nên chú ý khi marketing cho Startup

Chưa biết cách quảng bá thương hiệu hay mắc sai lầm ngay từ khâu lập chiến lược marketing có thể là lý do khiến startup sớm gặp thất bại.


Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, khao khát đạt thành công cũng là một trở ngại lớn đối với startup trong thời gian đầu, bởi lúc này công ty chưa xây dựng được nền tảng vững chắc cũng như có được lượng khách hàng ổn định. Điều đó giải thích vì sao hoạt động marketing nên là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch phát triển kinh doanh của công ty.

Dưới đây là những điều các startup nên và không nên làm trong hoạt động marketing:

1. Nên chú trọng hiệu quả marketing

Có một nguyên tắc đơn giản trong kinh doanh: Để kiếm được nhiều tiền, bạn buộc phải chi tiền. Không may thay, nhiều startup lại dễ dàng vung tiền cho các chiến lược marketing mà không thật sự quan tâm đến hiệu quả hoạt động của chúng – thường được thể hiện qua chỉ số ROI và mức tăng doanh thu dự kiến.

ROI (Return of Investment) là một thuật ngữ quan trọng trong marketing, đặc biệt là SEO, thể hiện tỷ lệ lợi nhuận thu được so với mức chi phí đầu tư. Hiểu một cách đơn giản, bạn sẽ biết được tỷ lệ những gì bạn thu về so với những gì bạn bỏ ra thông qua chỉ số này.

2. Không nên bất đồng với khách hàng

Trong marketing bán hàng, bạn nên khéo léo dẫn dắt khách hàng thay vì áp đặt quan điểm lên họ. Câu nói “Khách hàng luôn đúng” không phải là điều vô căn cứ khi đã được chứng minh trong nhiều trường hợp thực tế.

Nếu có bất đồng xảy, bạn nên tìm cách giải quyết với khách hàng, và tốt nhất nên giải quyết theo hướng có lợi cho họ.

3. Nên sớm thừa nhận thất bại

Một trong những nguyên nhân khiến nhiều startup gặp thất bại là do quá trung thành với những chiến lược marketing không hiệu quả. Thực tế, những startup thành công cũng gặp thất bại như bao người, chỉ khác là họ chọn cách thất bại nhanh chóng.

Điều này có nghĩa khi sớm nhìn thấy một chiến lược kém hiệu quả, một startup thành công sẽ ngay lập tức chấm dứt nó và không cố gắng níu kéo trong khi startup khác lại tiếp tục theo đuổi chiến lược dù bản thân họ cũng nhận ra khả năng thành công là rất thấp.

Đồng thời, việc sớm từ bỏ những chiến lược marketing kém hiệu quả còn giúp startup tiết kiệm thời gian, tiền bạc và dồn nguồn lực cho chiến lược mới.

4. Không nên đánh giá thấp hình thức marketing miễn phí

Trên thực tế, “free” (miễn phí) lại là chiến lược cực kỳ hiệu quả trong marketing, với đặc tính dễ lan tỏa trong cộng đồng lại ít tốn kém.

Hiện nay, những loại hình marketing miễn phí hiệu quả nhất có thể kể đến gồm: marketing truyền miệng, quảng bá thương hiệu trên các phương tiện truyền thông xã hội, viết blog, làm video, tăng khả năng tìm thấy trên Google,…

Dù vậy, nhiều startup lại đánh giá thấp hình thức marketing này bởi họ cho rằng những thứ miễn phí sẽ không đem lại nhiều giá trị.

5. Nên tìm những dòng doanh thu mới

Sẽ tốt hơn nếu bạn mở rộng nguồn thu của công ty từ nhiều lĩnh vực khác nhau, có thể hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh chính. Ngày nay, startup nên chú trọng tới xu hướng đa dạng hóa càng sớm càng tốt. Càng nhiều người nằm trong phân khúc khách hàng mục tiêu, bạn càng dễ thực hiện các hoạt động marketing.

Và những dòng doanh thu mới này không nhất thiết phải đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Bạn chỉ cần nghĩ đơn giản, chúng là một trong nhiều công cụ “vệ tinh” hỗ trợ cho sự phát triển của sản phẩm/dịch vụ chính của công ty.

6. Không nên sớm thỏa mãn

Một trong những điều bạn tuyệt đối không nên làm là sớm thỏa mãn với những thành công ban đầu. Các startup thường hay tự mãn khi đạt được những thành công nho nhỏ ban đầu, dễ cảm thấy hài lòng với bản thân kéo theo cường độ làm việc bị giảm xuống.

Trong khi đối với nhiều doanh nhân, thành công luôn được xem như một lý do để họ đẩy nhanh tốc độ làm việc (cụ thể là hoạt động marketing) trong công ty. Đây là cơ hội tốt trong kinh doanh giúp startup phát triển thương hiệu, do đó cần bổ sung thêm nguồn lực hỗ trợ marketing thay vì dành nhiều thời gian ăn mừng.

7. Nên dùng công cụ tự động hóa marketing

Các công cụ tự động hóa đã được sử dụng phổ biến từ lâu trong thế giới marketing. Chúng vừa giúp bạn tiết kiệm thời gian, công sức vừa tăng mức độ quan tâm của khách hàng dành cho công ty.

Ngày nay, có rất nhiều công cụ marketing tiện lợi phục vụ cho quá trình phát triển của doanh nghiệp, như: Maptive, Nimble, CrazyEgg, Startup Threads,…

8. Không nên “tấn công” khách hàng bằng thư quảng cáo

Trước khi gửi thông điệp quảng cáo, bạn nên kiểm tra kỹ xem trước đó đã từng gửi chúng cho khách hàng hay chưa, tránh việc vô tình “tấn công” liên tục vào hộp mail hay điện thoại gây khó chịu cho họ. Chưa kể, hành động này dễ bị Google hay các công cụ tìm kiếm khác coi là spam (gửi thư rác) và cảnh báo sai phạm.

Các công ty như Google hay Amazon không bao giờ gửi quá một tin nhắn đến khách hàng trong mỗi lần thông báo bởi họ muốn đạt hiệu quả thực sự trong marketing. Cách làm này vừa giúp khách hàng không cảm thấy bị làm phiền vừa giúp công ty được đánh giá cao về tính chuyên nghiệp.

Theo Inc