Năm 2012, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lên tiếng không chấp nhận đồng bitcoin cũng như các loại tiền điện tử khác và cảnh báo những rủi ro của tiền điện tử. Bất chấp những cảnh báo, không chỉ bitcoin, nhiều đồng tiền điền tử khác tiếp tục du nhập Việt Nam. Tháng 6/2016 đã có 2 máy ATM dùng bitcoin hoạt động tại Việt Nam.
“Cấm tiền điện tử ư? Không thể! Vì muốn làm điều đó phải đánh sập internet”. Đó là câu trả lời chung của nhiều chuyên gia. Tiền điện tử là một hiện tượng của công nghệ, của nền kinh tế internet, mà các chính phủ, người dân, hay doanh nghiệp sẽ phải “sống chung”.
Sức mạnh của tiền điện tử nằm ở đâu?
Trao đổi với Doanh Nhân Sài Gòn, ông Trang Văn Sanh – nguyên Chủ tịch Ngân hàng TMCP Nam Á nhận xét: “Để hiểu vì sao các loại tiền ảo tồn tại, cần trở về với chức năng cơ bản của đồng tiền. Trong lịch sử, nguyên thủy đồng tiền là vật trung gian dùng để trao đổi hàng hóa, dịch vụ và là phương tiện cất giữ, tích trữ tài sản.
Thời trung cổ, nó được phát hành bởi giới nhà giàu, thường dựa vào kim loại quý (như vàng) để định giá trị, được nhiều người tin dùng, không nhất thiết phải có bảo chứng của chính phủ, mà là bảo chứng của nhà giàu. Ngày nay, với sự hỗ trợ của internet và công nghệ kỹ thuật số, việc ra đời của các đồng tiền điện tử hay tiền ảo là chuyện bình thường.
Dĩ nhiên thuật toán tạo tiền ảo sẽ rất phức tạp để đảm bảo an toàn và bảo mật. Nếu các đồng tiền điện tử này đáp ứng được các chức năng căn bản của đồng tiền là trung gian trao đổi hàng hóa, dịch vụ và là phương tiện tích lũy, cất trữ tài sản và được nhiều người dùng chấp nhận, thì nó đúng nghĩa là một đồng tiền”.
Sản phẩm của tri thức
Đối chiếu nhận xét của ông Sanh với các tư liệu về bitcoin – đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới – quả thực, bitcoin đúng nghĩa là một đồng tiền, bởi nó đã có một cộng đồng tin dùng, dùng để mua bán, đầu tư, có giá trị quy đổi ra các đồng tiền khác theo tỷ giá biến động hằng ngày.
Nó cũng là phương tiện tích lũy, cất trữ tài sản của người dùng trong các ví điện tử. Thậm chí, theo giải thích của một chuyên gia tài chính (đã phát trên Truyền hình Việt Nam), có thể “làm kho” chôn dấu nó để chống nạn ăn cắp của tin tặc bằng cách download về máy tính rồi ngắt internet, lúc nào muốn dùng thì lại đưa lên.
Để làm được điều trên, bitcoin được hỗ trợ bởi toán học. Theo một tư liệu trên http://vbtc.vn , Bitcoin hoạt động dựa vào những thuật toán mật mã cao cấp (SHA-256 hash). Protocol (nền tảng, cấu trúc, kiến trúc) của bitcoin có mã nguồn mở (open source), điều này có nghĩa là tất cả những ai biết về lập trình đều có thể kiểm tra qua mã nguồn này, nhưng không thể thay đổi được nó.
Bitcoin protocol chỉ có thể được thay đổi hay nâng cấp thông qua đa số người dùng. Điều này đồng nghĩa với việc những người sáng lập cũng không thể tự mình thay đổi mà chính đa số người dùng mới có quyền quyết định.
Như vậy, có thể diễn đạt một cách dễ hiểu, đồng tiền được tạo ra hoàn toàn thuộc về cộng đồng người dùng, một cách minh bạch.
Các thuật toán tạo ra còn cho phép người ta khai thác bitcoin (đào bitcoin) như khai thác vàng, bằng siêu máy tính. Để chống lạm phát, thuật toán khiến cho việc đào bitcoin ngày càng khó, cứ sau mỗi 4 năm, số bitcoi đào được sẽ giảm đi phân nửa. Và đến năm 2140 sẽ có tổng cộng 21 triệu bitcoin được đào và sẽ không còn bitcoin để đào nữa. Cộng đồng chấp nhận dùng bitcoin đang ngày càng tăng trong khi số bitcoin đào được lại ngày càng ít đi khiến cho người dùng không lo ngại vấn đề lạm phát như dùng tiền do các chính phủ phát hành.
Những người am tường công nghệ đều cho rằng bitcoin có nhiều ưu điểm. Tỷ phú Richard Branson – Chủ tịch Tập đoàn Virgin dự báo: “Tương lai sẽ có thêm nhiều đồng tiền ảo xuất hiện và có thể còn tốt hơn bitcoin”. Dự báo này của tỷ phú Richard Branson đã là hiện thực khi hiện nay đã có thêm nhiều đồng tiền điện tử mới xuất hiện, trong đó khá ồn ào tại Việt Nam sau bitcoin là onecoin.
Rủi ro đã xảy ra
Sự lan rộng, phát triển nhanh chóng của tiền điện tử khiến chính phủ nhiều nước tỏ ra lúng túng, nhưng cũng từng bước thừa nhận. Các phương tiện truyền thông đưa tin từ 18/11/2013, Thượng viện Mỹ đã có phiên điều trần về tiền điện tử, Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng bitcoin có thể là phương tiện giao dịch hợp pháp. Thông tin này được một số giới ủng hộ bitcoin diễn dịch thành Mỹ đã chấp thuận bitcoin.
Còn cuối tháng 10/2015, khi Tòa án Liên minh Châu Âu đưa ra phán quyết “các giao dịch bằng bitcoin và tiền điện tử sẽ không bị tính thuế”. Phán quyết này ngay lập tức được bình luận: “Từ nay, bitcoin sẽ được đối xử như một loại tiền tệ”. Chỉ mới cách đó một năm, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã khuyến cáo không nên sử dụng các đồng tiền điện tử.
Theo ông Trang Văn Sanh: “Ở các xứ sở tự do như Mỹ, châu Âu thì nếu người tiêu dùng tin dùng, chính phủ sẽ không cấm. Chừng nào có lừa đảo, có tố cáo thì chính quyền mới xử. Dĩ nhiên, các chính phủ sẽ không muốn thừa nhận vì nhà nước không thể kiểm soát các đồng tiền này, ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ và tài khóa”.
Về rủi ro, ông Sanh cho rằng: “Ở đâu cũng có rủi ro. Tiền do các chính phủ phát hành cũng có thể có rủi ro. Và với tiền ảo thì mức độ rủi ro càng cao khi không được luật pháp bảo vệ”.
Trên thực tế, rủi ro đã xảy ra. Đầu năm 2014 đã xảy vụ sập sàn giao dịch Mt.Gox khi sàn giao dịch này bị đánh cắp 850.000 đồng bitcoin, tương đương hơn 500 triệu USD. Vụ này đã khiến thị giá đồng bitcoin sụt giảm thê thảm, nhưng sau đó lại tăng trở lại do ngày càng nhiều nơi chấp nhận đồng bitcoin, cộng cồng người dùng tăng và các sàn mới ra đời với mức độ bảo mật cao hơn.
Theo DNSG