Người tiêu dùng Việt Nam rất thích dùng thử sản phẩm mới, đây là yếu tố quan trọng để các nhà sản xuất đầu tư vào chiến lược này.
Các nghiên cứu đã cho thấy, người tiêu dùng rất yêu thích những thương hiệu chịu đầu tư vào việc phát triển sản phẩm mới, nhưng không phải cứ liên tục tung ra sản phẩm mới là thành công. Doanh nghiệp cần chọn thời điểm thích hợp và có cách tiếp cận khách hàng, cần tìm hiểu thật kỹ thói quen, sở thích của khách hàng mục tiêu để đưa sản phẩm hoặc dịch vụ mới đến với họ một cách ấn tượng nhất.
Theo báo cáo của Nielsen về sáng tạo và đổi mới sản phẩm, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người tiêu dùng sẵn sàng dùng thử sản phẩm mới cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, có đến 88% người Việt cho biết đã mua sản phẩm mới trong khi đi mua hàng, cao hơn 19% so với mức trung bình của khu vực (69%).
Chia sẻ về vấn đề này, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food cho biết, với ngành thực phẩm, người tiêu dùng rất thích đổi mới khẩu vị, tiếp cận những sản phẩm tiện dụng, mới lạ. Đó chính là lý do từ khi thành lập đến nay, Sài Gòn Food liên tục đưa ra thị trường các sản phẩm mới. Tính bình quân, mỗi năm Sài Gòn Food đưa ra thị trường 10 sản phẩm mới các loại.
Cùng với việc ra mắt sản phẩm mới, Công ty cũng tổ chức các buổi giới thiệu và mời dùng thử sản phẩm mẫu. Đơn cử như mới đây, khi ra mắt cháo tươi ăn liền, Sài Gòn Food đã phát hàng trăm ngàn sản phẩm mẫu đến 500 trường mẫu giáo.
Không chỉ các nhà sản xuất mà ngay cả các nhà phân phối cũng sử dụng biện pháp này để thu hút và chinh phục khách hàng. Trong lĩnh vực bán lẻ điện máy, điện tử…, Công ty CP Thế Giới Di Động, Viễn Thông A… là những điển hình. Từ mấy năm nay, Thế Giới Di Động đã áp dụng chính sách cho khách hàng dùng thử sản phẩm trong vòng một tháng, nếu có trục trặc về lỗi kỹ thuật sẽ được đổi máy mới (miễn phí).
Máy không bị trục trặc nhưng nếu không thích, khách hàng cũng có thể trả lại (dĩ nhiên là có tính phí). Ngoài ra, có những chương trình dùng thử miễn phí 30 ngày đối với các loại phụ kiện (trừ miếng dán màn hình, ốp lưng, miếng dán Flop cover), đổi mới các sản phẩm trong suốt thời gian bảo hành… Để “thanh lý” số sản phẩm này, Thế Giới Di Động đã mở cửa hàng chuyên bán máy cũ (điện thoại, laptop, tablet…).
Cơ hội từ người tiêu dùng
Các chuyên gia cho rằng, người tiêu dùng hào hứng với việc thử sản phẩm mới đã tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, nhưng kèm theo đó là không ít thách thức. Đó là doanh nghiệp phải liên tục đầu tư nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo để sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Người làm marketing phải không ngừng sáng tạo, tìm tòi những cách thức mới để tiếp cận khách hàng.
Một trong những cách thức đó là tổ chức cho khách hàng trải nghiệm sản phẩm mới. “Quan trọng hơn, nhà sản xuất cần phải hợp tác chặt chẽ với nhà bán lẻ để đảm bảo có được sự ủng hộ từ họ nhằm giới thiệu sản phẩm mới đến người tiêu dùng” – ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Bộ phận Dịch vụ đo lường bán lẻ Nielsen Việt Nam cho biết.
Có nhiều yếu tố thúc đẩy việc dùng thử sản phẩm của người tiêu dùng tại Việt Nam. Thứ nhất là tiện ích. Thứ hai là sản phẩm phù hợp với gia đình và thương hiệu quen thuộc.
Theo một chuyên gia thương hiệu, việc dùng thử sản phẩm mới đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển sản phẩm. Thông qua việc lấy ý kiến khách hàng, công ty có thể cải tiến và hoàn thiện sản phẩm cũng như tạo ra thêm các sản phẩm mới. Đồng thời, dựa vào kết quả của việc phát hàng mẫu, công ty có thể rút kinh nghiệm cho những chiến dịch tung ra sản phẩm mới tiếp theo.
Theo DNSG